BVĐK Hà Nam tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch do sốc nhiệt

Bác sỹ Trần Văn Đạt, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa(BVĐK) Hà Nam cho biết, vào khoảng 16h chiều ngày 18/5, khoa tiếp nhận một nam bệnh nhân ngoài 30 tuổi trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, mất ý thức, huyết áp không có, sốt 41 độ C.

Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân đi từ Hà Nội về bằng xe máy trong thời tiết nắng nóng, sau đó thấy mệt, rối loạn ý thức, sốt cao và được đưa đến bệnh viện. Bệnh nhân đã được thở máy, chườm mát, bù nước điện giải tích cực.

Cách đây vài tuần, trong đợt nắng nóng đầu tiên của mùa hè năm nay, BVĐK tỉnh cũng tiếp nhận một nam bệnh nhân 36 tuổi nhập viện do bị sốc nhiệt. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, nhiệt độ cơ thể là 42 độ C. Bệnh nhân là công nhân làm ở núi đá, làm việc dưới trời nắng nóng. Bệnh nhân sau đó được chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Cả 2 bệnh nhân trước khi nhập viện đều khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật.

 BVĐK Hà Nam tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch do sốc nhiệt
Một ca sốc nhiệt điều trị tại BVĐK Hà Nam.

Ngoài ra bệnh viện cũng tiếp nhận một số bệnh nhân bị say nắng, say nóng.

Bác sỹ Đinh Ngọc Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh cho biết mùa hè nào bệnh viện cũng tiếp nhận các bệnh nhân bị sốc nhiệt, say nắng, say nóng. Những bệnh nhân này hầu hết đều làm việc trong một thời gian dài ngoài trời nắng nóng, làm việc lúc nắng nóng cao điểm trong ngày, hoặc làm việc trong nhà kín hấp hơi nóng.

 Theo tài liệu của ngành y tế, những ngày nắng nóng người dân hạn chế ra ngoài trời trong khoảng thời gian 11-15h; không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức. Thường xuyên nghỉ ngơi tại nơi thoáng mát sau khoảng một tiếng đồng hồ làm việc.

Nếu nghi ngờ ai đó bị sốc nhiệt, hãy gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay lập tức. Trong khi chờ đợi y tế, đưa nạn nhân tới nơi có điều hòa hoặc ít nhất là chỗ râm mát, cởi bỏ các quần áo không cần thiết, sau đó sơ cứu bằng các phương pháp làm mát như: sử dụng quạt, làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước, áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng. Các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh có thể giảm được nhiệt độ cơ thể.

Để phòng sốc nhiệt, mỗi người cần trang bị đầy đủ các loại mũ nón rộng vành, khẩu trang, kính, quần áo và mũ bảo hộ lao động... Nên mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt; kết hợp với sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF trên 30.

Đặc biệt, cần phải uống đủ nước bởi khi nắng nóng, nước mất đi rất nhiều qua mồ hôi. Nếu không uống đủ nước cũng khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, dễ gây sốc nhiệt. Lượng nước bổ sung ít nhất là khoảng 2-3 lít mỗi ngày, nên chọn nước lọc, trái cây hoặc nước ép rau xanh nguyên chất.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy