Thời gian qua, ngành Giáo dục trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thực hiện mô hình thư viện điện tử ở các cấp học nhằm chuyên nghiệp hóa hơn nữa hoạt động của thư viện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; hỗ trợ việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các thư viện trong nhóm liên thông và giữa các thư viện với nhau. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện mô hình đã, đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội và cộng đồng.
Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng là một trong hai trường tiểu học của tỉnh nhận được hỗ trợ từ Quỹ Hy vọng các thiết bị phục vụ mục tiêu xây dựng và hoạt động thư viện điện tử, gồm: 15 bộ máy tính bảng và tai nghe; 30 tài khoản học trực tuyến trên nền tảng Vuihoc.vn môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); các tài khoản học tiếng Anh trực tuyến trên nền tảng Vuihoc Station... Cô giáo Dương Thị Minh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Hóa chia sẻ: Mặc dù Trường Tiểu học Đồng Hóa được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, có phòng thư viện đáp ứng tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia nhưng để xây dựng thư viện điện tử đối với nhà trường còn gặp nhiều khó khăn không chỉ về kinh phí mà còn là nền tảng kỹ thuật, công nghệ và thiết bị. Khi được tài trợ một số thiết bị phục vụ mục tiêu xây dựng thư viện điện tử. Hiện nay, nhà trường đã chủ động kết hợp hoạt động giữa mô hình thư viện điện tử, thư viện truyền thống và thư viện xanh nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu đọc, tiếp cận thông tin, nghiên cứu, học tập, khai thác tài liệu của học sinh, giáo viên. Qua đó, giúp nhà trường bắt nhịp kịp thời quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, giải quyết hiệu quả công việc tra cứu, lưu trữ, quản lý tài liệu trong trường học thay thế giấy tờ, sổ sách và nâng cao hiệu quả giáo dục.
Trường Tiểu học Liêm Chính (thành phố Phủ Lý) cũng được Quỹ Hy vọng tài trợ 15 bộ máy tính bảng và tai nghe; 30 tài khoản học trực tuyến trên nền tảng Vuihoc.vn môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh; các tài khoản học tiếng Anh trực tuyến trên nền tảng Vuihoc Station... đưa thư viện trở thành điểm đến yêu thích của học sinh và giáo viên nhà trường. Đây là ngôi trường được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại; phòng thư viện nhà trường được thiết kế đạt chuẩn thư viện xuất sắc và càng trở nên tiện ích hơn khi được trang bị các thiết bị phục vụ hoạt động của thư viện điện tử. Trong năm học 2023-2024, thư viện nhà trường đã phục vụ hàng nghìn lượt học sinh, giáo viên tra cứu, khai thác các nền tảng trực tuyến để học tập, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực dạy và học, thúc đẩy trao đổi thông tin giữa học sinh với giáo viên, giữa giáo viên với phụ huynh...
Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT, do kinh phí còn hạn chế nên việc thực hiện phát triển mô hình thư viện điện tử đến nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Để từng bước xây dựng và phát triển hệ thống thư viện điện tử bảo đảm chất lượng, Sở GD&ĐT đã có tờ trình với UBND tỉnh xin chủ trương cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin phần mềm quản lý thư viện điện tử tại các trường THPT và THCS trên địa bàn tỉnh, nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thư viện; triển khai hệ thống thư viện điện tử, bao gồm phần mềm quản trị thư viện và cơ sở dữ liệu số hóa sách, tài nguyên phục vụ dạy học tại các trường THPT, THCS trên địa bàn. Đồng thời, triển khai kết nối liên thông kho học liệu số, chia sẻ tài nguyên số hóa giữa các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Ngày 26/10/2023, UBND tỉnh đã có Công văn số 2088-CV/UBND-VXNV cho phép Sở GD&ĐT thuê dịch vụ công nghệ thông tin Phần mềm quản lý thư viện điện tử tại các trường THPT, THCS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu phần mềm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ và quy định của Bộ GD&ĐT; bảo đảm an toàn bảo mật thông tin theo các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và các văn bản khác có liên quan; sẵn sàng kết nối, chia sẻ với hệ thống thông tin khác khi có yêu cầu...
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, hiện nay hầu hết cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều có nhận thức đúng và chú trọng xây dựng thư viện điện tử, bao gồm phần mềm quản trị thư viện, cơ sở dữ liệu số hóa sách, tài liệu phục vụ dạy học; kết nối liên thông với các kho học liệu số, chia sẻ tài liệu số hóa giữa các cơ sở giáo dục... góp phần giúp cho ngành giáo dục triển khai thực hiện hiệu quả công tác số hóa ở các đơn vị trường học, từng bước khắc phục những hạn chế về không gian, thời gian của thư viện truyền thống; mở rộng đối tượng tiếp cận hệ thống tri thức nhân loại mà không phải tốn nhiều tiền, mất nhiều thời gian tìm kiếm và làm thủ tục mượn sách. Tuy nhiên, ngoài sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, ngành giáo dục và các nhà trường cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng xã hội, các tập thể, cá nhân để phát triển thư viện điện tử trong mỗi cơ sở giáo dục nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay.
Giang Nam