kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Tăng cường tập huấn bơi an toàn và phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Tăng cường tập huấn bơi an toàn và phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Mùa hè đến, vấn đề đuối nước trẻ em lại được xã hội quan tâm hơn bao giờ hết. Đây là một trong những tai nạn, thương tích gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em và để lại nhiều thương tâm.

Để giảm thiểu đuối nước trẻ em, từ năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 990/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2017 - 2020. 

Tăng cường tập huấn bơi an toàn và phòng chống đuối nước cho trẻ em
Thời điểm nắng nóng, các bể bơi trong tỉnh luôn hoạt động hết công suất.

ăm nay là năm thứ 4, Sở VH,TT&DL tổ chức lớp tập huấn bơi an toàn (BAT) và phòng chống đuối nước (PCĐN) trẻ em cho hướng dẫn viên (HDV) thể thao cơ sở. HDV ở đây gồm nhiều thành phần: Cán bộ phòng văn hóa- thông tin; Trung tâm văn hóa, thể thao các huyện, thị, thành phố; Cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn, đoàn viên chi đoàn, giáo viên thể chất, nhân viên cứu hộ bể bơi… Trong 4 năm từ 2017 – 2020, đã có trên 400 lượt HDV được tham gia các lớp tập huấn.

Một trong những nguyên tắc cơ bản nhằm bảo đảm an toàn khi cứu đuối là trẻ em (dù biết bơi và bơi giỏi) cũng không được trực tiếp nhảy xuống nước cứu đuối mà chỉ cứu bằng cách gián tiếp thông qua các vật nổi, vật nối để người đuối nước bám vào rồi đưa vào bờ, gọi người hỗ trợ cứu đuối an toàn. Không nắm chắc nguyên tắc này để tuyên truyền nên nhiều người vẫn cho rằng thấy người đuối nước là lao xuống cứu trực tiếp, trong nhiều trường hợp khiến cả người cứu đuối và người đuối nước đều tử vong.

Qua trò chuyện với anh Lê Anh Thủy, cán bộ văn hóa xã Liêm Túc (Thanh Liêm), là học viên lớp tập huấn bơi an toàn và phòng, chống đuối nước trẻ em vừa diễn ra, anh cho biết: Cán bộ văn hóa xã kiêm nhiệm nhiều việc, trên địa bàn xã lại không có bể bơi, việc tuyên truyền được ít buổi trên hệ thống truyền thanh xã, người dân cũng biết chung chung nên hiệu quả tuyên truyền còn hạn chế… Đây cũng là lý do các học viên là giáo viên thể chất các trường phổ thông cần tham gia lớp tập huấn. Bởi giáo án thể chất trong chương trình vẫn chủ yếu là một số nội dung trong bộ môn điền kinh, các nội dung khác, như võ hay bơi là những môn ngoại khóa, không bắt buộc. Khi cử học viên đi học, nhiều đơn vị lại chủ yếu cử cán bộ quản lý văn hóa, thể thao cấp huyện đi học trong khi tình trạng đuối nước trẻ em tiềm ẩn nguy cơ ở từng gia đình, làng xã lại không có hướng dẫn viên cấp cơ sở. 

Mặc dù, hiện nay nhiều phụ huynh đã quan tâm đến con em mình hơn, cho con tham gia các lớp học bơi bài bản nhưng chủ yếu vẫn là tập trung ở các trung tâm lớn và cha mẹ có lợi thế về thời gian. Tại các vùng nông thôn, nhất là những nơi có nhiều ao hồ, thùng vũng, sông ngòi, tình trạng đuối nước vẫn có nguy cơ cao xảy ra đối với trẻ em. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, nhiều gia đình còn tự cho con em đi tắm tại những địa điểm là cảnh quan đô thị, những hồ điều hòa trong thành phố hoặc những điểm bơi tự phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. Công tác tuyên truyền về bơi an toàn và phòng, chống đuối nước vì thế  cần được tăng cường thực hiện.

Nhằm đa dạng hóa đối tượng học viên, lớp tập huấn bơi an toàn và phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2020 không có yêu cầu cụ thể về đối tượng học viên với mong muốn các kiến thức mới về bơi an toàn và phòng, chống đuối nước được phổ biến rộng trong cộng đồng và những người biết bơi, bơi giỏi, những người có khả năng cứu đuối, có kinh nghiệm cứu đuối, sơ cấp cứu đuối nước trong cộng đồng được công nhận, phát huy. Ở lớp tập huấn năm nay, có thêm một số đối tượng học viên là đoàn viên thanh niên, cán bộ huyện đoàn, xã đoàn và chi đoàn các thôn, xóm. Phó Bí thư Chi đoàn thôn Đông Ngoại (Châu Giang, Duy Tiên) Vũ Minh Hiếu  chia sẻ: Thực hiện xã hội hóa, năm 2020 thôn Đông Ngoại đã xây được bể bơi phục vụ nhu cầu tập luyện, vui chơi giải trí của nhân dân trong thôn. Được xã cử đi tập huấn, tôi mới biết và nắm chắc kỹ năng cứu đuối an toàn để chia sẻ với các đoàn viên khác và trẻ em trong thôn về cách thức bơi an toàn và các kỹ năng cứu đuối an toàn…

Vấn đề bơi an toàn và phòng, chống đuối nước trẻ em là một vấn đề xã hội. Vì vậy các đối tượng cần tập huấn, được mở rộng hơn nữa, như y tế, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân, người cao tuổi… để bơi an toàn và phòng, chống đuối nước trẻ em được quan tâm hơn trong cộng đồng, bảo đảm cho các em một môi trường sống an toàn, tích cực. Trong Quyết định 990 của UBND tỉnh có giao trách nhiệm cho từng đơn vị cụ thể, nhưng hiện vẫn có tình trạng một số đơn vị chỉ có động thái quan tâm vào tháng cao điểm hành động vì trẻ em, một số đơn vị cho đó là nhiệm vụ của ngành VH,TT&DL. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác tuyên truyền về bơi an toàn và phòng, chống đuối nước cho trẻ em chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Hiện nay, hầu hết các huyện, thành phố, thị xã và nhiều xã, thôn có các bể bơi cố định hoặc di động của các doanh nghiệp, cá nhân, nhưng số trường học có bể bơi lại quá ít. Nên chăng ngành giáo dục – đào tạo có sự linh hoạt trong chỉ đạo để tạo sự phối hợp, liên kết nhằm phát huy lợi thế của môi trường giáo dục trong việc giảng dạy bơi an toàn và phòng, chống đuối nước trẻ em. 

Theo Quyết định 990 của UBND tỉnh phấn đấu đến hết năm 2020, toàn bộ các địa điểm tổ chức hoạt động vui chơi dưới nước đều có nhân viên cứu hộ được tập huấn cứu đuối nước, có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp và có trang thiết bị cứu hộ theo quy định; 100% các phường, xã, trường học triển khai tuyên truyền về phòng, chống đuối nước; 70% trẻ em trong độ tuổi từ học sinh tiểu học trở lên biết kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước...

Tuy nhiên, để đạt được những chỉ tiêu trên, bên cạnh công tác tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức thì việc tăng cường công tác cảnh báo, phát triển phong trào dạy bơi và hướng dẫn kiến thức kỹ năng an toàn trong môi trường nước, xây dựng thí điểm mô hình trẻ em toàn xã biết bơi, học sinh toàn trường biết bơi và nhân rộng mô hình phòng, chống đuối nước  trẻ em chính là những biện pháp cần làm để mỗi mùa hè đến nguy cơ đuối nước trẻ em không còn là nỗi ám ảnh, giúp các em có một kỳ nghỉ hè vui tươi và bổ tích.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy