Chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản

Chỉ trong nửa cuối tháng 6 và đầu tháng 7 trên địa bàn tỉnh đã có 3 trẻ em bị mắc viêm não Nhật Bản (VNNB) trong đó có 1 trẻ tử vong.

Chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản
Tiêm phòng cho trẻ ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Trường hợp thứ nhất mắc VNNB năm nay ở Hà Nam là một cháu bé sinh năm 2010 ở phường Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý. Điều tra dịch tễ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh cho biết, cháu bé này khởi phát bệnh ngày 18/6 với các triệu chứng điển hình của VNNB: Sốt 39,5 độ, đau bụng, nôn, ở nhà có dùng thuốc hạ sốt, kháng sinh, truyền dịch nhưng không đỡ. Ngày 19/6 gia đình cho bệnh nhi đi viện khám và được chẩn đoán viêm Amydan, sau đó gia đình cho bệnh nhân về. Đến đêm ngày 20/6, bệnh nhi có biểu hiện bệnh nặng lên, được gia đình cho đi viện và sáng ngày 21/6 được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán bị VNNB, rơi vào hôn mê. Sáng ngày 26/6 bệnh nhi đã tỉnh nhưng chưa nói được, một bên chi bị yếu. Điều trị từ 21/6 đến 11/7 bệnh nhi ngày càng rơi vào tình trạng sức khỏe xấu nên gia đình xin về và bệnh nhi đã tử vong sau đó.  

Trường hợp thứ 2 là một cháu bé sinh năm 2011, nhà ở xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân. Bệnh nhi khởi phát bệnh ngày 19/6 với các biểu hiện sốt nhẹ, đau đầu, đã được điều trị tại nhà nhưng không đỡ, sốt cao và đau đầu nhiều hơn. Ngày 22/6 bệnh nhi được chuyển xuống Bệnh viện Nhi tỉnh Nam Định, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương và được xác nhận là mắc VNNB. Trong quá trình điều trị, trẻ đáp ứng thuốc tốt và ngày 26/6 được xuất viện, không để lại di chứng.  

Trường hợp thứ 3 là một cháu bé sinh năm 2012 tại phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên. Cháu khởi phát bệnh ngày 1/7 và sau đó được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương, kết quả xét nghiệm xác nhận mắc VNNB. Trong điều trị, bệnh nhi cũng đáp ứng thuốc tốt, đến ngày 9/7 được ra viện, sức khỏe hiện tại bình thường. 

Điều tra lịch sử tiêm chủng của Trung tâm KSBT tỉnh cho thấy, cháu bé ở Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý không rõ có tiêm vắc-xin phòng bệnh VNNB hay không bởi cháu sinh ra ở Hà Nam nhưng chỉ 6 tháng tuổi đã vào ở Thành phố Hồ Chí Minh và đến năm 2015 mới trở về Hà Nam. Hai cháu còn lại ở Lý Nhân và thị xã Duy Tiên đều đã tiêm đủ 3 mũi VNNB theo chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Trao đổi với bác sỹ Nguyễn Thị Huế, Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm KSBT tỉnh, chị cho biết, dù là có tới 3 ca bệnh mắc VNNB trong một thời gian ngắn, nhưng ở 3 địa phương khác nhau. Xung quanh nơi ở của các ca bệnh không phát hiện trường hợp tương tự mắc bệnh nên không sợ bệnh bùng phát thành dịch mà chỉ là những ca bệnh đơn lẻ trong cộng đồng. Tuy nhiên, bệnh VNNB thường gây ra hậu quả nghiêm trọng, bệnh có thể phòng được, nên phụ huynh chú ý phòng bệnh cho con để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.  

Để phòng bệnh VNNB cho trẻ trước hết cần phải tiêm   vắc-xin đầy đủ cho con theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể, khi trẻ đủ 1 tuổi tiêm mũi đầu tiên, mũi 2 cách mũi 1 từ 7-14 ngày, mũi 3 cách mũi 2 một năm. Ngoài ra, để củng cố miễn dịch cho trẻ, cứ 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi. 

Bác sỹ Huế cũng cho biết, vi rút VNNB thường có trong lợn, chim. Muỗi đốt những con vật này và mang mầm bệnh, sau đó đốt người và truyền bệnh sang người. Loài muỗi truyền bệnh VNNB có ở khắp nơi. Vì thế, cùng với việc tiêm phòng, vệ sinh nơi ở, phát quang bụi rậm, loại bỏ nước đọng để muỗi không có chỗ sinh sôi, trú ngụ là điều cần thiết. Đồng thời, mọi người khi ngủ phải thường xuyên nằm màn để tránh muỗi đốt. Ngoài ra, việc ăn uống cân đối, đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện thể thao thường xuyên để tăng sức đề kháng cho trẻ cũng là một yếu tố quan trọng trong phòng bệnh nói chung, phòng bệnh VNNB nói riêng. Thực tế có những trường hợp bị bệnh nhưng nhờ sức khỏe tốt, cùng với sự hỗ trợ của thuốc điều trị đã vượt qua được và khỏi bệnh. 

Mùa hè thời tiết nắng nóng, mưa nhiều là mùa muỗi sinh sôi và cũng là “mùa” của VNNB. Bệnh VNNB đáng sợ vì vi-rút của bệnh làm tổn thương não của bệnh nhân nên dễ gây ra các biến chứng, như: liệt người, nặng thì tử vong. Bệnh có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%). Trẻ từ 15 tuổi trở xuống dễ bị bệnh, và khi đã mắc bệnh dễ bị nặng. Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho con em. Vừa qua, Sở Y tế đã yêu cầu tất cả các trạm y tế rà soát tỷ lệ tiêm chủng đối với 2 bệnh: VNNB và bạch hầu để tiêm bổ sung những trường hợp chưa tiêm. Những gia đình có con em chưa tiêm đủ mũi vắc-xin hai bệnh này cần cho các cháu đến trạm y tế hoặc các điểm tiêm chủng dịch vụ để tiêm. Ngoài ra, với bệnh VNNB, để phòng bệnh một cách chắc chắn cho con, sau khi tiêm xong mũi thứ 3 theo chương trình tiêm chủng mở rộng, mỗi 3 năm cần tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ đủ 15 tuổi.

Yên Chính

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.