Thực hiện sự chỉ đạo của ngành về việc triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, những năm học qua, các trường mầm non trên địa bàn Hà Nam đã tích cực tổ chức thực hiện chuyên đề ở tất cả các nhóm, lớp.
Trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện có 119 trường mầm non (gồm 113 trường công lập và 6 trường tư thục); tỉ lệ giáo viên mầm non đạt mức 1,88 giáo viên/lớp; cơ sở vật chất và hệ thống trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong các nhà trường được mua sắm, bổ sung từng bước đáp ứng yêu cầu dạy học, chăm sóc trẻ theo mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm.
Các nhà trường đã chủ động khai thác, phát huy các yếu tố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ để thực hiện các mục tiêu xây dựng trường mầm non bảo đảm các yêu cầu về môi trường giáo dục, hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Khi đưa chuyên đề vào áp dụng thực tiễn, cán bộ, giáo viên cấp học đã có thêm điều kiện thực hiện việc giáo dục với nhiều nội dung, phương pháp mới, góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi đáng kể môi trường giáo dục, tạo sự chủ động hơn cho đơn vị trong xây dựng kế hoạch giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ.
Tại các trường mầm non đã xây dựng được môi trường giáo dục tích cực cả trong và ngoài lớp học, trẻ được học mà chơi, chơi mà học. Ở đây, vai trò tổ chức thực hiện của người giáo viên được đặt lên hàng đầu. Lãnh đạo các nhà trường đã thường xuyên có sự kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức lớp học, phát hiện và khuyến khích tăng cường khả năng cá nhân của trẻ… đối với giáo viên. Đồng thời, tích cực cử giáo viên theo học các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về cả kiến thức, phương pháp cũng như vận dụng thực tế các quan điểm lấy trẻ làm trung tâm. Qua đó, nhiều giáo viên đã thể hiện tốt năng lực và sự sáng tạo cao trong việc tự thiết kế nội dung bài giảng, xây dựng kế hoạch công tác.
Tại các nhóm, lớp, giáo viên đã tạo dựng được môi trường lớp học thân thiện với nhiều màu sắc sinh động, trẻ được tham gia và tự khám phá khi hoạt động ở các góc hoạt động như: góc phân vai, góc xây dựng, góc sách truyện, góc thiên nhiên…
Từ nhận thức đúng, các trường mầm non đã thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả chuyên đề này trong thực tế. Xác định rõ, môi trường giáo dục mầm non lấy trẻ làm trung tâm có ý nghĩa rất lớn khi tạo ra cho trẻ một môi trường học tập tích cực, trẻ được tham gia cùng giáo viên trong mọi hoạt động giáo dục dựa trên nhu cầu, sự hứng thú cũng như khả năng của trẻ… các nhà trường đã tạo điều kiện để mọi giáo viên chủ động, tích cực tham gia. Qua đó, đội ngũ giáo viên mầm non đã tự xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy cá nhân và công phu mày mò tìm tòi, sáng tạo các nội dung về môi trường vật chất trong lớp học như: tạo lập các góc hoạt động mang tính mở, khuyến khích trẻ lựa chọn, trải nghiệm và hoạt động theo nhiều cách khác nhau, trang trí lớp học thân thiện, linh hoạt, đa dạng các loại đồ dùng, đồ chơi, các nguyên vật liệu thân thiện cho trẻ chơi và hoạt động sáng tạo.
Bên cạnh đó, khi tham gia vào mô hình trường học lấy trẻ làm trung tâm cũng tạo không khí giao tiếp tích cực giữa cô giáo với trẻ và ngược lại; có sự đối xử công bằng trong giáo dục; tại lớp học không có tai nạn, thương tích đối với trẻ; có sự trao đổi thường xuyên giữa giáo viên với gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ theo phương pháp lấy trẻ làm trung tâm. Theo chia sẻ của các giáo viên, qua đây đã tạo thêm cơ hội để giáo viên được tìm hiểu, học hỏi và áp dụng các biện pháp chăm sóc, giáo dục trẻ tích cực cả về cách thức, phương pháp tổ chức phù hợp, hiệu quả với từng lớp học, từng độ tuổi của trẻ, hướng tới yêu cầu xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ngay từ trong các nhóm, lớp.
Qua thực tế triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, môi trường giáo dục tại các trường mầm non đã có nhiều đổi thay đáng kể. Trong các trường học, trẻ không chỉ được dạy dỗ, chăm sóc theo đúng quy định mà còn được khuyến khích, hỗ trợ sáng tạo, các trẻ có những thiếu hụt về thể chất hay có hoàn cảnh gia đình khó khăn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Về phía giáo viên, phương pháp dạy học cũng thay đổi, chuyển nhanh sang tư duy tổ chức các hoạt động, điều khiển và hỗ trợ trẻ đúng lúc, không làm thay trẻ, tăng cường sự tương tác với trẻ và giữa trẻ với nhau, giúp trẻ chủ động tham gia vào mọi hoạt động, bảo đảm tính phù hợp về nhu cầu, năng khiếu cá nhân.
Để thực hiện có hiệu quả chuyên đề, nhiều trường đã có sự đầu tư xây dựng các khu vực cho trẻ hoạt động vui chơi, sinh hoạt, học tập ngoài trời. Phần lớn các trường đã bố trí được sân tập thể dục, khu vui chơi thể thao, khu vực chơi với đồ chơi ngoài trời, khu vực cho trẻ giao lưu với thiên nhiên… giúp cho trẻ có cơ hội được phát triển một cách toàn diện cả về thể chất và trí tuệ.
Thực hiện đổi mới hoạt động chăm sóc giáo dục, trong năm học 2022 - 2023, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả Chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" giai đoạn 2. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề; đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động chuyên đề; ngành giáo dục chỉ đạo 100% các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ, đồng thời tăng cường chỉ đạo xây dựng các mô hình góc chơi “Lấy trẻ làm trung tâm”; đẩy mạnh việc xây dựng và tổ chức hoạt động cho trẻ học bằng chơi, bằng trải nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN trong các nhà trường.
Thanh Hà