Bùng phát bệnh đau mắt đỏ, nhiều trường hợp biến chứng

Gần 9.000 trường hợp đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh được chẩn đoán và điều trị từ đầu năm đến nay. Theo đánh giá của giới chuyên môn, rất hiếm khi dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh, kéo dài, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công việc, học tập của nhân dân như năm nay.

Bùng phát đau mắt đỏ nhiều trường biến chứng…
Mỗi ngày, phòng khám chuyên khoa Mắt số 95, đường Lê Lợi, thành phố Phủ Lý tiếp nhận gần 30 trường hợp đau mắt đỏ.

Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu

Phòng khám chuyên khoa Mắt số 95, đường Lê Lợi, thành phố Phủ Lý những ngày qua luôn quá tải vì nhiều bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám. Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyền Huy Cường, chủ phòng khám cho biết, trung bình mỗi ngày có từ 25 đến 30 người đến khám mắt, chủ yếu bị viêm kết mạc cấp, hay còn gọi là đau mắt đỏ. Rất nhiều người đưa cả gia đình đến khám với mong muốn có được thuốc điều trị đặc hiệu để nhanh khỏi. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bác sỹ Nguyễn Huy Cường cho biết: Bệnh sẽ khỏi do đề kháng của hệ miễn dịch cơ thể mỗi người. Kháng sinh và thuốc chống viêm tra mắt chỉ để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn và giảm phản ứng viêm.

Bệnh Đau mắt đỏ đang bùng phát thành dịch, phát tán ở mọi nơi. Nhiều gia đình cả nhà bị đau mắt, trong đó có những trẻ em dưới một tuổi. Chị Đinh Thị Giang, phường Quang Trung (thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Đầu tiên là hai mẹ con đứa em gái tôi bị đau mắt. Thằng bé mới được hơn một tuổi. Mẹ cháu lên mạng nghiên cứu bệnh, rồi ra hiệu thuốc hỏi mua một số loại về tra cho con. Nhưng gần hai tuần, cháu vẫn đau, mắt đỏ rực, lúc nào cũng chảy nước, nhìn rất tội. Vì sống chung với cả bố mẹ tôi, gia đình tôi nên sau hai, ba tuần, cả nhà đều bị lây mắt đỏ. Không chần chừ, chúng tôi đã đưa nhau đến phòng khám chuyên khoa mắt để được hỗ trợ, tư vấn điều trị.

Rất nhiều người nghĩ giống chị Giang, ra hiệu thuốc có thể mua được thuốc đặc hiệu chữa đau mắt đỏ. Bác sỹ Nguyễn Huy Cường khuyến cáo: Vì dịch lây từ dịch tiết ở mắt và dịch mũi họng, đường hô hấp của người bị bệnh vào mắt người lành nên quan trọng là phòng bệnh. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần đeo kính, đeo khẩu trang để tránh phát tán virus qua giọt bắn, vệ sinh tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khi tay tiếp xúc với mắt để tránh lây cho người khác qua những vật dùng chung. Lưu ý, khi đến nơi đông người hoặc tiếp xúc với người bị bệnh thì mọi người nên giữ khoảng cách, đeo kính để hạn chế lây nhiễm, và hạn chế bắt tay, ôm hôn.

Cảnh báo nhiều trường hợp biến chứng

Bùng phát đau mắt đỏ nhiều trường biến chứng…

 Trong số hàng trăm, hàng nghìn trường hợp bị đau mắt đỏ phải đến thăm khám, điều trị ở các cơ sở chuyên khoa mắt, đã có không ít bệnh nhân bị biến chứng như bỏng kết mạc do xông lá, viêm giác mạc đốm kéo dài gây giảm thị lực.

Theo bác sỹ Nguyễn Huy Cường, đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) hiện đang bùng phát thành dịch, nguyên nhân thường do adenovirus, enterovirus, cocxackievirus. Chủng virus dịch năm nay có đặc điểm: kéo dài, gây viêm nặng tạo giả mạc kết mạc nhất là trẻ nhỏ và gây viêm giác mạc (đốm) với tỷ lệ cao (làm giảm thị lực). Trẻ em khi bị viêm kết mạc cấp, do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển nên phản ứng phù nề mắt rất dữ dội. Có những trường hợp bị chảy máu mắt do giả mạc, bác sỹ phải bóc giả mạc đó một cách nhẹ nhàng, nhưng có thể gây chảy máu cho bệnh nhân nên không ít phụ huynh lo lắng chuyện này. Tuy nhiên, đó là việc cần làm, bởi nếu khi trẻ có giả mạc sẽ gây viêm loét giác mạc và bội nhiễm. Đặc biệt, việc đến khám muộn với những em bé có giả mạc có thể sẽ gây hỏng mắt.

Vì thế, bác sỹ Nguyễn Huy Cường khuyến cáo, khi bị đau mắt đỏ người bệnh nên đến khám ở các chuyên khoa về mắt để được chẩn đoán chính xác và được theo dõi, tư vấn điều trị hợp lý. Người dân không nên tự mua thuốc về tra hoặc áp dùng các biện pháp điều trị không khoa học như: xông lá trầu không, đắp lá…có thể gây biến chứng nguy hiểm !

Theo CDC Hà Nam, kể từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 9.000 trường hợp bị đau mắt đỏ, nhiều nhất ở huyện Lý Nhân, Thanh Liêm, Bình Lục. Đây là con số được kiểm soát theo dõi bởi đến khám, tư vấn, điều trị tại các cơ sở y tế, chuyên khoa mắt. Thực tế bên ngoài cộng đồng, số người bị đau mắt đỏ còn nhiều hơn rất nhiều do nhiều người coi đây là bệnh lý thông thường, tự điều trị, tự khỏi; nhiều người có điều kiện đi đến những cơ sở y tế chất lượng cao ngoài tỉnh để khám, điều trị nên việc kiểm soát, thống kê số lượng bệnh nhân chưa thể chính xác.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy