Các cơ sở khám chữa bệnh chật vật vượt khó

Năm 2022, dịch Covid-19 bùng phát trong quý I với số ca mắc tăng vọt, khi dịch bệnh được kiểm soát, những tưởng các đơn vị điều trị sẽ được toàn tâm toàn ý tập trung cho công tác khám, chữa bệnh (KCB), tăng nguồn thu. Nhưng những khó khăn tiếp tục xuất hiện, đặc biệt là việc thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác KCB bảo hiểm y tế (BHYT). Loay hoay, chật vật, các đơn vị điều trị đã nỗ lực tìm giải pháp để duy trì công tác KCB trong năm 2022.

Cố gắng xoay xở

Năm 2022, do nhiều nguyên nhân, công tác đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế bị chậm dẫn đến thời gian đầu năm các đơn vị điều trị rơi vào tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác KCB BHYT. Đối với mỗi cơ sở điều trị công lập, trên 90% nguồn thu mỗi năm đến từ bệnh nhân có BHYT, vì thế các đơn vị đều cố gắng xoay xở để duy trì công tác KCB.

Ông Nguyễn Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Lục cho biết: Do sợ việc đấu thầu của năm sau chậm nên đợt nhập thuốc của cuối năm trước bao giờ đơn vị cũng lấy hết số dư được phép theo quy định (20%). Vì thế, đầu năm 2022 khi chưa có thuốc BHYT, trung tâm vẫn còn thuốc duy trì được một thời gian. Trung tâm Y tế Duy Tiên cũng còn một ít thuốc cũ từ năm trước và xin điều chuyển số thuốc đã trúng thầu của đơn vị khác chưa dùng đến nên cũng “cầm cự” được cho đến khi có thuốc mới dù không được đầy đủ. Có đơn vị cán bộ y tế giải thích cho bệnh nhân để họ tự mua thêm thuốc bên ngoài... Sau đó Sở Y tế đã thực hiện đấu thầu, vấn đề thiếu thuốc đã cơ bản được giải quyết, trừ vị thuốc y học cổ truyền.

Các cơ sở khám chữa bệnh chật vật vượt khó
Các bác sỹ phẫu thuật đục thủy tinh thể cho bệnh nhân ở Bệnh viện Mắt Hà Nam. Ảnh: Yên Chính

Vị thuốc y học cổ truyền, do từ đầu năm đến nay vẫn chưa có (2 lần đấu thầu nhưng không có nhà thầu tham gia) gây nhiều khó khăn cho các đơn vị điều trị y học cổ truyền. Tuy nhiên, các bệnh viện, trung tâm y tế cũng đã có các giải pháp để duy trì hoạt động.

Ông Hà Văn Diễn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền cho biết: Nhờ còn một số thuốc từ năm trước nên đơn vị vẫn duy trì hoạt động trong những tháng đầu năm. Sau đó việc điều trị y học cổ truyền vẫn được tiếp tục nhưng chủ yếu dùng các loại thuốc hoàn (thuốc viên) và các liệu pháp khác không dùng thuốc, như: xoa bóp, bấm huyệt, điện châm,... Tuy nhiên, nếu có cả thuốc sắc thì việc điều trị sẽ hiệu quả hơn, nhanh hơn; các cán bộ y tế sẽ đỡ vất vả hơn vì không phải tính toán điều tiết tăng các loại thuốc hoàn, tăng trị liệu không dùng thuốc để phần nào bù vào phần thiếu hụt do không có thuốc sắc. Vì vậy, việc duy trì được công tác điều trị là sự cố gắng rất lớn của các bệnh viện, trung tâm y tế.

Một số đơn vị nguồn thu, hoạt động của bệnh viện, công tác điều trị liên quan nhiều đến vật tư y tế, như Bệnh viện Mắt cũng đã có những nỗ lực rất lớn để xoay xở tìm cách gỡ khó. Hằng năm nhu cầu thay thủy tinh thể của người dân rất lớn và hoạt động này cũng mang lại một nguồn thu quan trọng cho bệnh viện. Vì thế, thời gian đầu năm khi chưa có kết quả đấu thầu, chưa có thủy tinh thể cho bệnh nhân BHYT, Bệnh viện Mắt đã đôn đáo tìm nguồn xin tài trợ thủy tinh thể để thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân. Khi đã có vật tư, bệnh viện vận động cán bộ chuyên môn tranh thủ thời gian tăng tốc thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể, vừa bảo đảm quyền lợi cho bệnh nhân, đồng thời tăng nguồn thu của bệnh viện. 

Nhờ những nỗ lực, nên dù quý I tập trung cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, khi dịch được khống chế lại gặp khó khăn thiếu thuốc, vật tư y tế BHYT, nhưng kết quả hoạt động năm 2022 của các đơn vị điều trị cho thấy nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Lãnh đạo Trung tâm Y tế Bình Lục, Trung tâm Y tế Duy Tiên đều cho biết, năm nay số lượt bệnh nhân đến KCB, nguồn thu của đơn vị cơ bản duy trì được như năm trước.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các chỉ tiêu: Số lượt khám bệnh, số lượt chụp X-quang, chụp MRI, siêu âm, điện tim, xét nghiệm chưa đạt so với chỉ tiêu giao, nhưng một số chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt cao như: Chỉ tiêu về giường bệnh đạt 139%, số bệnh nhân nội trú đạt 147% kế hoạch, số ngày điều trị nội trú 126%,... Bệnh viện Y học cổ truyền chỉ có 3 chỉ tiêu chưa đạt, còn lại đều đạt và vượt so với kế hoạch: Giường bệnh 100%, tổng số lần khám bệnh 117%, số ca xét nghiệm 115%, siêu âm 101%, chụp X-quang 118%. Bệnh viện Mắt có 8/13 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, chỉ có 5 chỉ tiêu chưa đạt. So với cùng kỳ năm 2021 đều đạt 100%.

Cần giải quyết thấu đáo những khó khăn, vướng mắc

Dù đã cơ bản vượt qua được những khó khăn năm 2022, nhưng khi nói về hoạt động của đơn vị thời gian tới, lãnh đạo các cơ sở điều trị được hỏi đều có những trăn trở. Ông Nguyễn Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Lục cho biết: Khó khăn trước mắt vẫn còn rất nhiều, nhất là các vấn đề liên quan đến thuốc, hóa chất, vật tư y tế trong KCB BHYT. Năm 2022, sau một thời gian chờ đợi các đơn vị cũng có thuốc, hóa chất, vật tư y tế, nhưng ngay cả khi có hóa chất, vật tư y tế, một số thiết bị y tế vẫn không thể hoạt động do không tương thích với máy. Điều này do những bất cập trong quy định về đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Mỗi loại thiết bị y tế có rất nhiều chủng loại (nhiều hãng cung cấp, nhiều thế hệ) khác nhau, cần hóa chất, vật tư khác nhau. Nhưng do quy định trong đấu thầu nên các đơn vị đều chỉ nhận được một loại vật tư, hóa chất giống nhau đối với mỗi loại thiết bị. Điển hình như, hiện tại máy chụp X-quang ở các trung tâm y tế chụp được nhưng không in được ra phim vì đầu đọc phim không tương thích với máy...

Khó khăn nữa mà các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố đang rất lo lắng là từ năm 2023 các trung tâm y tế có thể sẽ phải thực hiện đấu thầu một số loại thuốc. Các gói thầu trung tâm y tế thực hiện giá trị tiền ít, chắc chắn sẽ rất khó mời gọi nhà thầu, nhất là trong tình hình như hiện nay. Và nếu không đấu thầu được sẽ thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế như năm 2022. Ngoài ra, các trung tâm y tế đều chưa thực hiện đấu thầu thuốc bao giờ, chưa có kinh nghiệm, trong khi các điều khoản quy định về đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế ranh giới đúng-sai rất mong manh, nên lãnh đạo các đơn vị rất lo lắng, sợ xảy ra sai sót...

Một khó khăn nữa đã tồn tại từ lâu, đó là ở hầu hết các đơn vị KCB đều đang bị “treo” một khoản tiền khá lớn KCB BHYT chưa được thanh toán. Khó khăn này càng trở nên căng thẳng vào dịp cận kề Tết khi các đơn vị phải thanh toán lương, thưởng, phụ cấp cho cán bộ, nhân viên. Ông Nguyễn Ngọc Luyện, Giám đốc Trung tâm Y tế Duy Tiên cho biết: Đơn vị đang bị “treo” gần chục tỷ đồng KCB BHYT chưa được thanh toán, dẫn đến việc hoạt động của trung tâm rất khó khăn. Hiện tại đã giữa tháng 12 nhưng đơn vị vẫn chưa có tiền trả lương tháng 11 cho cán bộ, nhân viên...

Năm 2020, 2021 cả ngành y tế dốc tổng lực cho việc chống dịch bệnh Covid-19. Năm 2022, quý I dịch vẫn diễn biến phức tạp, sang quý II dịch được khống chế thì các đơn vị điều trị lại gặp khó khăn về thuốc, vật tư KCB BHYT. Rồi bị “treo” tiền KCB BHYT không được thanh toán dẫn đến khó chồng lên khó, bệnh viện không có kinh phí tái đầu tư, cán bộ y tế làm việc vất vả, nhưng thu nhập không bảo đảm, lương bị chậm dẫn đến không ít người xin nghỉ, chuyển việc. Những khó khăn này cần được các cấp, ngành chức năng xem xét thấu đáo để giải quyết, bảo đảm hoạt động cho các cơ sở điều trị, cán bộ y tế, cũng như công tác KCB, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy