Theo dự kiến, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ được tổ chức vào khoảng cuối tháng 6. Như vậy, thời gian dành cho học sinh lớp 12 hiện không còn nhiều nên các nhà trường đang tích cực thực hiện kế hoạch ôn tập cũng như tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh… giúp học sinh lớp 12 có đủ thông tin về ngành nghề và có sự lựa chọn tổ hợp môn thi, khối thi, trường một cách phù hợp nhất với năng lực, nhu cầu cá nhân và điều kiện gia đình.
Năm học 2023 - 2024, Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Lục) có 6 lớp 12, với 236 học sinh. Theo thầy giáo Nguyễn Đức Thiện, Hiệu trưởng nhà trường, qua khảo sát sơ bộ cho thấy, thời điểm này có tới 157 học sinh lớp 12 có nguyện vọng đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (chiếm trên 66,5%) và 79 học sinh có nguyện vọng đăng ký bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên. Đây là thời gian “vàng” để nhà trường đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12. Căn cứ vào điểm kiểm tra cuối học kỳ I và điểm khảo sát, quá trình học tập của học sinh và xu hướng đăng ký bài thi tốt nghiệp THPT năm 2024, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tư vấn, định hướng nghề nghiệp giúp học sinh tự tham khảo các trường có nhóm ngành đào tạo hoặc lựa chọn đăng ký xét tuyển vào trường đại học phù hợp năng lực, sở trường của mình.
Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh được Trường THPT Nguyễn Khuyến thực hiện với nhiều hình thức, như: lồng ghép hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh toàn trường, trọng tâm là học sinh lớp 12 trong các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần; lồng ghép trong tiết sinh hoạt lớp; thành lập tổ tư vấn hỗ trợ học sinh định hướng, lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai; duy trì chuyên mục tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ học sinh trên website của trường; liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề thực hiện tư vấn, hướng nghiệp… Các hình thức tư vấn, hướng nghiệp luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh.
Ở các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, các đơn vị dạy nghề có học sinh lớp 12 vừa học văn hóa, vừa học nghề đều có chung quan điểm thời gian này chính là giai đoạn “vàng” để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Do đó, có bất kỳ thông tin liên quan đến tuyển sinh, các nhà trường cập nhật và phổ biến ngay để học sinh được tiếp cận sớm có cơ sở lựa chọn ngành nghề đúng và trúng. Do có sự chủ động xây dựng kế hoạch từ đầu năm học, xác định được mốc thời gian cần tập trung cao điểm tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh nên hoạt động này trong các nhà trường diễn ra nền nếp, có chất lượng, mang tới cho học sinh và cha mẹ học sinh nhiều thông tin quan trọng về tuyển sinh, ngành nghề.
Cùng với đó, các nhà trường còn quan tâm triển khai tốt chủ trương lồng ghép, tích hợp hoạt động giáo dục hướng nghiệp vào các môn học, hoạt động giáo dục tại nhà trường; tích cực đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp phù hợp tình hình thực tế. Theo đặc điểm từng môn học, giáo viên bộ môn đã chú trọng lồng ghép nội dung hướng nghiệp giúp học sinh nhận thức đầy đủ, toàn diện về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc lựa chọn nghề nghiệp; chủ động tìm hiểu về thị trường lao động, xác định được hướng đi nghề nghiệp tương lai phù hợp với năng khiếu, khả năng, sở thích và điều kiện học sinh; xác định được hướng phát triển phù hợp của bản thân sau khi ra trường… Các nhà trường giao nhiệm vụ để giáo viên được phân công giảng dạy giáo dục hướng nghiệp đầu tư chuyên môn một cách nghiêm túc, bảo đảm đúng giáo án, chương trình; đồng thời, tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến công tác hướng nghiệp để bổ trợ kiến thức cho học sinh, góp phần giúp các em xác định đúng đắn hướng đi trong tương lai. Trong quá trình trực tiếp tư vấn cho học sinh, đội ngũ giáo viên các nhà trường đã giúp học sinh cảm nhận bước đầu về ngành, trường học; tạo ra các kênh tham khảo hữu ích, giúp học sinh có thêm nguồn tư liệu, cơ sở để lựa chọn ngành, trường học phù hợp.
Với mục tiêu hỗ trợ tối đa để học sinh có thể tiếp cận với nhiều thông tin mới về ngành nghề, nhu cầu thị trường, một số nhà trường còn mời cán bộ, giảng viên đại học nói chuyện, trao đổi với học sinh; tổ chức cho học sinh lớp 12 đi trải nghiệm thực tế tại một số cơ sở giáo dục đại học… giúp học sinh hình dung rõ hơn các ngành đào tạo và có sự so sánh về phương pháp học của sinh viên, có cơ hội được giải đáp cặn kẽ về những vấn đề liên quan, điểm cần lưu ý trong mùa tuyển sinh năm nay; cơ hội, tiêu chuẩn đầu vào, việc làm của một số ngành học; chỉ tiêu, ngành nghề mình chọn, phương thức tuyển sinh...
Em Lê Quang Minh, học sinh Trường THPT chuyên Biên Hòa cho biết: Vừa qua, nhà trường đã tổ chức cho học sinh lớp 12 chúng em có chuyến trải nghiệm hướng nghiệp tại một số trường đại học. Cá nhân em nhận thấy, đây là chuyến đi hữu ích không chỉ giúp chúng em được tham quan, tìm hiểu cách dạy, cách học ở đại học, mà còn được tư vấn, định hướng việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với khối thi mà chúng em đang theo học. Sắp tới, nhà trường còn tổ chức các đợt thi thử nhằm tạo điều kiện cho học sinh lớp 12 được cọ xát, làm quen với phương thức thi, cách làm bài thi, chuẩn bị một cách tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và kỳ tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2024.
Kinh nghiệm của hầu hết các nhà trường là hướng nghiệp học sinh từ sớm; tổ chức lớp học theo nguyện vọng môn học của học sinh ngay sau khi trúng tuyển vào trường THPT; tổ chức tư vấn hướng nghiệp đồng thời cho cả cha mẹ học sinh và học sinh để giúp người học, gia đình có sự lựa chọn môn học phù hợp với năng lực, sở thích bản thân. Song song với đó, vào đầu và cuối năm học, các trường tổ chức tư vấn, định hướng thông qua các cuộc họp phụ huynh.
Thanh Hà