Thanh Liêm tăng cường quản lý nhà nước trong việc thực hiện chế độ, chính sách an sinh xã hội

Bảo đảm thực hiện tốt an sinh xã hội trên địa bàn, cùng với việc tích cực triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách về an sinh xã hội, huyện Thanh Liêm đã chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử ở địa phương, vừa qua, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND huyện đã khảo sát tại một số xã và giám sát tại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện về nội dung chấp hành các quy định của pháp luật trong việc xét duyệt đối tượng hưởng bảo trợ xã hội (BTXH); việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (thuộc danh sách Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 1498/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Nam) trên địa bàn huyện từ năm 2018 đến tháng 6 năm 2021.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng huyện, hiện Thanh Liêm có 120.017 nhân khẩu; trong đó, số người trong độ tuổi lao động là 69.824 chiếm tỷ lệ 58%. Trên địa bàn huyện có 5.146 đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp hằng tháng, trong đó có 64 đối tượng là trẻ em, 60 đối tượng là người đơn thân thuộc hộ nghèo đang nuôi con dưới 16 tuổi, 1.907 đối tượng người khuyết tật, 2.923 đối tượng là người cao tuổi (155 đối tượng là người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo). Tính đến tháng 6/2021, trên địa bàn huyện có 725 hộ nghèo, 1.357 hộ cận nghèo. 

Thanh Liêm tăng cường quản lý nhà nước trong việc thực hiện chế độ chính sách an sinh xã hội
Khám bệnh cho người có thẻ BHYT tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm. Ảnh: Hải Yến

Qua khảo sát tại các xã: Thanh Tâm, Liêm Cần, Liêm Sơn và giám sát tại Phòng LĐ-TB&XH huyện cho thấy: Việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc xét duyệt đối tượng hưởng BTXH; việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (thuộc danh sách Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 1498/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Nam) trên địa bàn huyện từ năm 2018 đến tháng 6 năm 2021 đã được ngành chức năng huyện và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc theo quy định. Thông qua việc thẩm định hồ sơ, đối tượng đề nghị hưởng trợ cấp hằng tháng của các xã, thị trấn, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã trực tiếp kiểm tra, đồng thời có ý kiến, hướng dẫn đối với các xã, thị trấn về quy trình, thủ tục, hồ sơ xét duyệt đối tượng BTXH. Phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể, cơ quan, ngành có liên quan của huyện, UBND các xã, thị trấn trong việc thực hiện chế độ, chính sách trong công tác xét duyệt danh sách, thẩm định hồ sơ các đối tượng BTXH và hộ nghèo trên địa bàn huyện. 

Nhờ đó, việc thực hiện quy trình, thủ tục xét duyệt đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng cũng như thực hiện quy trình, thủ tục, điều kiện xét duyệt hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn huyện cơ bản bảo đảm theo đúng quy định. Kết quả xét duyệt các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, riêng trong 6 tháng đầu năm 2021 là 214 đối tượng. Tổng kinh phí trợ cấp cho các đối tượng BTXH 6 tháng đầu năm 2021 là 11.069.430.000 đồng, trong đó trợ cấp cho người khuyết tật là 5.286.870.000 đồng.

Đối với việc thực hiện quy trình, thủ tục, điều kiện xét duyệt hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (thuộc danh sách Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 1498/QĐ-UBND của UBND tỉnh) được chia làm 02 đợt và kết thúc việc thực hiện Đề án trong năm 2019. Tính đến 6/2021, toàn huyện có 181 hộ nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở, trong đó đã có 109 hộ được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, 40 hộ được hỗ trợ từ các nguồn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức; 32 hộ được Chi hội Tán trợ Chữ Thập đỏ tình người kết hợp nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ (theo Quyết định số 1858/QĐ-UBND ngày 17/10/2018 của UBND tỉnh). Tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh là 750/19.710 triệu đồng; tổng kinh phí hỗ trợ của Chi hội Tán trợ tình người là 515 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND huyện, Trưởng Đoàn giám sát cho biết, qua khảo sát tại một số xã, thị trấn, vẫn có đơn vị chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về chế độ, chính sách đối với đối tượng BTXH, hộ nghèo, từ đó có đối tượng được thụ hưởng chưa hiểu rõ chế độ, chính sách và trình tự, thủ tục dẫn đến số hộ (trong đề án) được hỗ trợ xây nhà đạt thấp; có xã có đơn thư phải xem xét, giải quyết (việc xét duyệt hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở xã Liêm Cần). Có xã chưa thực hiện tốt một số thủ tục, hồ sơ, quy trình theo quy định: Chưa có quyết định thành lập hội đồng xác định mức độ khuyết tật (xã Thanh Tâm, xã Liêm Sơn); biên bản họp kết luận của hội đồng xác định mức độ khuyết tật chưa thực hiện theo quy định; chưa thực hiện đúng quy trình xét duyệt đối tượng người khuyết tật, nhất là quy định về việc niêm yết và thông báo công khai kết luận của hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Cùng với đó, việc theo dõi, quản lý, cập nhật thông tin đối tượng chưa kịp thời: Đối tượng thay đổi điều kiện, mức hưởng… nhưng chưa được xem xét, lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh chế độ hưởng theo quy định. Công tác thẩm định hồ sơ xét duyệt đối tượng BTXH (người khuyết tật) có việc còn thực hiện chưa chặt chẽ…

Theo phân tích, nhận định của Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND huyện Thanh Liêm, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế là do công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới có đơn vị thực hiện chưa thường xuyên, chưa sâu rộng. Một số đơn vị chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên đối với công tác triển khai, thực hiện các chế độ, chính sách đối với các đối tượng BTXH và hộ nghèo. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và hội đồng xét duyệt trợ giúp xã hội của một số xã, thị trấn chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Công chức LĐ - TB & XH các xã, thị trấn có sự thay đổi, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm có mặt còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ở cơ sở trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đối tượng BTXH trên địa bàn. Công tác kiểm tra, giám sát ở một số xã chưa thường xuyên, chưa kịp thời xử lý những vướng mắc, phát sinh trong thực hiện chính sách tại cơ sở. 

Chính vì vậy, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND huyện đã đưa ra một số kiến nghị tập trung vào việc khắc phục những hạn chế nói trên. Trong đó, một kiến nghị quan trọng nhất được đưa ra, đó là: UBND huyện cần thường xuyên chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác BTXH và thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện các quy trình bình xét hộ nghèo hằng năm bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng quy định; trong đó cần chú trọng bảo đảm chế độ đối với nhóm đối tượng là người già cô đơn không nơi nương tựa thuộc diện hộ nghèo để bảo đảm điều kiện thực hiện các chế độ BTXH theo quy định. Đối với Phòng LĐ - TB & XH huyện, Đoàn giám sát cũng đưa ra kiến nghị cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đối tượng BTXH, các chính sách về an sinh xã hội đến người dân…

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy