Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng: Ngôi nhà chung ấm áp nghĩa tình

Những ngày tháng 7 này tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng rộn ràng hơn bởi có nhiều đoàn khách đến thăm. Trong ngôi nhà chung ấy, các thương bệnh binh (TBB) vui hơn bởi sự quan tâm chăm sóc của toàn xã hội.

Các thương, bệnh binh luôn vui vẻ trong ngôi nhà chung.

Cùng giao lưu với các nghệ sĩ thuộc Đoàn Nghệ thuật Bộ đội Biên phòng về biểu diễn tại trung tâm, ông Nguyễn Trường Tâm (thương binh hạng 1/4) hát vang những bài ca ca ngợi người lính, ca ngợi Đảng, Bác Hồ và Quân đội Nhân dân Anh hùng. Những ca khúc cách mạng hào sảng như khiến ông và đồng đội được sống lại một thời hào hùng từng tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường. 

Ông Tâm từng tham gia chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị năm 1968, bị thương nặng, được trở về sống trong hòa bình, hạnh phúc, được Đảng, Nhà nước quan tâm, đãi ngộ, nhân dân yêu quý, quan tâm chăm sóc, ông thấy thật vui và mãn nguyện lắm. Ông Tâm quê tận Phú Thọ, nhưng gắn bó với trung tâm bao năm nay và coi đây là ngôi nhà lớn của mình, ngôi nhà chung của những TBB nặng. Mặc dù, ông may mắn được chăm sóc khỏe mạnh và có một gia đình riêng hạnh phúc ở  gần ngay trung tâm, nhưng với ông trung tâm luôn là một ngôi nhà chung chứa đựng bao ân tình. Là nơi để ông và đồng đội cùng nhau thường xuyên chia ngọt, sẻ bùi.

Nếu TBB nào sức khỏe hồi phục kém hơn, không về sống cùng gia đình, tại trung tâm nơi ăn ở của TBB đều rất tốt. Mỗi căn phòng khép kín có đầy đủ tiện nghi, điều hòa, bình nóng lạnh giúp các TBB thoải mái trong sinh hoạt hằng ngày.

Thương binh Trịnh Quang Trung, Bùi Đức Thà, Nguyễn Văn Thái là những thương binh tỉnh táo hơn, vui vẻ kể cho chúng tôi về cuộc sống hằng ngày. Các bác đều rất phấn khởi vì hiện nay đời sống của TBB được cải thiện hơn rất nhiều so với trước kia. Mọi chế độ đãi ngộ của Đảng, Nhà nước và sự chăm sóc nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên nơi đây đều rất tốt, khiến các bác đều cảm thấy rất ấm lòng.

Và dù đều bị thương rất nặng nhưng những TBB nơi đây đã luôn nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn thương tật, phát huy phẩm chất truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều TBB đã có gia đình riêng hạnh phúc, nuôi dạy con cái trưởng thành, trở thành doanh nhân tiêu biểu. Điển hình như thương binh  Triệu Hải (nhà ở TP. Phủ Lý).

Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng đóng trên địa bàn thị trấn Ba Sao được thành lập từ tháng 3/1976. Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho TBB nặng (mất sức lao động từ 81% trở lên) được điều chuyển về từ các chiến trường. Và những năm gần đây trung tâm còn có nhiệm vụ tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc một số đối  tượng là thân nhân người có công (vợ, con liệt sỹ, con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học), hưu trí, mất sức, viên chức và đối tượng tâm thần khác có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với chức năng, nhiệm vụ đó, những năm qua, trung tâm đã điều trị, phục hồi chức năng cho hơn 800 lượt TBB. Đã có 88 TBB nặng được về an dưỡng tại gia đình và địa phương.

Hiện nay, trung tâm đang nuôi dưỡng, điều trị 114 đối tượng thuộc 20 tỉnh, thành phố từ Quảng Ngãi trở ra (trong đó có 81 TBB nặng, 33 đối tượng là cán bộ hưu trí, viên chức mất sức, thân nhân người có công). Với đặc thù, đối tượng điều dưỡng tại trung tâm hầu hết đều là người mắc bệnh tâm thần mãn tính, sa sút trí tuệ, do đó việc điều trị, phục hồi sức khỏe cho các bác gặp rất nhiều khó khăn. Các biểu hiện thường xuất hiện ở TBB như: thờ ơ lạnh nhạt, nóng giận vô cớ, buồn vui lẫn lộn. Có khi bỏ trốn khỏi đơn vị, đi lang thang, ăn uống, vệ sinh thiếu kiểm soát. Nhiều đối tượng không còn nhớ gì, kể cả người thân.

Khi khám, chữa bệnh, các TBB không thể tự kể được triệu chứng bệnh, hoặc kể không đúng… Để có thể điều trị hiệu quả, các y, bác sĩ đã phải luôn quan sát từng ngày, từ bữa ăn, giấc ngủ, những biểu hiện trong sinh hoạt của các TBB để có thể đoán biết và điều trị bệnh đúng phác đồ. Trung tâm đã phân thành 3 khoa điều trị theo tính chất bệnh lý. Đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc, phục vụ các TBB từ bữa ăn, giấc ngủ, viên thuốc uống hằng ngày, giữ ổn định tinh thần cho TBB, nhằm hạn chế thấp nhất việc rối loạn tâm thần.

Bác sĩ Chu Trung Dũng nhớ lại những ngày mới về trung tâm cách đây gần 30 năm: Là cán bộ trẻ, được điều về trung tâm làm việc, cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, các đối tượng thường xuyên bị sang chấn tâm lý, gây náo loạn trung tâm. Anh cho biết: Khi mới về trung tâm, còn trẻ chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc, điều trị đối tượng đặc thù như vậy nên đôi khi thấy nản vô cùng. Không chỉ cơ sở vật chất nghèo nàn, mà trang thiết bị khám, chữa bệnh, thuốc thang cũng rất thiếu thốn, khiến cho việc chăm sóc, điều trị TBB càng khó khăn. Trong khi đó, 100% TBB bị ảnh hưởng bởi vết thương chiến tranh, mỗi khi thời tiết thay đổi là nỗi khổ của cả trung tâm. Các bác lên cơn rối loạn, kích động, đuổi đánh nhau, đánh cả cán bộ nhân viên trung tâm, rất nguy hiểm. Cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên đã phải ra sức tìm cách tránh nguy hiểm, đồng thời giúp các TBB ổn định tinh thần. Sau mỗi lần như vậy chúng tôi càng thấy thương các TBB nhiều hơn, rồi tự nhủ cần phải kiên trì và cố gắng hơn để chăm sóc các bác được tốt hơn.

Thấu hiểu nỗi đau của các TBB phải gánh chịu, các y, bác sĩ nơi đây đã luôn nỗ lực hoàn thiện về chuyên môn nghiệp vụ để có thể điều trị tốt nhất cho TBB ở ngay trung tâm, hạn chế thấp nhất việc phải chuyển các bác lên tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, điều anh Dũng trăn trở hiện nay đó là trang thiết bị phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh ở trung tâm vẫn còn rất nghèo nàn, lạc hậu. Đơn giản nhất là chiếc máy siêu âm đã quá cũ, khiến cho việc chẩn đoán bệnh hạn chế rất nhiều, khó khăn cho việc sơ, cấp cứu ban đầu khi các TBB bị bệnh. Trung tâm chỉ mong có được chiếc máy siêu âm đời mới hơn để có thể phục vụ tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh cho TBB nơi đây.

Thực sự thấu hiểu đối tượng, coi đối tượng là người thân của mình, chăm sóc đối tượng bằng toàn bộ tâm sức của người thầy thuốc, những năm qua, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng đã luôn coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của thế hệ hôm nay đối với những người có công. Điều đó đã góp phần không nhỏ vào phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và thực hiện tốt truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp sức xây dựng ngôi nhà chung của các TBB luôn ấm áp nghĩa tình.

Phương Dung

Phương Dung

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy