kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Quan tâm hỗ trợ người cai nghiện thuốc lá

Quan tâm hỗ trợ người cai nghiện thuốc lá

Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình và người xung quanh, mà còn để lại hậu quả nặng nề cho tương lai. Do vậy, cai nghiện thuốc lá là việc làm rất cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Với “thâm niên” nghiện thuốc lá gần 10 năm, anh Đặng Ngọc Trung (xã Tiên Hải, thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Tôi làm nghề xây dựng, mỗi khi xong công việc anh em hay mời nhau điếu thuốc, từ chối không được, hút một vài lần thành quen rồi nghiện lúc nào không hay. Có thời điểm, mỗi ngày tôi hút tới 1 – 2 bao thuốc lá. Sau một thời gian dài hút thuốc lá, tôi thường xuất hiện những cơn ho kéo dài, người lúc nào cũng nồng nặc mùi thuốc, miệng có mùi hôi, người nhà ai cũng khuyên nhủ, động viên tôi bỏ thuốc. Bản thân tôi cũng rất muốn cai nghiện thuốc lá, song thật khó, cứ cai rồi lại hút lại, mãi vẫn không bỏ được thói quen hút thuốc lá... Tuy nhiên, sau khi nghe báo, đài tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, tôi bắt đầu tập cai nghiện dần. Để cai nghiện được thuốc lá, tôi chủ động tìm hiểu về các thông tin cai nghiện thuốc lá trên các trang báo chính thống, đồng thời liên hệ với các y, bác sỹ cơ sở y tế địa phương để nghe tư vấn.

Theo anh Trung, vài tuần đầu tiên khi bắt đầu bỏ thuốc, anh thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, bức bối, tâm trạng không muốn làm việc, đêm mất ngủ… Những lúc quá khó chịu, anh cố gắng tìm việc để luôn bận bịu hoặc sử dụng nước súc miệng dành cho người cai nghiện thuốc lá, vận động thể dục nhẹ nhàng để quên đi cảm giác thèm thuốc. Được gia đình, người thân luôn bên cạnh, động viên, củng cố quyết tâm cho anh bỏ thuốc. Sau khoảng hai tháng kiên trì không hút thuốc lá, anh đã thấy cơ thể dần khoẻ mạnh hơn, những cơn thèm thuốc thưa dần rồi được cắt hẳn. Cứ như vậy, anh đã kiên trì, quyết tâm bỏ thuốc lá đã gần 5 năm, không tái nghiện.

Tuyên truyền tác hại của hút thuốc lá tại phường Tiên Nội (thị xã Duy Tiên).

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm - Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam, ngoài những giải pháp vận động, tuyên truyền, hỗ trợ người dân cai nghiện thuốc lá, quan trọng nhất là người hút thuốc lá phải hiểu và nhận thức được tác hại của thuốc lá và quyết tâm, kiên trì bỏ thuốc hay không. Hiện nay, thuốc lá dễ mua, nhiều người xung quanh hút, hậu quả hút thuốc lá không đến ngay, mà âm thầm nhiều năm, vì thế khiến cho nhiều người chưa quyết tâm bỏ thuốc. Ngoài ra, khi bỏ thuốc lá, người hút đừng lặng lẽ thực hiện mà hãy nói với bạn bè, người thân, đồng nghiệp rằng, “Tôi đang bỏ thuốc lá”; đồng thời, thuyết phục nhiều người cùng nhau bỏ thuốc lá. Việc bỏ thuốc lá lúc ban đầu thường gây mệt mỏi, stress, do vậy người hút nên tìm việc gì đó để giảm căng thẳng, như: nghe nhạc, xem phim, thể dục thể thao… và nên tránh uống các loại rượu, bia vì có thể làm kích thích dễ dẫn đến thèm thuốc lá; cần làm sạch mùi thuốc lá bằng cách dọn dẹp nhà cửa, không dùng bật lửa, gạt tàn thuốc, hay những vật dụng liên quan đến thuốc lá; tránh xa những nơi có hút thuốc lá…

Trong cai nghiện thuốc lá, việc tư vấn cho người bệnh đóng vai trò then chốt, các thuốc hỗ trợ cai giúp người bệnh cai thuốc dễ dàng hơn. Nhân viên y tế cần xây dựng chiến lược tư vấn cho người cai nghiện thuốc lá. Trong đó, cần tìm hiểu tình trạng hút thuốc lá và lý do cản trở người muốn cai nghiện thuốc lá, như: sợ cai thuốc thất bại, hội chứng cai gây khó chịu, mất đi niềm vui hút thuốc, căng thẳng,... Từ đó, đưa ra những lời khuyên phù hợp và đủ sức thuyết phục người bệnh bỏ hút thuốc; giúp người bệnh xây dựng kế hoạch cai thuốc; tư vấn, hỗ trợ và chỉ định thuốc hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, nếu cần; có kế hoạch theo dõi, hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp để người bệnh cai được thuốc và tránh tái nghiện.

Hút thuốc lá chính là thủ phạm gây giảm sút trí nhớ, nhanh chóng làm cho con người già đi, giảm sức khỏe và chức năng miễn dịch. Việc từ bỏ thuốc lá cũng giảm tỷ lệ mắc những căn bệnh nan y; đặc biệt là bệnh ung thư, như: ung thư vòm họng, răng miệng, ung thư phổi… Việc bỏ thuốc lá cũng giúp tăng cân, ăn ngon miệng hơn, cải thiện được khẩu vị, trí nhớ, thị lực. Ngoài ra, bỏ thuốc lá còn giúp hạn chế rụng tóc, bạc tóc, giảm các khoản chi phí hằng năm, góp phần bảo vệ môi trường; gia đình và những người xung quanh sẽ không mắc các hội chứng hút thuốc thụ động...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá được lồng ghép vào hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và thường xuyên được tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, định kỳ hằng năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cập nhật hướng dẫn chuyên môn về tư vấn cai nghiện thuốc lá cho cán bộ y tế thôn/xóm/cộng tác viên. Việc cai nghiện thuốc lá thành công hay không phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của người hút thuốc lá. Bên cạnh đó, việc tránh xa môi trường khói thuốc cũng đóng vai trò rất quan trọng. Người dân có thể liên hệ qua số điện thoại 1800 6606 của Tổng đài Tư vấn cai nghiện thuốc lá - Bệnh viện Bạch Mai để được tư vấn miễn phí từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày.

Bùi Linh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy