kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Giúp hội viên nông dân giảm nghèo bền vững

Giúp hội viên nông dân giảm nghèo bền vững

Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã được các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả, giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Theo đó, các cấp hội HND đã triển khai có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nhằm khuyến khích, động viên nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo. Việc triển khai hiệu quả phong trào đã tạo thêm động lực, khích lệ hàng trăm nghìn hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; góp phần không nhỏ vào việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương. Hỗ trợ nông dân tham gia và thực hiện phong trào, nhiều địa phương đã tạo điều kiện, vận động nông dân thực hiện tích tụ ruộng đất sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch công nghệ cao và liên kết, thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm như các xã: Nhân Khang, Nhân Bình, Xuân Khê (huyện Lý Nhân); Đồng Du (huyện Bình Lục)...

Tham gia thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", ông Phạm Đăng Hồng Minh, xã Mỹ Thọ (huyện Bình Lục) cho biết: Tôi chăn nuôi lợn, gia cầm từ năm 1986 đến nay và thấy hiệu quả chăn nuôi cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp. Vì thế, khi các cấp HND phát động phong trào thi đua làm giàu trong nông dân, tôi và gia đình đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Tôi đã nhận thầu 13 mẫu ruộng của xã Mỹ Thọ để cải tạo, xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi và tăng đàn vật nuôi. Đến nay, gia đình tôi nuôi khoảng 10 nghìn con gà Ai Cập, ngan đẻ và ngan Pháp cùng hơn 1.000 con lợn thịt và 100 lợn nái. Hằng năm, giá trị sản xuất từ trang trại đạt 25 - 30 tỷ đồng, thu lãi bình quân 20% - 25%. Để đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, tôi thường xuyên kiểm tra, tiêm vắc-xin định kỳ cho vật nuôi, vệ sinh chuồng trại đúng quy trình...

Chăn nuôi gia cầm tại trang trại ở thôn An Phú, Mỹ Thọ (Bình Lục) của gia đình ông Phạm Đăng Hồng Minh.

Cũng như hộ ông Minh, nhiều hộ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh (SXKD), đa dạng các ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, như: hộ bà Nghiêm Thị Thủy, xã Liêm Cần (Thanh Liêm) với mô hình trồng nấm ăn các loại, tổng giá trị sản xuất hằng năm đạt khoảng 800-850 triệu đồng, lợi nhuận thu về từ 300-350 triệu đồng; hộ ông Vũ Duy Cương, thị trấn Đồng Văn (Duy Tiên) với mô hình sản xuất, kinh doanh đồ điện dân dụng, thu nhập bình quân hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động; hộ bà Phạm Thị Huyền, xã Liêm Tuyền (TP Phủ Lý) với mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp (1,5 mẫu thả cá, 1.000 m2 vườn trồng bưởi Diễn, na và nuôi thêm gà chọi) tạo việc làm cho 7 – 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng, mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu về 200 - 220 triệu đồng…

Để việc hỗ trợ, đầu tư nguồn lực có chiều sâu, hiệu quả, các cấp HND đã hỗ trợ sinh kế, giúp hội viên nông dân nghèo phát triển SXKD thoát nghèo bền vững. Trong đó, thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân”, đến nay 100% các cấp hội trong tỉnh đã thành lập được Quỹ Hỗ trợ nông dân, hoạt động ổn định với số dư đến tháng 9/2024 là 21,5 tỷ đồng, cho gần 400 hộ vay. Công tác cho vay, thu hồi vốn được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm an toàn vốn; quỹ được sử dụng ngày càng hiệu quả, thiết thực, hỗ trợ nhiều hộ nông dân vươn lên khá, giàu, khởi nghiệp thành công. Bên cạnh đó, các cấp hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội quản lý 400 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 21.120 hộ vay, tổng dư nợ 982.358 triệu đồng; Quỹ quốc gia về việc làm dư nợ 1,280 tỷ đồng, cho vay tại 10 dự án với 23 hộ vay, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động. Các nguồn vốn đã giúp cho nông dân có vốn đầu tư SXKD, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Ngoài ra, các cấp HND trong tỉnh còn phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân; cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, phân bón trả chậm không tính lãi. Từ những mô hình và hình thức đào tạo phù hợp đã thu hút nhiều lao động trẻ tham gia, góp phần nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tạo cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cho nông dân. Đến nay, các cấp HND đã trực tiếp tổ chức mở trên 40 lớp dạy nghề ngắn hạn cho gần 2.000 hội viên, nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp, các chủ trang trại mở 246 lớp dạy nghề, bồi dưỡng tay nghề cho 13.500 hội viên, nông dân. Sau đào tạo, trên 80% lao động có việc làm, thu nhập ổn định; tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động. Đồng thời, các cấp HND còn tăng cường công tác ttư vấn việc làm trong nước và nước ngoài cho 46.950 người, giới thiệu việc làm trong nước cho 11.680 lao động.

Với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp HND, hằng năm, có trên 1.200 lượt hộ hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 3,35% (theo tiêu chí mới chuẩn nghèo đa chiều năm 2022). Đặc biệt, nhiều nông dân SXKD giỏi đã trở thành hạt nhân có uy tín trong cộng đồng cư dân nông thôn, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và các phong trào xã hội ở địa phương, như: ông Trương Minh Ngọc, xã Xuân Khê (Lý Nhân), mỗi năm tặng hàng trăm suất quà cho người cao tuổi, hộ nghèo, khó khăn và ủng hộ làm đường điện thắp sáng trị giá 70-80 triệu đồng; ông Trần Ngọc Tú, ở thôn Tường Thụy 2, xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên) ủng hộ các quỹ trên 100 triệu đồng…

Có thể khẳng định, các cấp HND trong tỉnh đã phát huy vai trò trong triển khai và duy trì tốt phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", bảo đảm tính hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người nông dân trong phát triển SXKD; giúp nhiều hộ hội viên nông dân thoát nghèo, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.  

Lê Dũng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy