Lao động thời vụ chật vật tìm việc làm

Mặc dù, chưa có con số thống kê chính xác về số lao động thời vụ đang có nhu cầu việc làm trên địa bàn hiện nay, tuy nhiên, lao động thời vụ gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm thời gian qua rất rõ. Bởi những lao động nông thôn độ tuổi ngoài 50 chỉ có thể làm những công việc ở các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ mang tính chất thời vụ. Khi hết việc họ cũng phải đi tìm việc khác, công việc không liên tục ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.

Không có bằng cấp, không thuộc độ tuổi mà các doanh nghiệp trong các cụm, KCN cần tuyển dụng, ông Chu Văn Tới, Thôn 1, xã Bối Cầu, huyện Bình Lục hơn một năm nay thường xuyên ở nhà. Trước đây, nghề chính của ông là làm thợ xây, nhưng công việc cũng không đều đặn. Giờ xin việc ở những tổ nhóm xây dựng với tình trạng sức khỏe như ông không phải chuyện dễ.

Ông Tới cho biết: “Năm nay tôi mới ngoài 50 tuổi, xách vữa, phu hồ hay làm thợ xây cũng vẫn có thể được, nhưng hay ốm đau nên nghỉ nhiều ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Vì thế anh em cũng ngại nhận mình”. Vài lần làm hồ sơ xin việc ở công ty, nhưng cũng không được nhận do khả năng giao tiếp và năng lực chuyên môn không có, ông Tới đành quay về trông nom nhà cửa cho vợ con.

Với chị Nguyễn Thị Hằng, Thôn 3, xã Hưng Công, huyện Bình Lục, vốn là giáo viên tiểu học, do hợp đồng nhiều năm, lương thấp, chị quyết định bỏ việc ở nhà làm nghề buôn bán tự do. Tuy nhiên, mấy năm qua, dịch bệnh bùng phát, việc buôn bán chậm lại, chị Hằng xoay xở đủ nghề. Thế nhưng, điều kiện làm ăn ở khu vực nông thôn vẫn khó khăn. Xin việc làm trong công ty thì chị không muốn do muốn dành thời gian chăm sóc con cái, vun vén gia đình khi chồng đi làm xa. Chị Hằng nói: “Buôn bán hàng tạp hóa ở quê cũng vẫn được, nhưng nợ nhiều thành thử vốn đọng. Làm thời vụ cho công ty lương rất thấp, so với những người làm việc chính thức, mình chỉ được trả khoảng 70 - 80%, lại không có chế độ gì nên chẳng muốn xin việc ở đó”.

Lao động thời vụ chật vật tìm việc làm
Lao động thời vụ làm việc tại cơ sở sản xuất hương ở xã Vũ Bản (Bình Lục).

Ở thành phố, việc làm thời vụ nhiều, nhưng không ổn định. Chị Trần Thị Lan Anh, Phường Trần Hưng Đạo, TP Phủ Lý cho biết: Hai vợ chồng chị làm thuê cho một cửa hàng kinh doanh nông sản ngoài chợ. Không ký hợp đồng, không ràng buộc nhau về các thủ tục pháp lý. Xong việc trả tiền. Thế nhưng, việc làm đối với vợ chồng chị quá bấp bênh, không ổn định. Chị Trần Thị Lan Anh chia sẻ: “Những tháng đầu năm 2022, dịch bệnh bùng phát mạnh, cả nhà tôi mắc Covid-19, công việc ngừng trệ, thu nhập không có, đời sống rất khó khăn. Khi hết dịch, đi đến chỗ làm cũ thì người ta đã thuê lao động mới rồi. Mình phải đi kiếm việc khác, nhưng rất khó vì làm gì cũng cần có thời gian để quen việc, quen môi trường”. 

Theo thống kê, đến cuối tháng 7/2022, toàn thành phố có trên 26.000 lao động tự do bị mắc Covid-19. Trong số đó, tỷ lệ người làm việc thời vụ chiếm quá nửa. Dịch bệnh khiến cho lao động thời vụ tìm kiếm việc làm khó khăn. Hiện tại, khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm của lao động thời vụ chính là tâm lý kén chọn việc làm, thu nhập và những vấn đề liên quan đến sức khỏe…

Tại hội nghị sơ kết công tác hội 6 tháng đầu năm 2022 của Hội Nông dân tỉnh, lãnh đạo hội nông dân các huyện, thị xã, thành phố đã nêu những khó khăn trong tìm kiếm việc làm đối với lao động nông thôn thời gian qua, nhất là với lao động thời vụ. Hầu hết đối tượng này đều ở độ tuổi trên 50, việc xin làm ở các công ty hay doanh nghiệp là khó do chân tay chậm, mắt kém. Hơn nữa, nhiều lao động không thể đi xa làm việc do tuổi đã cao.

Mặc dù, chưa có con số thống kê chính xác về số lao động thời vụ đang có nhu cầu việc làm trên địa bàn hiện nay, tuy nhiên, lao động thời vụ gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm thời gian qua rất rõ. Bởi những lao động nông thôn độ tuổi ngoài 50 chỉ có thể làm những công việc ở các làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ mang tính chất thời vụ. Khi hết việc họ cũng phải đi tìm việc khác, công việc không liên tục ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho trên 15.000 lao động, giải quyết việc làm thêm cho gần 17.000 người. Số được giải quyết việc làm thêm là những lao động thời vụ, làm việc trong những làng nghề, những khu vực kinh doanh dịch vụ. Người lao động chỉ coi công việc thời vụ là việc làm thêm, tạo thu nhập ngoài làm ruộng. Do những tác động của dịch bệnh, thị trường, sản xuất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, việc làm cho đối tượng lao động thời vụ cũng khó khăn hơn. 

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.