Thành phố Phủ Lý đẩy mạnh phương pháp dạy học STEM

Cùng với dạy học theo hướng tích hợp, dạy học liên môn, những năm gần đây, việc triển khai thực hiện dạy học theo định hướng giáo dục STEM trong nhà trường được ngành giáo dục TP Phủ Lý coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường triển khai thực hiện giáo dục STEM để hướng tới mục tiêu phát triển năng lực học sinh. 

Đến nay, chỉ riêng cấp trung học cơ sở (THCS), gần 100% trường đã triển khai nền nếp, hiệu quả việc dạy học chủ đề STEM đối với các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ; 100% trường triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và thành lập câu lạc bộ STEM. Mỗi năm học, các trường THCS đã tổ chức dạy được hàng chục chủ đề STEM, tổ chức trên 100 hoạt động trải nghiệm và tạo ra nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật thông qua hoạt động của câu lạc bộ.

Thành phố Phủ Lý đẩy mạnh phương pháp dạy học STEM
Thầy và trò Trường THCS Liêm Chung trải nghiệm, ứng dụng các kiến thức môn học vào thực tế lao động sản xuất tại một cơ sở sản xuất thạch cao trên địa bàn. 

Ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố cho biết: Việc tổ chức thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường không những góp phần đổi mới phương pháp dạy học, mà còn tạo môi trường giáo dục sáng tạo, giúp học sinh được vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Quá trình triển khai đưa giáo dục STEM vào thực tế dạy và học ở các nhà trường trên địa bàn cho thấy các nhà trường đã có sự linh hoạt, chủ động tổ chức nhiều hoạt động giáo dục STEM có tính đa dạng, phù hợp với điều kiện nhà trường và đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của học sinh. Một số trường THCS đã triển khai hiệu quả việc tổ chức dạy học STEM gắn liền mô hình sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Một số đơn vị lại có nhiều sản phẩm STEM đa dạng phong phú, đặc trưng đối với từng bộ môn cũng như sản phẩm liên môn. Đối với cấp tiểu học, giáo dục STEM cũng đang được ngành khuyến khích phát triển thông qua các hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh.

Là một trong các trường học cấp THCS đi đầu trong việc đưa giáo dục STEM vào thực tế, Trường THCS Liêm Chung đã lựa chọn tổ chức dạy học STEM gắn liền với mô hình sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Cô giáo Hoàng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2018 - 2019, theo chỉ đạo và định hướng của Phòng GD&ĐT, nhà trường đã bắt đầu đưa giáo dục STEM vào tổ chức dạy học. Hơn thế, do trên địa bàn có nghề làm thạch cao tương đối phát triển, nhà trường đã lựa chọn tổ chức dạy học STEM gắn với mô hình sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Thời điểm đầu, nhà trường chỉ tổ chức dạy học thí điểm mô hình này ở quy mô 1 lớp học với 20 học sinh tham gia và đã đạt được một số hiệu quả nên nhà trường đã chủ động mở rộng dạy học và tổ chức mô hình đối với toàn bộ học sinh lớp 8. Khi học tập và thực hiện mô hình, học sinh rất hào hứng vì đã được trải nghiệm các hoạt động lao động, sản xuất thực tế; được ứng dụng các kiến thức đã học để làm ra các sản phẩm. Đồng thời, góp phần không nhỏ trong việc thay đổi tư duy trong cách dạy, cách học gắn với thực tiễn và định hướng phân luồng giáo dục cho học sinh THCS. 

Được biết, từ việc dạy học theo định hướng giáo dục STEM, Trường THCS Liêm Chung đã thường xuyên có học sinh đoạt giải trong cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố. Năm học 2021- 2202, phần mềm “Trợ lý ảo tự động yêu cầu quét mã QR để mở cửa, hỗ trợ truy vết phòng, chống dịch Covid-19” do giáo viên và học sinh nhà trường nghiên cứu đã giành giải Ba trong cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh. Đây là một sản phẩm được nghiên cứu trên cơ sở tích hợp kiến thức của các môn học, như: Toán, Tin học, Vật lý, Công nghệ, có giá trị ứng dụng hữu ích trong phòng, chống dịch Covid-19. Từ những hoạt động này giúp nhà trường dễ dàng hơn trong việc đưa phương pháp giáo dục STEM vào giảng dạy.

Từ định hướng đúng, việc dạy học theo phương pháp giáo dục STEM ở hầu hết các trường học trên địa bàn thành phố đã được triển khai thực hiện tích cực, có nhiều hình thức phong phú, mang tới cho giáo viên và học sinh nhiều trải nghiệm hiệu quả. Trong hầu hết hoạt động giáo dục được tổ chức, như: học lý thuyết trên lớp, học thực hành, hoạt động sáng tạo ngoại khóa… yếu tố thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tiễn đã được phát huy tích cực. Qua đó, nhiều học sinh có cơ hội thể hiện ưu thế nổi bật về kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học khả năng sáng tạo, tư duy logic. Đối với đội ngũ giáo viên, trong quá trình giảng dạy đã trở thành người thiết kế hoạt động phù hợp với học sinh, có khả năng tích hợp, lồng ghép các kiến thức có liên quan để học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng, thực hành, tạo ra được những sản phẩm hữu ích. 

Chia sẻ về việc dạy học theo chủ đề giáo dục STEM, cô giáo Trần Thị Thêm, giáo viên Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Liêm Chung cho rằng: Việc đưa giáo dục STEM vào trong quá trình giảng dạy cơ bản đều phải được tổ chức thông qua cách giảng dạy tích hợp, liên môn nên chỉ cần giáo viên có sự chủ động, sáng tạo trong giảng dạy, tổ chức được các hoạt động giáo dục có tính ứng dụng, thực hành cho học sinh tham gia. Việc dạy và học STEM trên thực tế là một cách học tổng hòa nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, vừa giúp học sinh có thái độ học tập tích cực, vừa có thể tạo ra khá nhiều tác dụng tích cực tới việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Một điểm mạnh khi áp dụng STEM vào giảng dạy là giáo viên đã trao quyền chủ động tổ chức các tiết học cho học sinh, tiệm cận từng bước tới mục tiêu học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình. Hiện nay, các trường học trong điều kiện thực tế đang có sự bắt nhịp dần với giáo dục STEM. Trong quá trình giảng dạy trên lớp, giáo viên đã thường xuyên cho học sinh làm quen với việc sáng tạo từ việc tích hợp kiến thức các môn học phù hợp, tăng cường khả năng sáng tạo và kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện…

Tuy vẫn còn một số khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình nghiên cứu, thực hành của giáo viên và học sinh; sĩ số học sinh các lớp học hiện khá đông; không gian lớp học, không gian trường học ở một số đơn vị còn hạn chế; đội ngũ giáo viên còn thiếu về chủng loại, cơ bản được đào tạo đơn môn… nhưng trên cơ sở đánh giá đúng tầm quan trọng của dạy học theo định hướng giáo dục STEM, ngành giáo dục thành phố tiếp tục động viên, khuyến khích các nhà trường chủ động khắc phục khó khăn, phấn đấu trong những năm học tiếp theo sẽ có 100% trường tiểu học và THCS đưa giáo dục STEM vào triển khai thực hiện.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.