kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Khó khăn trong công tác cai nghiện

Khó khăn trong công tác cai nghiện

Nhiều năm qua, việc tiếp nhận học viên cai nghiện đối với Trung tâm Điều trị nghiện ma túy và Phục hồi chức năng tâm thần Hà Nam (TT ĐTNMT & PHCNTT) luôn gặp khó khăn, không hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao. Đâu là nguyên nhân, thực tế đã có câu trả lời nhưng giải pháp tháo gỡ những khó khăn đó vẫn còn nhiều bất cập.

Thủ tục rườm rà

Theo TT ĐTNMT & PHCNTT Hà Nam, trong 3 năm từ 2014 đến hết năm 2016, cả huyện Bình Lục không có một đối tượng nào được đưa đến trung tâm cai nghiện. Không phải vì Bình Lục không có người nghiện ma túy mà việc tổ chức đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện theo quy định của pháp luật hiện hành tạo nên những khó khăn, trở ngại.

Thực tế, không có con số chính xác tuyệt đối về số lượng người mắc nghiện ma túy hiện nay trên địa bàn, số người nghiện chưa được phát hiện hoặc chưa có đủ tài liệu chứng minh là nghiện ma túy còn tiềm ẩn, có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc người nghiện không thừa nhận đã sử dụng ma túy, gia đình che giấu tìm mọi cách để khi xét nghiệm kết quả là âm tính với ma túy hoặc không chấp nhận đi xét nghiệm.

Theo ông Hoàng Ngọc Ánh, Trưởng khoa Điều trị nghiện ma túy bắt buộc, TT ĐTNMT & PHCNTT, trò chuyện với học viên là cách để hồi hướng tinh thần, nhận thức và ổn định tâm lý, giúp họ vượt qua.

Ông Hoàng Ngọc Ánh, Trưởng khoa Điều trị nghiện ma túy bắt buộc, TT ĐTNMT & PHCNTT cho biết: Đây là kết quả của việc thực hiện quy định của một số văn bản như Nghị định 111/2013/NĐ-CP, Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP, khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, công an cấp xã, phường phải lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trưởng phòng tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ.

Kết quả kiểm tra phải được thể hiện bằng văn bản gửi trưởng phòng lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH). Trong thời gian 7 ngày, trường hợp hồ sơ đầy đủ, trưởng phòng LĐ-TB&XH gửi hồ sơ cho tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện. Trong thời hạn 5 ngày từ ngày nhận được quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của tòa án, công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với phòng LĐ-TB&XH đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Nhiều trường hợp biết  là nghiện ma túy, nhưng áp dụng quy định của Nghị định 111/2013/NĐ-CP, cơ quan công an thật khó mà xác định chính xác đối tượng là nghiện.

Chia sẻ về thực tế này, ông Hoàng Ngọc Ánh cho biết thêm: Việc xác định tình trạng nghiện của đối tượng do các trạm y tế xã, phường, thị trấn đảm nhiệm. Trong khi trình độ chuyên môn, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác xét nghiệm ma túy không phải trạm y tế nào cũng đủ khả năng.

Nghị định quy định “thẩm quyền xét nghiệm phải là y, bác sỹ có chứng chỉ hành nghề và phải qua khóa tập huấn. Điều đáng nói, hầu hết người sử dụng ma túy hiện nay cùng lúc sử dụng tổng hợp nhiều loại ma túy, trong đó có ma túy tổng hợp dạng amphetamine. Với loại này, trong vòng 3 ngày, người sử dụng không có biểu hiện lâm sàng về hội chứng cai. Có một số trường hợp lúc đầu xét nghiệm nước tiểu dương tính với ma túy, nhưng khi đưa vào trung tâm sau 24 giờ, xét nghiệm lại nước tiểu lại có kết quả âm tính với ma túy nên không đủ điều kiện để xác nhận họ là người nghiện.

