Từ “Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo” đến “Ngày Nhà giáo Việt Nam”

Năm 2022, cùng với giáo giới trên toàn thế giới vui mừng kỷ niệm 64 năm “Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” (20/11/1958 - 20/11/2022), giáo giới Việt Nam còn tưng bừng kỷ niệm tròn 40 năm “Ngày Nhà giáo Việt Nam” (20/11/1982 - 20/11/2022). Từ “Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo” đến “Ngày Nhà giáo Việt Nam”, quá trình ra đời, duy trì, phát triển, dù có những thay đổi về tên gọi, cũng như phạm vi đề cập thì ngày 20 tháng 11 hằng năm luôn tròn đầy ý nghĩa là ngày hội tôn vinh, tri ân của toàn xã hội đối với đội ngũ những người thầy đáng kính.

Quá trình xuất hiện ý tưởng, hình thành, dẫn đến ra đời “Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo” có khá nhiều thông tin thú vị. Theo đó, tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế của các nhà giáo đã được thành lập tại Paris (Thủ đô Cộng hòa Pháp) lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (viết tắt là FISE). Tiếp sau đó, năm 1949, tại một hội nghị tổ chức ở Warszawa (Thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE) đã chính thức đưa ra bản "Hiến chương các nhà giáo" (gồm 15 chương) với nội dung chủ yếu là kêu gọi mọi người cùng tham gia đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, cùng tham gia chung tay xây dựng, phát triển nền giáo dục tiến bộ, trong đó bảo vệ những quyền lợi chính đáng của nhà giáo và nghề dạy học; đề cao vị trí, trách nhiệm của nhà giáo và nghề dạy học trong xã hội. Với Việt Nam, năm 1953, Công đoàn Giáo dục Việt Nam chính thức gia nhập Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE).

Từ “Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo” đến “Ngày Nhà giáo Việt Nam”
Ngày 20/11 là ngày tri ân thầy, cô giáo. Ảnh: T.S

Sau đó 4 năm, trong một hội nghị diễn ra từ ngày 26 đến 30/8/1957 (cũng tổ chức tại Warszawa, Thủ đô Ba Lan) với sự có mặt của đại biểu 57 quốc gia tham dự, Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE) đã quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm, bắt đầu từ năm 1958 là “Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Và ngày 20/11/1958, cùng với nhiều nước trên thế giới, lần đầu tiên “Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên phạm vi toàn miền Bắc ở Việt Nam. Những năm sau đó, “Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo" còn được tổ chức tại nhiều vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, từ đây “Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo” 20 tháng 11 hằng năm trở thành ngày truyền thống của toàn ngành giáo dục Việt Nam.

Bước sang thời kỳ nhân dân cả nước bắt tay vào tiến trình hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, với ý nghĩa tích cực của “Ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo”, thể theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4/1982), kiến nghị của Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng cục Dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em Việt Nam… ngày 26/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Quyết định số 167-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng nêu rõ: “Từ nay, hằng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam”.

Đồng thời, nhấn mạnh: “Để ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa thiết thực, hằng năm, từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình, kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực, làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên, cần có những hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay, từ đó mà ra sức phấn đấu làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình”. Quyết định số 167-HĐBT cũng chỉ rõ: “Việc tổ chức ngày 20 tháng 11 hằng năm do Ủy ban nhân dân và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc gặp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích. Việc tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh”; “Trong ngày 20 tháng 11 các trường có thể sắp xếp lại việc học tập và giảng dạy để giáo viên được nghỉ và tham gia các sinh hoạt của trường và địa phương”…

Quyết định số 167-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta về vị trí, vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, xây dựng lớp người mới đáp ứng nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có bề dầy về lịch sử văn hiến và truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo”. Thực hiện Quyết định số 167-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, từ năm 1982 đến nay, trải qua 40 năm, “Ngày Nhà giáo Việt Nam”- Ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam đã chính thức trở thành dịp để các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội tổ chức các hoạt động tôn vinh, tri ân đội ngũ những người đang trực tiếp cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của đất nước. “Ngày Nhà giáo Việt Nam” 20 tháng 11 hằng năm cũng là dịp để các thế hệ học sinh, sinh viên, học viên thể hiện tình cảm thành kính, biết ơn và tri ân sâu sắc đối với công lao của các thầy giáo, cô giáo, những người đã và đang lặng thầm “chèo lái con thuyền tri thức”, bồi đắp kiến thức, niềm tin và khát vọng cho những chủ nhân tương lai của đất nước.

Cùng với việc khẳng định, tôn vinh vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ các nhà giáo, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, cũng như phát triển nguồn nhân lực của đội ngũ những người thầy. Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đã thu được những kết quả vượt trội, rất đáng phấn khởi. Đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục phát triển nhanh về số lượng, hợp lý về cơ cấu và phân bố khá đồng đều, toàn diện trong tất cả các cấp học, bậc học, ngành học với gần 1,5 triệu người (trong đó, cán bộ quản lý giáo dục chiếm tỷ lệ 11%; giáo dục mầm non 18%; giáo dục phổ thông và thường xuyên 66%; giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề… 7%). Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, giảng viên hùng hậu về số lượng, với chất lượng ngày càng được cải thiện đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và phát triển đất nước. Cơ chế, chính sách đối với đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục qua mỗi giai đoạn, thời kỳ phát triển cũng từng bước được bổ sung, hoàn thiện, góp phần hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, động viên, khuyến khích những người thầy yên tâm, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của nước nhà cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy