Năm 2013, xã Thi Sơn (Kim Bảng) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Sau 7 năm, Thi Sơn vẫn đang nỗ lực trên con đường xây dựng NTM và phấn đấu để trở thành xã NTM kiểu mẫu năm 2020.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thi Sơn Đinh Văn Sáng, xây dựng xã NTM kiểu mẫu là giai đoạn tiếp theo của chương trình xây dựng NTM, với các mục tiêu và yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước. Dù ở chặng đường nào, việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân vẫn là mục tiêu số một, là yếu tố quan trọng hàng đầu cần phải đạt được. Từ khi được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Thi Sơn vẫn tiếp tục huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng tiêu chí đạt được, tập trung vào củng cố, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; giải quyết việc làm cho lao động; xóa nghèo và giữ vững tình hình an ninh trật tự ở cơ sở...
Nhìn ở nhiều phương diện, xã Thi Sơn có điều kiện thuận lợi để trở thành xã NTM kiểu mẫu hơn so với nhiều địa phương khác của huyện Kim Bảng, đặc biệt là xuất phát điểm và điều kiện về phát triển kinh tế và hạ tầng cơ sở khá hoàn thiện. Chính vì vậy, việc khai thác thế mạnh và huy động các nguồn lực dành cho xây dựng NTM ở Thi Sơn có phần dễ dàng hơn so với nhiều xã. Mặc dù vậy, Thi Sơn cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình xây dựng cơ bản... Tranh thủ cơ chế đầu tư của tỉnh và của huyện, Thi Sơn tổ chức thành công các kế hoạch đấu giá đất, lấy kinh phí đầu tư xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu. Kể từ khi xây dựng NTM đến nay, Thi Sơn đã huy động gần 300 tỷ đồng dành cho chương trình này. Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, xã đã đầu tư xây mới và nâng cấp nhiều hạng mục công trình của trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trạm y tế xã, trụ sở làm việc UBND xã, đường nông thôn và một số thiết chế văn hóa khác...
Khi được chọn xây dựng xã NTM kiểu mẫu, Thi Sơn lựa chọn tiêu chí văn hóa là tiêu chí nổi trội. Vấn đề chăm lo xây dựng thiết chế và đời sống văn hóa ở cơ sở được Đảng ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Tỷ lệ gia đình văn hóa ở Thi Sơn đạt 91,7%. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được phát triển rộng rãi. Hằng năm, UBND xã tổ chức giải thể thao thường niên vào mùa hè để khuyến khích người dân tham gia tập và rèn luyện sức khỏe. Toàn xã có 16 câu lạc bộ văn hóa, thể thao, thu hút hơn 6.000 người tham gia sinh hoạt thường xuyên, như: câu lạc bộ cầu lông, bóng đá, bóng chuyền hơi, cờ vua, hát dân ca. Hát Dậm Quyển Sơn đã được người dân Thi Sơn gìn giữ nhiều năm và nay vẫn đang được truyền dạy cho thế hệ trẻ. Người Thi Sơn tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống ở quê mình.
Bên cạnh đó, xã còn thực hiện hiệu quả công tác phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho người lao động, vận động nhân dân cải tạo và giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Thi Sơn có các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa và mô hình trồng rau an toàn. Cơ cấu cây trồng được bố trí phù hợp yêu cầu sản xuất theo mùa vụ. Sản phẩm chủ lực là các loại rau, dưa chuột xuất khẩu, lúa chất lượng, lúa hàng hóa. HTXDVNN Thi Sơn và HTX Nông sản an toàn Liên Hiệp đã chủ động đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, thực hiện hiệu quả các dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Hưởng ứng phong trào cải tạo môi trường, trồng hoa ở đường giao thông nông thôn, xã Thi Sơn hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp và xây mới hệ thống rãnh thoát nước ở 6 tuyến đường giao thông ở thôn/xóm, vận động nhân dân trồng hoa ở các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn. Từ năm 2015 đến nay, Thi Sơn luôn duy trì tốt hoạt động của 16 tổ thu gom rác thải sinh hoạt. Chất thải chăn nuôi, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật cũng được thu gom để xử lý. Các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, xã tăng cường hướng dẫn hội viên và nhân dân phân loại rác thải tại hộ. Điển hình như Chi hội Phụ nữ thôn 5 thành lập mô hình thu gom phế thải giúp hội viên mua thẻ bảo hiểm y tế thu hút được nhiều hội viên tham gia.
Đánh giá về những kết quả đạt được trên chặng đường xây dựng xã NTM kiểu mẫu, Bí thư Đảng ủy xã Đinh Văn Sáng khẳng định: Thi Sơn đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu NTM kiểu mẫu. Tôi cho rằng, đời sống của người dân chính là thước đo của xã NTM. Đời sống của người dân phải khấm khá lên trông thấy. Nhân dân phải được hưởng lợi từ phát triển kinh tế đem lại sau khi hoàn thiện về xây dựng hạ tầng giao thông, điện, trường học và trạm y tế. Cảnh quan, môi trường sống ở các thôn xóm cũng phải được cải thiện. Lao động có việc làm. Các cháu học sinh được học tập trong môi trường giáo dục tốt hơn... Thi Sơn đang phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu năm 2020. Phấn đấu “về đích” NTM kiểu mẫu cũng là giải pháp để nâng cao hơn một bậc chất lượng đời sống của người dân. Nhiệm vụ này vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Tính đến cuối tháng 9, Thi Sơn còn một số chỉ tiêu chưa hoàn thành, cần phải tập trung thực hiện. Đó là các chỉ tiêu liên quan đến bảo hiểm y tế, hộ nghèo, thu nhập và hành chính công. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Thi Sơn tập trung thực hiện các giải pháp để sớm hoàn thành chỉ tiêu chưa đạt và nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông, trường học và cơ sở vật chất văn hóa. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%, đẩy nhanh tiến độ thi công nhà hiệu bộ và các công trình phụ trợ trường trung học cơ sở, nâng cấp đường giao thông liên thôn, mở rộng các nhà văn hóa thôn, lát vỉa hè khu dân cư mới thôn 2, nâng cấp và mở rộng chợ Thi Sơn...
Xây dựng NTM là các chặng đường dài nối tiếp nhau, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Đối với xã Thi Sơn, việc xác định đúng mục tiêu và giải pháp cần tập trung thực hiện trong từng giai đoạn là những yếu tố quan trọng hàng đầu để hoàn thành tốt kế hoạch đề ra.
Bích Huệ