Việc xác định người nghiện ma túy theo quy định tại Quyết định 5075/QĐ – BYT, QĐ 3556/QĐ-BYT và Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT–BYT-BLĐTBXH-BCA cũng bộc lộ nhiều vướng mắc, bởi việc làm này chỉ được thực hiện khi đối tượng tự giác khai báo tình trạng nghiện, song bản thân người nghiện không bao giờ thành thật trong chuyện khai báo, họ luôn che giấu các triệu chứng lâm sàng, gây khó khăn cho lực lượng nắm bắt tình hình.

Liên tục không đạt chỉ tiêu

TT ĐTNMT & PHCNTT Hà Nam có vị trí cách xa khu dân cư, xung quanh là đồi núi thuận lợi cho việc phòng ngừa, ngăn chặn việc thẩm lậu các chất gây nghiện vào trung tâm, hạn chế tình trạng học viên bỏ trốn gây mất trật tự an ninh xã hội; cơ sở vật chất, trang thiết bị được Nhà nước đầu tư tương đối đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện cho việc quản lý, giáo dục học viên. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để trung tâm thực hiện nhiệm vụ được giao, tuy nhiên, khó khăn vẫn chồng chất khó khăn.

Nhiều năm liền, số học viên vào trung tâm thực hiện cai nghiện không đạt chỉ tiêu. Theo lãnh đạo trung tâm, đội ngũ cán bộ mặc dù tâm huyết với nghề, nhưng trình độ chuyên môn được đào tạo từ nhiều trường khác nhau, chưa có cơ sở đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý, giáo dục người nghiện ma túy. Việc quản lý nhóm đối tượng vô cùng phức tạp. Đối tượng cai nghiện tại trung tâm có tiền án, tiền sự chiếm trên 90%. Tỷ lệ đối tượng nhiễm HIV/AIDS chiếm từ 7-9%, mắc bệnh lao từ 9-10% và một số bệnh lây nhiễm khác. Không ít đối tượng có biểu hiện bất mãn, chống đối, luôn tìm cách bỏ trốn khỏi trung tâm, gây áp lực cho cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Và, điều đáng lo ngại nhất, gây khó khăn cho công tác cai nghiện là đối tượng sử dụng nhiều loại chất gây nghiện tổng hợp mới, trong khi trung tâm vẫn sử dụng những pháp đồ điều trị cũ do Bộ Y tế ban hành nên gặp khó trong cắt cơn và quản lý đối tượng.

Năm 2019, tỉnh giao chỉ tiêu cho trung tâm tiếp nhận cai nghiện cho 180 học viên, trong đó có 80 học viên bắt buộc, 100 học viên tự nguyện. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trung tâm mới chỉ tiếp nhận được 35 học viên, trong đó có 18 học viên bắt buộc (đạt 22% chỉ tiêu), 17 học viên tự nguyện (đạt 17% chỉ tiêu). Như vậy, tổng số học viên đang được quản lý tại trung tâm là 98 người, trong đó có 89 học viên bắt buộc, 9 học viên tự nguyện.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trung tâm vẫn nỗ lực làm tốt công tác điều trị cắt cơn, giải độc và chăm sóc sức khỏe cho học viên. Học viên Vũ Minh Toàn (Nam Định) là một trong số ít học viên tự nguyện đến trung tâm, có thời gian cai liên tục 4 năm cho biết: Bản thân sử dụng nhiều loại ma túy, lại bị nhiễm HIV nhưng vào trung tâm, em được cán bộ, nhân viên ở đây chăm sóc, điều trị tận tình.

Cũng như các học viên khác, khi vào đây đều được kiểm tra sức khỏe ban đầu, lập bệnh án điều trị, điều trị cắt cơn giải độc, điều trị các bệnh cơ hội và bệnh thông thường theo phác đồ ATK. Trung tâm vừa tổ chức các hoạt động lao động trị liệu, vừa lao động sản xuất cho 100% học viên bao gồm những công việc như may bao bì, chăn nuôi, trồng  rau, chăm sóc vườn keo, làm vệ sinh xung quanh đơn vị, nấu ăn tại bếp tập thể để rèn luyện sức khỏe, nâng cao ý thức tự giác làm việc cho mỗi học viên trong cuộc sống hằng ngày…

Giang Nam

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy