Giáo dục giới tính cho học sinh tại các cơ sở giáo dục là một trong những hoạt động giáo dục đặc biệt nhằm giúp cho các em hiểu biết sâu sắc về bản thân, có nhận thức đúng đắn về giới, được rèn luyện kỹ năng sống để tự bảo vệ chính mình; đồng thời, giúp học sinh hình thành và phát triển nhân cách một cách toàn diện.
Vừa qua, Trường Tiểu học, THCS và THPT Mensa (thành phố Phủ Lý) đã tổ chức Chương trình trao đổi, thảo luận với chủ đề “Giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản, an toàn thân thể và tình dục cho học sinh THCS và THPT”. Để học sinh có thể bày tỏ, chia sẻ những vấn đề thầm kín tuổi dậy thì một cách tự nhiên, không bị khiên cưỡng, nhà trường đã thực hiện tổ chức hai không gian riêng biệt dành cho học sinh nam và học sinh nữ. Tại đây, học sinh tham gia chương trình đã được tư vấn những kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, những thay đổi về tâm sinh lý, các vấn đề liên quan đến giới và giới tính cũng như những nguy cơ có thể gặp ở lứa tuổi vị thành niên…
Ban đầu khi tham gia chương trình, nữ sinh Bạch Kim Anh, lớp 11A, luôn cảm thấy ngượng ngùng khi nghe và trao đổi những câu hỏi liên quan đến chủ đề về giới tính- một chủ đề khá tế nhị, không dễ nói ra. Tuy nhiên, với sự dẫn dắt tinh tế, khéo léo của các diễn giả, chuyên gia tâm lý, dần dần Bạch Kim Anh và các bạn của mình đã bị lôi cuốn và trở nên cởi mở, nhanh chóng hòa nhập vào hoạt động chung. Từ những câu chuyện, sự gợi ý của chuyên gia, các em đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn bày tỏ ý kiến cũng như các vướng mắc gặp phải trong cuộc sống, trong học tập, cần được tư vấn, định hướng, hỗ trợ để vượt qua. Em Bạch Kim Anh chia sẻ: Thực ra, hiện nay với sự phát triển của internet và mạng xã hội, chúng em vẫn có thể tự tìm hiểu được các thông tin về giới tính khi có nhu cầu, tuy nhiên thông tin đến được với chúng em đúng hay không đúng thì không ai kiểm chứng được. Vì vậy, với sự trao đổi, chia sẻ, bày tỏ quan điểm cá nhân trực tiếp với các chuyên gia tâm lý chính là cách tốt nhất để chúng em được biết, được hiểu, được cập nhật kiến thức cần thiết về giới tính và qua đó giúp mỗi cá nhân có định hướng rõ ràng về những lựa chọn hay quyết định của mình trong các mối quan hệ…
Từ hoạt động thực tiễn này, diễn giả, chuyên gia tâm lý Bùi Thị Nga khẳng định: Qua trò chuyện, trao đổi, các em học sinh đã hiểu ra sự thay đổi giới tính không chỉ là sự thay đổi ở mỗi cơ thể, mà còn là sự thay đổi về cảm xúc, các mối quan hệ, các bạn biết cách ứng phó với sự thay đổi đó như thế nào, biết cách chăm sóc bảo vệ bản thân mình. Việc giáo dục giới tính cho học sinh ở các cơ sở giáo dục hiện nay thực sự cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nhân cách và phát triển toàn diện. Ở mỗi độ tuổi cần có cách giáo dục về giới tính khác nhau. Nếu độ tuổi mầm non có thể sẽ giáo dục sự phân biệt, nhận diện về giới, sự riêng tư, hay nguy cơ con có thể bị xâm hại tình dục... thì ở cấp học lớn hơn, có thể truyền dạy cho học sinh về sự thay đổi cơ thể như thế nào, cách chăm sóc, bảo vệ như thế nào. Thậm chí, ở độ tuổi vị thành niên có thể giáo dục thêm về chăm sóc sức khỏe sinh sản, những vấn đề về bảo đảm an toàn thân thể, về tình dục, ranh giới trong các mối quan hệ của các bạn ra sao… Việc giáo dục giới tính sớm sẽ giúp học sinh hiểu biết đúng về sự thay đổi cơ thể; biết cách bảo vệ, tôn trọng giới của mình của người khác; có ý thức trách nhiệm về những hành vi, những lời nói; có quan niệm về tình bạn, tình yêu khác giới một cách rõ ràng hơn.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai giáo dục giới tính cho trẻ và học sinh, nhưng mức độ và chất lượng giảng dạy khác nhau. Có trường đã xây dựng chương trình giảng dạy khá đầy đủ, bao gồm các nội dung, như: sức khỏe sinh sản, phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục và kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Có trường thực hiện lồng ghép giáo dục giới tính trong các môn học, các giờ học, như: Giáo dục công dân, Sinh học, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, hoạt động ngoài giờ lên lớp, chào cờ… Nhiều trường học còn tổ chức giáo dục giới tính qua chuyên đề học tập ngoại khoá với các nội dung: giáo dục sức khoẻ sinh sản vị thành niên; phòng, chống xâm hại tình dục; an toàn an ninh mạng vị thành niên; bình đẳng giới,…
Cô giáo Phạm Thị Tính, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (thành phố Phủ Lý) cho biết: Giáo dục giới tính cho học sinh hiện nay được nhà trường đặc biệt quan tâm. Theo đó, nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Tuổi TEEN, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh. Mỗi học kỳ thường tổ chức các buổi sinh hoạt, thu hút học sinh không chỉ trong CLB, mà còn cả học sinh, cha mẹ học sinh các lớp và các thầy, cô giáo tham gia. Trong một buổi sinh hoạt CLB với chủ đề “Cách thể hiện bản thân ở tuổi mới lớn trong môi trường học đường”, thông qua một tiểu phẩm do các thành viên trong CLB dàn dựng, những câu hỏi được đưa ra với học sinh dự buổi sinh hoạt này là cách thể hiện bản thân mình như thế nào ở tuổi dậy thì là đúng đắn và chưa đúng đắn? Các em có nên yêu đương ở tuổi TEEN không? Cách chăm sóc bản thân mình như thế nào để bản thân có một thể hình, tâm hồn, nhân cách sống tốt? Điều các em muốn nói với cha mẹ khi rơi vào những tình huống tương tự như trong tiểu phẩm là gì? Học sinh cần sự hỗ trợ của các thầy, cô giáo và người lớn như thế nào để vượt qua những khó khăn của tuổi dậy thì?...
Tuy nhiên, các nhà trường hiện gặp khó trong việc triển khai thực hiện hoạt động giáo dục giới tính cho học sinh khi phải tìm hay phối hợp với các chuyên gia về tâm lý, giáo dục để có thể tổ chức các hoạt động cho học sinh một cách bàn bản, khoa học; làm thế nào để bố trí thời gian hợp lý cho hoạt động này chuyên sâu, hấp dẫn. Theo các chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục, giải pháp tốt nhất để nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục giới tính trong trường học cần phát huy vai trò trách nhiệm của toàn xã hội; tăng cường các hoạt động truyền thông để thay đổi nhận thức của cha mẹ trong giáo dục giới tính cho con; nâng cao nhận thức cho học sinh để các em biết cách bảo vệ mình…
Giang Nam