Tuần từ 21-27/9 trên địa bàn tỉnh ghi nhận số bệnh nhân mắc/nghi mắc mới bệnh viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) tăng vọt: 17.507 ca (từ đầu năm đến ngày 20/9 toàn tỉnh chỉ ghi nhận 8.314 ca).
Đơn vị ghi nhận số bệnh nhân mắc mới nhiều nhất là huyện Lý Nhân: 3.715 ca, huyện Bình Lục: 3.696 ca. Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 27/9 toàn tỉnh ghi nhận 25.821 ca mắc bệnh đau mắt đỏ, trong đó 15.530 ca đã khỏi.
Cũng trong tuần toàn tỉnh ghi nhận tổng số 53 ca mắc SXH mới, tăng 13 ca so với tuần trước. Số bệnh nhân mắc SXH mới rải đều ở 6 huyện, thị xã, thành phố, trong đó nhiều nhất là thành phố Phủ Lý: 29 ca. Số ca mắc/nghi mắc cộng dồn từ 01/01/2023 đến nay là 263 trường hợp, giảm 57,65% so với cùng kỳ năm 2022 (621 trường hợp); trong đó số ca mắc nội tỉnh là 227 ca, ngoại tỉnh là 36 ca. Thành phố Phủ Lý, nơi có nhiều ổ dịch cũ từ năm trước có số ca mắc SXH nhiều nhất: 111 ca, huyện Lý Nhân 49 ca, Bình Lục 32 ca,...Hiện có 24 bệnh nhân đang điều trị (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam: 12 ca; Trung tâm Y tế thị xã Duy Tiên: 01 ca; Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm: 02 ca; chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 01 ca, còn lại điều trị ở nơi khác và tại nhà.
Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nam đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch SXH, bệnh viêm kết mạc cấp tại các địa phương. Phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan đẩy mạnh phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Tiếp tục phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành điều tra ca bệnh; véc tơ truyền bệnh; xử lý các ca bệnh/ổ dịch sốt xuất huyết theo quy định; chỉ đạo trạm y tế xã báo cáo UBND xã triển khai các hoạt động tuyên truyền nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, trên địa bàn tỉnh đã có mưa rất to và gây ngập úng cục bộ tại các địa phương, CDC Hà Nam dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các bệnh dịch có thể xảy ra và lan rộng (Bệnh dịch lây truyền qua đường tiêu hóa, qua da và niêm mạc, bệnh do véc tơ truyền...). CDC Hà Nam đề nghị các đơn vị thuộc và trực thuộc ngành Y tế, các địa phương, đơn vị phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa, thực hiện ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; tổ chức giám sát, xử lý và theo dõi diễn biến tình hình dịch, tránh để dịch bùng phát và lan rộng.
Trung tâm cũng đề nghị một số địa phương: Thôn 6, xã Phù Vân và Xóm Xẹ xã Thanh Tuyền của Thành phố Phủ Lý; Thôn 1 xã Nhân Khang của huyện Lý Nhân-các đơn vị có chỉ số BI của muỗi truyền bệnh SXH qua giám sát cao tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện vệ sinh môi trường triệt để, cân nhắc thực hiện phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh theo quy định.
Đỗ Hồng