Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đến nay, chưa bao giờ có số trẻ em mắc Covid-19 nhiều như giai đoạn này. Mặc dù triệu chứng của trẻ khi mắc Covid-19 không có biểu hiện nặng, nhưng công tác điều trị cho bệnh nhi tại Bệnh viện dã chiến số 1 của tỉnh vẫn được đặc biệt quan tâm.
Ngày 14/2, Bệnh viện dã chiến số 1 của tỉnh đang điều trị cho 46 trẻ em độ tuổi từ 0 đến 15 tuổi, trong số này có bệnh nhi 17 ngày tuổi. Hầu hết bệnh nhi có hộ khẩu thường trú tại TP Phủ Lý. Bác sỹ Trần Đức Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, phụ trách hoạt động Bệnh viện dã chiến số 1 cho biết, ngày 15/2 có 6 đến 7 bệnh nhi ra viện. Bệnh nhi vui một phần, người nhà và bác sỹ vui nhiều hơn. Các cháu vào viện dù triệu chứng rất nhẹ nhưng phải điều trị, sinh hoạt trong môi trường có nồng độ vi - rút cao thực sự là điều không ai mong muốn. Nhiều cháu đang đi học, cháu nào điều trị nhanh cũng 6 đến 7 ngày mới âm tính, được ra viện, còn lại cũng mất chục ngày nên phải nghỉ học chừng ấy thời gian. Có trường dạy trực tuyến, nhưng trong bệnh viện, các cháu khó có thể học tập trung như ở nhà.
Câu chuyện nằm điều trị Covid-19 ở Bệnh viện dã chiến với trẻ em thực sự là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Đa số bệnh nhi nhập viện trong tình trạng ho, sốt. Triệu chứng này chỉ kéo dài một đến hai ngày đầu, tạo cho trẻ sự khó chịu, quấy khóc. Cùng vào viện với trẻ là cha mẹ, ông bà để tiện chăm sóc, phục vụ các bé.
Bác sỹ Trần Thị Quỳnh Anh cho biết, áp lực tâm lý chủ yếu từ phía cha mẹ các bé. Họ thực sự lo lắng khi con em mình bị mắc Covid-19. Do đó, các cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện ngoài việc điều trị cho trẻ còn làm công tác tư tưởng, củng cố tinh thần cho phụ huynh để họ yên tâm phối hợp với bác sỹ theo dõi triệu chứng bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bác sỹ Trần Thị Quỳnh Anh cho biết thêm: “Cái khó nhất khi điều trị Covid-19 cho bệnh nhi tại đây chính là việc theo dõi triệu chứng, diễn biến bệnh của trẻ. Nhiều cháu còn quá non nớt, mới sinh được vài chục ngày nên để biết được tình trạng sức khỏe của các cháu là cả một vấn đề. Vì vậy, chúng tôi hướng dẫn người nhà cặp nhiệt độ, theo dõi tần số thở, nhịp tim, huyết áp cho trẻ… thường xuyên và báo cho bác sỹ. Trong khu vực điều trị này, có tới 5 bác sỹ được bố trí làm nhiệm vụ, trong đó có 2 bác sỹ của Bệnh viện Sản - Nhi”.
Giai đoạn này, áp lực với nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị Covid-19 không chỉ đối mặt với những ca bệnh nặng nhiều hơn mà còn có khá nhiều bệnh nhi. Từ sau Tết Nguyên đán, số trẻ em bị mắc Covid-19 tăng cao. Có ngày chỉ riêng TP Phủ Lý cũng có tới gần 50 trẻ nhập viện. Nhiều cháu còn nhỏ nên cha mẹ tỏ ra hết sức lo lắng. Y, bác sỹ trong Bệnh viện dã chiến vừa làm công tác điều trị, vừa làm công tác tâm lý, tư tưởng. Chứng kiến các cháu quấy khóc, nhiều y bác sỹ từ trước tới giờ ít khi điều trị cho trẻ em thấy khó khăn, áp lực. Thời gian đã làm cho họ quen dần và kiên nhẫn hơn. Bác sỹ Trần Đức Lý, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, tính từ 19/9/2021 đến 17h ngày 14/2, toàn tỉnh có 2.098 trẻ em độ tuổi từ 0 đến 15 tuổi bị mắc Covid-19, trong đó có 435 trẻ mắc trong giai đoạn từ 19/9 đến 31/12/2021, 1.663 trẻ mắc Covid-19 từ 1/1/2022 đến nay. Hiện tại, số trẻ em đang điều trị và theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế, các khu thu dung bệnh nhân và tại nhà là 515 trẻ.
Bác sỹ Trần Đức Lý cho biết, hầu hết các ca bệnh là trẻ em vào điều trị tại Bệnh viện dã chiến đều có triệu chứng nhẹ. Bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp nào phải thở máy. Việc điều trị cho trẻ bị mắc Covid-19 được tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Đa số các cháu khi có triệu chứng sổ mũi, ho được chỉ định dùng thuốc nhỏ mũi và hạ sốt sau một ngày đã cơ bản giảm triệu chứng rõ rệt. Điều đáng lo nhất đối với trẻ em khi mắc Covid-19 là đối tượng béo phì hoặc đang điều trị các bệnh về máu. Khi trẻ chưa đủ điều kiện tiêm phòng vaccine Covid-19, gia đình và nhà trường cần có biện pháp bảo vệ trẻ một cách tốt nhất để các cháu không bị nhiễm dịch.
Chu Uyên