Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 6 vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong năm học 2023- 2024

Chiều 18/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022- 2023; triển khai nhiệm vụ năm học 2023- 2024 với 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Cùng dự có lãnh đạo đại diện các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các cơ quan quản lý giáo dục trung ương và địa phương.

Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 6 vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong năm học 2023 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu trung ương. Ảnh của Trung tâm truyền thông và sự kiện, Bộ GD&ĐT

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có các đồng chí: Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã.

Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 6 vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong năm học 2023 2024
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà Nam.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song ngành giáo dục cả nước đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học 2022- 2023. Theo đó, việc xây dựng, quy hoạch mạng lưới cơ sở GD&ĐT cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tế với số lượng các cơ sở mầm non và hệ thống các trường phổ thông, đại học ổn định, quy mô ngày càng phát triển. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được quan tâm; đội ngũ  cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn của cấp học đạt từ 83,3%- 99,9%, bước đầu đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học.

Việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (GDPT) và giáo dục thường xuyên đạt nhiều kết quả khả quan. Năm học 2022- 2023, tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt khoảng 70,4%, tăng mạnh so với năm học trước; các địa phương thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng trẻ em theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế.

Đối với GDPT, các địa phương đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh, chủ động đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định. Chương trình GDPT 2018 được triển khai nền nếp, tạo bước chuyển tích cực trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến mạnh mẽ; giáo dục mũi nhọn được quan tâm, chăm lo; Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc và an toàn, với tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%, phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương. 100% tỉnh, thành duy trì tốt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tiểu học và THCS. Công tác định hướng phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông có nhiều chuyển biến.

Trên cơ sở triển khai quy hoạch, nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học; tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019- 2025…các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

Tuy nhiên, trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, năm học qua vẫn còn nhiều hạn chế cần được quan tâm khắc phục và giải quyết. Đó là, công tác xây dựng và thực hiện các chính sách về giáo dục còn nhiều bất cập; công tác quy hoạch giáo dục, phát triển đội ngũ còn đặt ra không ít vấn đề như: tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu đất cho xây dựng và mở rộng quy mô trường lớp; công tác phân luồng học sinh, dạy và học ngoại ngữ, phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn; vẫn còn một số vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội…  

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho việc thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trong năm học 2023-2024. Theo đó, toàn ngành sẽ tiếp tục tập trung rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tập trung triển khai các giải pháp và điều kiện tiếp tục triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp, phân luồng trong GDPT; hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD&ĐT; xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, đấu tranh ngăn chặn các vấn đề tiêu cực trong giáo dục.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương những nỗ lực của toàn ngành, các địa phương, và toàn xã hội cho phát triển GD&ĐT trong năm học qua. Đồng thời, chỉ ra 6 vấn đề để ngành giáo dục và các địa phương quan tâm thực hiện trong năm học tới cũng như những giai đoạn tiếp theo: kiên quyết, kiên trì không cho ma túy xâm nhập trường học; khắc phục bằng được tình trạng bạo lực học đường, đảm bảo an toàn trường học; hệ thống sách giáo khoa cần đổi mới nhưng phải đảm bảo chuẩn mực, có sự ổn định và phát triển; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, GDTX; rà soát việc dạy và học môn Giáo dục công dân trong nhà trường; có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, thiếu trường học ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Với các nhiệm vụ phát triển GD&ĐT năm học 2023- 2024, đồng chí Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: toàn ngành giáo dục tiếp tục đổi mới toàn diện giáo dục trên tất cả các mặt công tác; các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu thực hiện tốt việc đảm bảo đủ sách giáo khoa và giáo viên; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới giáo dục; ban hành chiến lực và quy hoạch cho phát triển GD&ĐT từng giai đoạn và phải được gắn với các quy hoạch có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 6 vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong năm học 2023 2024
Các đại biểu theo dõi phần thảo luận tại hội nghị.

Cũng trong năm học mới, Thủ tướng chỉ đạo ngành giáo dục và các địa phương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; tập trung nghiên cứu hoàn thiện chương trình GDPT 2018 phù hợp thực tiễn của giai đoạn mới; xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đãi ngộ cho giáo viên; nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và quan tâm thực hiện công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ toàn ngành, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay và những năm tiếp theo.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy