kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Chủ động phòng bệnh cho người già và trẻ nhỏ

Chủ động phòng bệnh cho người già và trẻ nhỏ

Thời tiết thay đổi quá nóng hoặc quá lạnh là một trong những nguyên nhân gây nhiều bệnh đối với người già và trẻ em. Chỉ qua đợt rét đậm đầu tiên của năm 2020, số người bị đột quỵ và số trẻ em bị các bệnh về hô hấp, cúm nhập viện gia tăng đột biến. Theo dự báo thời tiết, trong thời gian tới còn có nhiều trận rét đậm, rét hại kéo dài. Vì thế, việc phòng bệnh cho người già và trẻ em cần được lưu ý ngay từ gia đình.

Khi đột quỵ và các bệnh về hô hấp gia tăng đột biến

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hà Nam những ngày rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua, số người nhập viện vì viêm phổi, đột quỵ gia tăng đột biến. Ngày nhiều nhất cũng hơn chục ca đột quỵ, tính trung bình mỗi ngày có tới 3 ca. Điều đáng nói, số người trẻ tuổi bị đột quỵ ngày một nhiều hơn. Theo thống kê, số người trong độ tuổi từ 40 đến 60 nhập viện được chẩn đoán xuất huyết do vỡ túi phình mạch não. Những ca bệnh dưới 40 tuổi chủ yếu có bệnh nền như suy thận, đái tháo đường, huyết áp. Tính chung trong cả tháng cuối cùng của năm 2020, Khoa Cấp cứu đã tiếp nhận trên 60 ca đột quỵ.  Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Hầu hết các ca nhập viện trong tình trạng nặng. Những bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên khó qua khỏi. Đặc biệt, trong những ngày rét đậm, rét hại vừa qua, những bệnh nhân cao tuổi vốn đã có bệnh nền về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, khả năng thích ứng với thời tiết không tốt dẫn đến đột quỵ rất nhiều".

Nhập viện ngày 21 tháng 12, bệnh nhân Nguyễn Thị Ngái, 71 tuổi, thôn Chảy, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm được chẩn đoán xuất huyết dưới nhện (do máu chảy trên bề mặt não trong khoang dưới nhện nằm giữa não và hộp sọ). Trước đó, bệnh nhân có các biểu hiện đau cổ, đau vai, tê khắp cơ thể, suy giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng. Những cơn đau đầu xuất hiện buộc bệnh nhân vào viện. Theo bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, đây là một trong những trường hợp đột quỵ xuất huyết não, phổ biến ở phụ nữ. Thời tiết giá rét, thay đổi nhanh như vừa qua cũng là một trong những nguyên nhân làm cho động mạch não phình. Với các trường hợp này thường gặp những biến chứng sau điều trị là chảy máu tái phát nhiều lần, có thể bị co giật, đột quỵ sau điều trị.

Cách thức duy nhất để ngăn ngừa tình trạng này là mọi người nên thường xuyên đi khám sức khỏe để xác định các vấn đề tiềm ẩn trong não. Nếu được phát hiện sớm sẽ được điều trị kịp thời. Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn nói: "Hiện tượng đột quỵ là sự ngưng hoạt động đột ngột dòng máu cung cấp cho bộ não. Thông thường, nguyên nhân là do đột ngột tắc nghẽn động mạch nuôi não, gây nên đột quỵ nhồi máu (chiếm 80-85% các trường hợp đột quỵ). Các trường hợp khác gây ra đột quỵ có thể do chảy máu vào mô não khi có mạch máu bị vỡ, trường hợp này là đột quỵ xuất huyết".

Chủ động phòng bệnh cho người già và trẻ nhỏ
Bác sỹ Bệnh viện Sản và Nhi Hà Nam thăm, khám sức khỏe cho bệnh nhi mới nhập viện đợt rét vừa qua.

Tại Bệnh viện Sản và Nhi tỉnh, số bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp, cúm tăng cao hơn bình thường gấp nhiều lần. Bác sỹ Đinh Đăng Huy, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp cho biết: "Từ hôm thời tiết rét đậm, rét hại đến nay, ngày đông nhất khoa tiếp nhận 49 ca, cộng thêm số bệnh nhi ở các khoa khác lên tới 60 ca. Trong khi cả khoa chỉ có 73 giường, nhưng hiện tại phải điều trị nội trú cho gần 150 bệnh nhân. Việc ghép giường không thể tránh khỏi...". Thực tế, số bệnh nhi chuyển tuyến khám và điều trị tự nguyện ở các bệnh viện tư nhân, các cơ sở y tế chuyên khoa của Hà Nội không ít. Bác sỹ Huy nói: So với các năm trước, năm nay số bệnh nhi mắc cúm tương đối cao. Tuy nhiên, thể trạng bệnh của các cháu khi nhập viện cơ bản không quá nặng, phần do nhận thức của các phụ huynh trong việc chăm sóc sức khỏe cho con cái được nâng cao; nhiều trường hợp trẻ chỉ hơi sốt, ho đã đưa đến bệnh viện khám, không tùy tiện mua thuốc ở nhà điều trị".

Ý thức phòng bệnh là quan trọng

Trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực điều trị của các cơ sở y tế từ xã đến tỉnh của Hà Nam hiện nay chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế, có trường hợp phải chuyển tuyến người bệnh lên các bệnh viện lớn để điều trị. Chỉ tính riêng các ca bệnh đột quỵ được tiếp nhận vào Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi tuần có 10 trường hợp bệnh nặng phải chuyển tuyến. Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn chia sẻ: Hiện tại bệnh viện mới chỉ thực hiện các kỹ thuật, như dẫn lưu não thất trong trường hợp dẫn não thất cấp; mở sọ giải áp; tiêu sợi huyết trong trường hợp đột quỵ não cấp. Còn một số kỹ thuật như kẹp túi phình, lấy bỏ AVM; can thiệp mạch lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, đặt stent, điều trị cho những trường hợp xuất huyết não do vỡ túi phình mạch não; mổ sọ giải áp… bệnh viện vẫn chưa làm được.

Theo bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, tỷ lệ bệnh nhân xuất huyết não hiện nay chiếm gần 40%, nhồi máu não chiếm hơn 60%. Việc xử trí các trường hợp đột quỵ từ gia đình đến bệnh viện là một vấn đề quan trọng để bảo đảm an toàn tính mạng cho bệnh nhân. Bác sỹ Tuấn nói: Bệnh nhân bị nghi ngờ đột quỵ não cần được đưa đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện chẩn đoán và xử lý đột quỵ não: được chụp sọ não trong vòng một giờ sau khi tới bệnh viện; được đánh giá và được điều trị tiêu huyết khối, trong vòng 4 - 5 giờ sau khởi phát đột quỵ nếu có chỉ định; phải được đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa đột quỵ và nhân viên y tế khác được huấn luyện phù hợp trong 24 giờ sau khi nhập viện và bởi tất cả đội ngũ nhân viên phục hồi chức năng đa chuyên khoa trong vòng 72 giờ với kế hoạch chăm sóc đa chuyên khoa theo mục tiêu trong vòng 5 ngày. Người có nguy cơ bị đột quỵ cao, gồm những người có tiền sử đột quỵ, được đánh giá và cung cấp thông tin về các yếu tố nguy cơ do lối sống (ít vận động, hút thuốc lá, chế độ ăn, thừa cân và lạm dụng rượu, bia). Những người này và người đại diện của họ cần được cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ thay đổi thói quen sinh hoạt và các yếu tố nguy cơ. Với những người cao tuổi có nhiều bệnh lý mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần phải giữ ấm, ăn uống đủ chất và vận động nhẹ trong nhà khi thời tiết giá rét.

Đối với trẻ em, bác sỹ Trần Thị Duyên, Phó Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản và Nhi Hà Nam khuyến cáo: Không khí lạnh là điều kiện thuận lợi cho vi trùng, vi-rút thâm nhập, trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Cha mẹ các bé cần giữ ấm, tránh gió cho trẻ; cho trẻ uống nước đầy đủ để niêm mạc đường thở giữ được độ ẩm liên tục, tránh tiếp xúc với người bệnh. Khi trẻ bị ho kéo dài cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, không nên tự điều trị tại nhà. Nhiều trường hợp trẻ nhiễm vi- rút nhưng người lớn tự ý cho dùng kháng sinh khiến bệnh không đỡ mà còn nặng lên vì không được điều trị đúng cách. Đặc biệt lưu ý, không ủ ấm trẻ quá mức khiến mồ hôi túa ra, ngấm ngược vào người, dễ gây viêm phổi.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy