Ngày 30/6/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 938/QĐ-TTg phê duyệt Đề án“Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”(sau đây gọi tắt là Đề án 938). UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3572/KH-UBND về việc thực hiện Đề án 938. Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh đã có những tác động tích cực trong việc hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Tuy nhiên, để đề án tiếp tục phát huy hiệu quả cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa của các cấp, ngành; đổi mới nội dung, hình thức truyền thông, giáo dục.
Những hoạt động hiệu quả
Dịp 8/3 năm nay Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Phủ Lý chỉ đạo các hội cơ sở ra mắt 6 câu lạc bộ (CLB) và nhóm nòng cốt, là một trong những hoạt động tiếp tục thực hiện Đề án 938. Nhóm nòng cốt xã Tiên Tân sinh hoạt nội dung: Tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Tiên Tân cho biết, hiện Hội LHPN xã có 4 CLB ở các lĩnh vực: Hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và 1 nhóm nòng cốt. CLB Gia đình hạnh phúc thành lập năm 2017, có gần 40 cặp vợ chồng tham gia, mỗi năm sinh hoạt trực tiếp 2 lần, ngoài ra còn thường xuyên chia sẻ, cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm qua nhóm zalo, các buổi giao lưu...
Nội dung tập trung vào việc tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, các kỹ năng để tránh những va chạm trong gia đình, cách giải quyết khi đã xảy ra xung đột, giữ lửa hạnh phúc... Hơn 6 năm đi vào hoạt động, các thành viên đã được nâng cao kiến thức pháp luật, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, vấn đề phát sinh của gia đình, tư vấn, hỗ trợ nhau để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Các thành viên CLB cũng giúp đỡ nhiều gia đình khác giữ gìn hạnh phúc.
Nói về việc thực hiện Đề án 938, chị Nguyễn Thị Thắm cho biết, Hội LHPN xã và các ngành liên quan đã tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật, chia sẻ kỹ năng, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội. Qua đó góp phần giữ ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Không có vụ việc về bạo lực gia đình phải trình báo, số vụ ly hôn rất ít…
Ở phạm vi toàn tỉnh, thực hiện Đề án 938 giai đoạn 2017 – 2021, các cấp hội LHPN, cấp ủy, chính quyền, các cấp các sở, ngành đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, yêu cầu, nội dung của đề án, từ đó định hướng chỉ đạo, phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện các mục tiêu. Các mục tiêu giai đoạn 2017-2021 đều hoàn thành, một số mục tiêu đạt kết quả cao, trong đó có 3 mục tiêu đạt và 3 mục tiêu vượt.
Về các hoạt động cụ thể, giai đoạn 2017–2021, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 32 hội nghị tọa đàm “Người nội trợ thông thái”. Giao lưu các CLB “Phụ nữ thực hiện VSATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”. Nói chuyện chuyên đề về “Giữ gìn truyền thống và giao tiếp ứng xử văn hóa trong gia đình”. Tổ chức Hội thi tuyên truyền viên giỏi cấp tỉnh về “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Tổ chức 11 hội nghị tọa đàm “Các giải pháp hỗ trợ tâm lý cho trẻ ở các giai đoạn chuyển tiếp”… Bên cạnh đó, cung cấp 6.611 cuốn tài liệu tư vấn, giáo dục về hôn nhân và gia đình; hướng dẫn cha mẹ nuôi dạy con tốt và an toàn; hỏi đáp về bạo lực học đường;... Sở Tư pháp tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở và cấp phát miễn phí 30 nghìn tờ gấp, tờ rơi về quyền trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình… Qua đó đã tuyên truyền vận động trên 190 nghìn lượt hội viên, phụ nữ và cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng nhiều lĩnh vực.
Từ năm 2018 - 2021 đã có 80% cán bộ hội LHPN các cấp, cán bộ các sở, ngành được tập huấn triển khai các nội dung của đề án, kiến thức về Chủ đề năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em; kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, Luật Lao động… Đã tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ cho gần 2 nghìn phụ nữ thiếu kiến thức, phụ nữ yếu thế, phụ nữ mãn hạn tù về kiến thức, kỹ năng các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Năm 2019, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với phòng Hình sự Công an tỉnh giám hộ 2 vụ việc, 1 vụ trẻ em gái tham gia môi giới và bán dâm, 1 vụ trẻ em vi phạm pháp luật. Năm 2020, Hội LHPN huyện Lý Nhân nắm bắt, phối hợp và báo cáo kịp thời vụ việc 1 nữ sinh bị sát hại tại thị trấn Vĩnh Trụ... Trung tâm trợ giúp pháp lý - Sở Tư pháp đã thực hiện trợ giúp pháp lý 35 vụ việc về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới cho phụ nữ. Các cấp, ngành cũng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội; nghiên cứu đề xuất chính sách; giám sát việc thực thi pháp luật.
Với mục tiêu mỗi xã, phường, thị trấn xây dựng được ít nhất 1 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội ưu tiên, từ năm 2017 đến năm 2021 toàn tỉnh đã thành lập 187 mô hình với 6.806 thành viên, trong đó 92 mô hình CLB "Phụ nữ thực hiện VSATTP vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, 30 mô hình CLB “Giáo dục cha mẹ nuôi dạy con tốt, giáo dục trẻ vị thành niên”; 32 mô hình CLB “Phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; 33 mô hình “Nhóm nòng cốt”.
Năm 2022, Hội LHPN tỉnh tổ chức 21 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; chỉ đạo ra mắt 30 mô hình CLB các lĩnh vực thu hút trên 1.000 thành viên tham gia. Phối hợp tổ chức 5 hội thảo “Bữa ăn an toàn”. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền về kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; phòng, chống tội phạm trên không gian mạng;… thu hút gần 500 lượt hội viên, phụ nữ là người tiêu dùng, cha mẹ có con dưới 16 tuổi dự nghe. Năm 2023, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ tiếp tục được triển khai thực hiện.
Tăng cường phối hợp, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục
Thành phố Phủ Lý là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động hiệu quả trong thực hiện Đề án 938. Bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết: Mặc dù đã có nhiều hoạt động thiết thực thực hiện Đề án 938, nhưng xã hội càng phát triển, các vấn đề xã hội nói chung, vấn đề liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em nói riêng ngày càng nhiều và phức tạp, đặc biệt đối với những khu vực đô thị trung tâm như Phủ Lý. Vấn đề xâm hại trẻ em gái, đuối nước, phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên,... vẫn còn, ảnh hưởng đến môi trường sống, sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn.
Ở phạm vi toàn tỉnh, qua các năm thực hiện đề án vẫn còn một số hạn chế. Đó là, công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chưa tương xứng với tiềm năng. Việc đề xuất chính sách hỗ trợ phụ nữ nghèo, khó khăn, yếu thế tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai một số hoạt động của đề án còn thiếu chặt chẽ. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng nghiệp vụ về các vấn đề xã hội nổi cộm liên quan đến phụ nữ trong gia đình hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Cấp huyện đã được cấp kinh phí, tuy nhiên còn hạn chế nên khó khăn cho việc triển khai tổ chức các hoạt động. Cấp cơ sở hầu hết chưa được cấp kinh phí hoạt động. Vấn đề VSATTP; tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gái vẫn còn xảy ra; tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, tỷ lệ ly hôn ở các cặp vợ chồng trẻ có chiều hướng gia tăng. Còn tình trạng chưa mạnh dạn lên tiếng trước các hành vi bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, tác động, ảnh hưởng đến môi trường sống, sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Bà Phạm Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Các hạn chế trên đều được xem xét nghiêm túc, đã và đang có những giải pháp khắc phục. Để nâng cao hiệu quả của đề án, từ nay đến năm 2027 các vấn đề cần tiếp tục quan tâm, như: phổ biến kiến thức pháp luật, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bạo lực, công tác bảo đảm VSATTP, hỗ trợ cha mẹ trong nuôi dạy con tốt, giáo dục trẻ vị thành niên... Tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan. Hội LHPN các cấp phối hợp với các ban, ngành lồng ghép tổ chức thực hiện các hoạt động của đề án gắn với triển khai phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, có kiến thức, có sức khỏe, có trách nhiệm với gia đình và quê hương” và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”... Thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Không ngừng đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông các nội dung về gia đình, giáo dục trẻ em, các chính sách pháp luật, duy trì và nhân rộng các mô hình CLB…
Đỗ Hồng