Vì sao lao động thất nghiệp không muốn học nghề mới?

So với thời gian chưa xuất hiện dịch bệnh Covid-19, số người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn một năm nay đông hơn. Tuy nhiên, việc triển khai tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa đạt hiệu quả cao vì phần lớn người lao động không tích cực đi tìm việc làm tại các doanh nghiệp. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. 

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, tác động của dịch bệnh Covid-19 trong lĩnh vực lao động và việc làm thời gian qua nhìn thấy rõ nhất qua thống kê tỷ lệ người lao động đến trung tâm đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Năm 2020, trung tâm tiếp nhận 6.385 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thẩm định và ra quyết định 5.600 hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, trong đó nữ 3.832 người. Trong 6 tháng đầu năm 2021, số hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp gần 3.000 trường hợp. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có 81 người có quyết định hỗ trợ học nghề. Do diễn biến của dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh khá phức tạp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề thường xuyên phải đóng cửa. Ngoài ra, nhu cầu học nghề của người lao động thời điểm này cũng không nhiều. 

Vì sao lao động thất nghiệp không muốn học nghề mới
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hướng dẫn người lao động làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn học nghề tại phiên giao dịch việc làm đầu năm 2021.

Tham dự một phiên giao dịch việc làm hồi giữa tháng 4/2021 mới thấy, nhiều lao động đến sàn chỉ để tư vấn bảo hiểm thất nghiệp. Khi cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm hướng dẫn, tư vấn học nghề, chuyển đổi nghề, tìm việc mới… nhiều người lao động không quan tâm.

Chị Lại Thị Thùy, tổ 6, Phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) cho biết: Thời gian trước, tôi làm kế toán cho một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Sau đó, hai vợ chồng có ý định vào miền Nam lập nghiệp, tôi dừng làm việc tại công ty, nhưng vì dịch bệnh, tôi không đi nữa, Trong thời gian ngừng làm việc, tôi đã làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Giờ muốn quay trở lại tìm việc khác nhưng chỉ có thể làm lao động phổ thông chứ không thể làm công việc văn phòng như trước đây. Được tư vấn học nghề, chị lại băn khoăn. Chị nói: Hoàn cảnh hai vợ chồng em đang rất khó khăn, con thì nhỏ, việc làm của chồng không ổn định. Nếu học nghề lúc này, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng, em nghĩ là không đủ. Vì em đã có bằng trung cấp, nếu học nghề khác trình độ từ trung cấp trở lên, em phải bù thêm một khoản tiền không nhỏ…

Một nam thanh niên từ Lý Nhân lên trung tâm tìm việc và xin tư vấn bảo hiểm thất nghiệp muốn được học nghề lái xe. Thanh niên này cho biết, nguyện vọng học lái xe từ năm ngoái đến nay vẫn chưa thực hiện được. Theo trung tâm, số người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề lái xe ô tô các hạng B2, C thời gian qua rất nhiều, nhưng các đơn vị đào tạo nghề lái xe ô tô trên địa bàn tỉnh đang quá tải nên không tiếp nhận số lao động học nghề lái xe mà đơn vị giới thiệu. Trung tâm vẫn nỗ lực tìm cách liên hệ với các trường, cơ sở đào tạo nghề để nắm thông tin dạy và học nghề cho người lao động. 

Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm, trung tâm đã nhận và trả quyết định cho 96 trường hợp có quyết định hỗ trợ học nghề, trong đó có 81 người học nghề kỹ thuật chế biến món ăn, 15 người học nghề trang điểm nghệ thuật. Hiện nay, trung tâm đang phối hợp với Trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội giám sát 121 người thất nghiệp tham gia học nghề. Mặc dù người lao động xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng gấp đôi, gấp ba các năm trước, nhưng nhu cầu học nghề của họ giai đoạn này không cao. Nguyên nhân là do người lao động chưa sẵn sàng chủ động tham gia thị trường lao động sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

Hơn nữa, do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên thị trường lao động Hà Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 có nhiều biến động. Không ít doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành gặp nhiều khó khăn như: dịch vụ ăn uống, du lịch và các ngành vận tải, dệt may, giày da, công nghiệp chế biến, xây dựng… ảnh hưởng đến việc làm của hàng vạn lao động. Dù vậy, người lao động đi tìm kiếm việc làm mới vẫn kén nghề, chọn việc, chưa năng động trong việc tự tìm kiếm, khai thác thông tin về thị trường lao động. Chất lượng lao động không đồng đều, nhiều lao động chưa có tay nghề nhưng lại đòi hỏi mức lương cao, không làm ca đêm, không làm xa nhà... Đây chính là nguyên nhân làm cho việc triển khai tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa đạt hiệu quả cao. 

"Chỉ có học nghề mới không bị thất nghiệp trong hoàn cảnh này!", ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh khẳng định. Nhưng, những lao động thất nghiệp lại chủ yếu là lao động phổ thông, đa số không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới với mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế. Hơn nữa, phần chính sách của bảo hiểm thất nghiệp chỉ hỗ trợ chi phí học nghề mà chưa hỗ trợ các chi phí khác nên người lao động gặp khó khăn khi bản thân phải tự trang trải nhiều khoản chi khác cho cuộc sống trong thời gian học nghề.

Trong tình hình mới, nhiều nghề trong danh mục đào tạo không phù hợp với thực tiễn nên người lao động khó có thể theo học để bảo đảm có nghề, có thu nhập. Thí dụ: nghề nấu ăn, nghề làm đẹp… Trong số những ngành nghề bị tác động bởi Covid-19 nhiều nhất thời gian qua chính là dịch vụ ăn uống, du lịch, làm đẹp, nên nếu học những nghề này, người lao động khó kiếm việc làm ngay thời điểm này.

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy