Phát huy vai trò của truyền thông về dân số

Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Ðảng, toàn dân. Trong các giải pháp thực hiện công tác dân số trong tình hình mới thì tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp là giải pháp hàng đầu; công tác tuyên truyền, vận động là mũi nhọn xung yếu.

Tại TP Phủ Lý, công tác tuyên truyền về chính sách dân số được chú trọng thực hiện thường xuyên thông qua hệ thống loa phát thanh, băng zôn, tờ rơi tuyên truyền, lồng ghép hoạt động sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB), nói chuyện chuyên đề… 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố đã có 352 bà mẹ được sàng lọc trước sinh, 330 trẻ em được sàng lọc sơ sinh. Cơ quan chức năng cũng đã cấp phát trên 1.000 tờ rơi tuyên truyền về sàng lọc trước sinh và sơ sinh. 

Thành phố cũng duy trì sinh hoạt định kỳ các CLB phụ nữ không sinh con thứ 3, giúp nhau phát triển kinh tế tại 21 xã, phường; CLB chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại 10 xã, phường; CLB tiền hôn nhân tại 3 đơn vị. Kết hợp các buổi sinh hoạt, Trung tâm Y tế (TTYT) thành phố đã cấp phát hàng nghìn tờ rơi, tài liệu, sản phẩm truyền thông cung cấp kiến thức về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh; kỹ năng ứng xử, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên… Trong 6 tháng đầu năm, thành phố có 732 trẻ được sinh ra, giảm 54 trẻ so cùng kỳ 2021; trong đó, số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 180 trẻ, chiếm 24,5% tổng số trẻ sinh ra. Số người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70,5% kế hoạch năm.

Phát huy vai trò của truyền thông về dân số
Cán bộ, hội viên Hội Phụ nữ xã Kim Bình (TP Phủ Lý) đăng ký thực hiện các dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ tại Trạm Y tế xã trong khuôn khổ “Chiến dịch truyền thông lồng ghép năm 2022”.

Chị Nguyễn Thị Thường, Trưởng phòng Dân số (TTYT TP Phủ Lý) cho biết: Dù đạt được những kết quả tích cực, song thực tế việc triển khai thực hiện chính sách về dân số trên địa bàn TP Phủ Lý cũng gặp phải nhiều khó khăn. Đó là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao. Kinh phí cho hoạt động chuyên môn công tác dân số và phát triển trong chương trình mục tiêu y tế, dân số năm 2022 chưa được cấp. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở có nhiều biến động…

Để đạt được các chỉ tiêu giao, thời gian tới, trung tâm chỉ đạo các cơ sở tiếp tục thực hiện tốt Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ). Duy trì triển khai sinh hoạt các CLB, nói chuyện chuyên đề thuộc các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số. Tăng cường tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản thuộc Đề án 818 cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng bảo đảm an toàn, thuận tiện.

Hiện tại các huyện, thị xã, thành phố đang tập trung đẩy mạnh triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ (gọi tắt là Chiến dịch) đợt 1 tại các xã, phường, thị trấn. Đến với chiến dịch, người dân không chỉ được hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, tư vấn làm mẹ an toàn mà còn được cung cấp các dịch vụ KHHGĐ hiện đại, nhất là với người dân đang trong độ tuổi sinh đẻ như tiêm thuốc tránh thai, đặt vòng, khám phụ khoa và sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung… Đây được xem là cơ hội tốt để truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, xóa dần tư tưởng “trọng nam khinh nữ”… 

Chiến dịch được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn; trong đó đợt 1 được tổ chức tại 70% số xã, kết thúc trước ngày 31/7; đợt 2 tổ chức ở các xã còn lại và các xã chưa hoàn thành chỉ tiêu chiến dịch đợt 1, bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc trước 31/10. Chiến dịch đặt mục tiêu có trên 70% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về SKSS/KHHGĐ và được tiếp cận với các phương tiện tránh thai hiện đại, sản phẩm chăm sóc, dịch vụ chăm sóc SKSS theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bảo đảm trên 95% số phụ nữ mang thai được cán bộ y tế khám và tư vấn về chăm sóc trước, trong và sau khi sinh. 

Chiến dịch được triển khai nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về công tác dân số trong tình hình mới, về các dịch vụ chăm sóc SKSS. Từ đó, góp phần thay đổi hành vi, cách thức tiếp cận, thực hiện các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, các phương tiện tránh thai hiện đại và sản phẩm chăm sóc sức khỏe theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm đưa mức sinh về mức sinh thay thế, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số. 

Không chỉ đẩy mạnh triển khai chiến dịch, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh cũng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, cộng tác viên dân số. Kết hợp đồng bộ các hình thức tuyên truyền từ hệ thống phát thanh, treo băng rôn, khẩu hiệu, xây dựng cụm pano, áp phích, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, tuyên truyền qua hội nghị, cuộc họp dân cư… Hoạt động truyền thông tập trung vào các nội dung: sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giáo dục giới tính, SKSS, sức khỏe tình dục, chăm sóc SKSS vị thành niên và thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phòng chống bạo lực gia đình, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số… Tiếp tục vận động các gia đình nên sinh đủ 2 con.

Việc tăng cường các hoạt động truyền thông đi liền với cung cấp dịch vụ đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và sự tham gia tích cực của người dân, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng dân số. 6 tháng đầu năm 2022, ước tổng số trẻ em sinh ra toàn tỉnh là 4.888 trẻ, giảm 1,3% so với cùng kỳ 2021. Số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên là 899 trẻ, bằng 18,4%, giảm 2,6% so với cùng kỳ 2021. Toàn tỉnh đã vận động được 21.149 người thực hiện biện pháp tránh thai, đạt 46% kế hoạch năm. 

Có thể khẳng định, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng với công tác dân số, góp phần nâng cao, thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Chính việc triển khai hiệu quả công tác truyền thông đã góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh, từng bước đưa mức sinh về mức sinh thay thế, duy trì “cơ cấu dân số vàng”. Tuổi thọ bình quân của người dân ngày càng được nâng lên, tình trạng suy dinh dưỡng, tình trạng tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày càng được quan tâm. 

Hoàng Hải

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy