kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Từ đầu tháng 9 đến nay ghi nhận số ca sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh tăng so với trước. Đặc biệt 2 tuần trở lại đây, mỗi tuần đều ghi nhận hàng chục trường hợp mắc bệnh, trong đó có một ổ dịch tại thôn Lệ Thủy, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên với số người mắc đến ngày 3/10 là 21 trường hợp. Ngành y tế đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống SXH. Tuy nhiên, ý thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh mới là quan trọng nhất.

Chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Phun thuốc diệt muỗi tại thôn Lệ Thủy, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên. Ảnh: CDC Hà Nam

Là địa phương có số người mắc SXH nhiều nhất tỉnh, xã Trác Văn đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH. Theo ông Trương Văn Trự, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Duy Tiên, năm nay cùng với việc tập trung làm tốt công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, ngành y tế thị xã vẫn quan tâm chú trọng công tác phòng, chống các loại dịch bệnh khác, trong đó có dịch SXH. Kế hoạch phòng, chống dịch SXH đã được triển khai từ đầu năm với việc tăng cường ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh, kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các đội chống dịch cơ động,... Ngay khi phát hiện ổ dịch tại thôn Lệ Thủy, ngành đã tham mưu với UBND thị xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, xã, phường tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh SXH. Các đơn vị đã tiến hành tổng vệ sinh, đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống SXH. Riêng tại thôn Lệ Thủy đã tiến hành phun khử khuẩn, diệt muỗi trên toàn địa bàn, diệt bọ gậy, loăng quăng. Xã Trác Văn huy động tổng vệ sinh môi trường, phát quang bụi dậm, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, tuyên truyền người dân nằm màn, vệ sinh sạch sẽ nơi ở.     

Được biết, trong số 21 người ở thôn Lệ Thủy bị SXH, đã có 15 người khỏi bệnh, 6 người vẫn đang điều trị tại các cơ sở y tế. Cùng với ổ dịch ở Lệ Thủy, ở một số địa bàn khác ở thị xã Duy Tiên cũng có người mắc SXH trong tháng 9, như: Hòa Mạc, Yên Bắc, Mộc Bắc, Hoàng Đông. 

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh số bệnh nhân SXH trong tháng 9 tăng hơn so với trước đó. Theo ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận trên 65.000 trường hợp mắc, nghi mắc SXH, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Tại Hà Nam, từ đầu năm đến nay ghi nhận gần 50 ca mắc, nghi mắc SXH, trong đó có một số ca nội địa thuộc các xã, phường trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố: Trác Văn, Chuyên Ngoại, Châu Giang (Duy Tiên); Phường Lê Hồng Phong (Phủ Lý); thị trấn Vĩnh Trụ, xã Công Lý (Lý Nhân),... Ông Dương cũng cho biết, qua theo dõi dịch tễ hằng năm cho thấy, thời điểm hiện tại thời tiết mưa nắng đan xen nên dự báo thời gian tới SXH phát triển mạnh và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống. 

Trước tình hình trên, CDC tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo TTYT các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH Dengue. Theo đó, yêu cầu tăng cường công tác giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại cơ sở điều trị và tại cộng đồng, tránh để bùng phát thành dịch. Huy động các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân địa phương tham gia tích cực và có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy mỗi tuần một lần. Ở các địa phương có nguy cơ cao, địa phương có ổ dịch thực hiện phun hóa chất diệt muỗi. 

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về SXH, CDC tỉnh cũng yêu cầu các TTYT tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng về đặc điểm của bệnh và các biện pháp phòng, chống để mọi người dân được biết và chủ động thực hiện tại hộ gia đình. Đồng thời yêu cầu người dân khi có các dấu hiệu nghi mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

NHẬN BIẾT VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là gì?

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Dấu hiệu cơ bản nhận biết bệnh sốt xuất huyết Dengue:

Sốt: Biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là tình trạng sốt cao, đột ngột, kéo dài liên tục từ 2 đến 7 ngày, nhiệt độ có khi 39 – 40oC.

Xuất huyết: tùy theo mức độ của bệnh

Xuất huyết dưới da: biểu hiện những chấm, nốt màu đỏ hoặc những đám bầm tím trên da, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn.

Xuất huyết niêm mạc: biểu hiện bằng hiện tượng chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện sớm…

Xuất huyết nội tạng: xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện nôn hoặc đi đại tiện ra máu, xuất huyết phổi, xuất huyết não…

Một số triệu chứng khác: Đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, đau bụng…
Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo: Vật vã, li bì, đau bụng vùng gan, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít. 

Biện pháp phòng bệnh

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra, cách phòng bệnh hiệu quả nhất là diệt bọ gậy, muỗi và phòng, chống muỗi đốt.
– Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần.
+ Thu gom, phá hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà. Dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ đựng chén bát; thay nước bình hoa.

– Phòng, chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn, kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

Thạc sỹ Trần Đắc Tiến (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam)

Yên Chính

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy