Phát hiện muỗi kháng hóa chất diệt muỗi – Thách thức mới trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết năm 2024

Năm 2022 sốt xuất huyết (SXH) bùng phát ở Hà Nam, tập trung ở thành phố Phủ Lý. SXH nguy hiểm ở chỗ năm trước đã có ổ dịch ở đâu, năm sau dễ tái bùng dịch ở đó. Chính vì thế, năm 2023 đến mùa mưa số ca SXH lại tăng vọt, thành phố Phủ Lý vẫn là địa phương có số ca tăng cao nhất. Năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận trên 900 ca SXH trong đó chủ yếu ở thành phố Phủ Lý. Năm nay, tuy mùa mưa chưa bắt đầu nhưng số ca SXH đã có diễn biến gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Đáng lo ngại nhất là xuất hiện tình trạng muỗi truyền bệnh SXH kháng hóa chất diệt muỗi. Đây là một thách thức mới trong phòng, chống bệnh SXH năm nay.

Thông báo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng Trung ương cho biết, muỗi truyền bệnh SXH bắt tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Phủ Lý; xã Tràng An và xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục của Hà Nam đã kháng với hóa chất diệt muỗi Permethrin 0,75% và Detamethrin 0,05%; hiện chỉ còn hiệu lực với hóa chất Permethrin 50EC ở phương pháp phun ULV trong nhà.

Qua theo dõi và tổng hợp tình hình bệnh SXH từ đầu năm đến ngày 21/3/2024 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam, số ca mắc trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 12 trường hợp mắc (tăng 8 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023). Số ca mắc được ghi nhận cao ở một số địa phương: thành phố Phủ Lý, huyện Lý Nhân... Đặc biệt ngày 20/3/2024 đã ghi nhận trường hợp ca bệnh tại cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Phủ Lý.

Mặt khác, kết quả giám sát muỗi truyền bệnh SXH và các yếu tố nguy cơ tại một số địa phương trên địa bàn trong 02 tuần gần đây (từ ngày 02/3 đến 20/3/2024) cho thấy ở nhiều gia đình còn nhiều dụng cụ chứa nước (xô chậu, lọ hoa, cây cảnh, phế thải…) là nơi sinh sản của véc tơ truyền bệnh SXH. Đặc biệt đã bắt và định loại được bọ gậy Ades aegypti (đây là bọ gậy sẽ trưởng thành thành muỗi là véc tơ chính truyền bệnh SXH) tại một số địa phương thuộc vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Do đó, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận nhiều hơn các trường hợp mắc bệnh SXH nếu không quyết liệt triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, vấn đề là do đã xuất hiện muỗi kháng 2/3 loại hóa chất, loại hóa chất còn lại yêu cầu phải phun theo đúng phương pháp phun ULV trong nhà mới có tác dụng, nên người dân bắt buộc phải tuân thủ khuyến cáo này của ngành chức năng mới diệt muỗi truyền bệnh hiệu quả.

Ông Trần Đắc Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nam cho biết, phương pháp phun ULV trong nhà yêu cầu rất nhiều thứ, từ pha hóa chất, sử dụng loại đầu phun, máy phun, cách phun... Vì thế chỉ những người được đào tạo kỹ thuật, có thiết bị chuyên dụng mới có thể phun đúng cách và như thế muỗi mới có thể bị tiêu diệt hiệu quả.

Tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống SXH ở phường Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý. Ảnh: Đỗ Hồng

Về nguyên nhân muỗi kháng hóa chất, theo chuyên gia của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương, hiện nhiều gia đình ở các vùng có dịch SXH nói chung trong cả nước thường lạm dụng mua hóa chất về phun hoặc tự ý đăng ký dịch vụ phun hóa chất diệt muỗi giá rẻ vừa không có tác dụng, vừa làm tăng kháng hóa chất. Hiện tại mức độ kháng hóa chất của muỗi truyền bệnh SXH ngày càng gia tăng, làm tăng thách thức trong phòng bệnh SXH.  

Để chủ động phòng, chống bệnh SXH trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Trung  tâm Kiểm soát bệnh tật - Cơ quan Thường trực phòng, chống dịch ngành Y tế yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục tổ chức triển khai và phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, bảo đảm theo sự chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế; không để bệnh bùng phát lan rộng thành dịch và kéo dài.

Theo đó, yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chú ý các ổ dịch cũ và phát hiện sớm các ca bệnh/ổ dịch mới; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; xử lý triệt để ca bệnh/ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo các ngành phối hợp thực hiện các chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy và các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch. Chỉ đạo, hướng dẫn Trạm Y tế xã/phường/thị trấn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định Bộ Y tế và phù hợp với diễn biến tình hình dịch, tình hình thực tế của địa phương.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đặc biệt lưu ý các đơn vị thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, và khuyến cáo cho người dân khi phun cần bảo đảm theo quy định và khi triển khai phun cần có sự giám sát, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật của ngành Y tế tránh tình trạng muỗi truyền bệnh tiếp tục kháng thuốc gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và lãng phí nguồn lực của xã hội.

Cùng đó phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về phòng, chống dịch SXH. Vận động cán bộ, người lao động, nhân dân tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường tại cộng đồng, cơ sở giáo dục, đơn vị. Tiếp tục rà soát, bổ sung đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị để sẵn sàng đáp ứng khi có dịch xảy ra.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy