Thành phố Phủ Lý tiếp cận nhanh với giáo dục STEM

Cùng với dạy học theo hướng tích hợp, dạy học liên môn, một vài năm gần đây, các trường trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn thành phố Phủ Lý đang từng bước làm quen với một phương pháp dạy học mới. Đó chính là dạy học theo định hướng giáo dục STEM.

Giáo dục STEM là phương pháp giảng dạy nhằm trang bị cho học sinh  những kiến thức, kỹ năng liên quan đến 4 lĩnh vực (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) theo cách tiếp cận liên môn, giúp người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Trường THCS Lương Khánh Thiện, mặc dù khái niệm tương đối mới mẻ nhưng STEM khi được ứng dụng trong quá trình giảng dạy cơ bản đều phải được tổ chức thông qua cách giảng dạy tích hợp, liên môn nên giáo viên cần có sự chủ động, sáng tạo trong giảng dạy, tổ chức được các hoạt động giáo dục có tính ứng dụng, thực hành cho học sinh tham gia. Bản thân tôi đã được đi tập huấn về dạy học theo định hướng giáo dục STEM thấy rằng, STEM thực sự có giá trị trong việc hỗ trợ giáo viên nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy và giúp học sinh được tiếp cận nhanh với việc học theo đúng năng lực, phẩm chất. Là giáo viên dạy môn Sinh học, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tổ chức cho học sinh học gắn với thực hành thông qua việc xây dựng và triển khai các chủ đề, nội dung bài học theo định hướng STEM. Học sinh rất hứng thú với các hoạt động này… 

Thành phố Phủ Lý tiếp cận nhanh với giáo dục STEM
Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh (Trường THCS Lương Khánh Thiện, TP Phủ Lý) hướng dẫn học sinh lớp 9 triển khai thực hiện chủ đề làm mô hình về ADN phục vụ cho việc dạy và học môn Sinh học.

Năm học 2019-2020, cùng với Trường THCS Châu Sơn, Trường THCS Lương Khánh Thiện được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố chọn xây dựng mô hình điểm về triển khai giáo dục theo định hướng STEM trong nhà trường. Thầy giáo Trịnh Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Khánh Thiện cho biết: Tuy được chọn làm điểm về giáo dục STEM nhưng trên thực tế, qua nhiều hoạt động như: dạy tích hợp liên môn, cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật… giáo dục STEM đã manh nha có mặt trong nhà trường từ những năm học trước. Khi giáo dục STEM được triển khai đồng bộ, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn khoa học tự nhiên tập trung nghiên cứu các văn bản hướng dẫn, tài liệu tham khảo về giáo dục STEM và giao nhiệm vụ cho tổ nhóm chuyên môn lựa chọn chủ đề để tổ chức thực hiện. Trong quá trình giảng dạy trên lớp, nhà trường yêu cầu giáo viên phải tích cực lồng ghép STEM vào các môn học khoa học tự nhiên, duy trì dạy học tích hợp liên môn. Qua kiểm tra, đánh giá, từ giáo dục STEM đã giúp học sinh vận dụng khá thành thạo các kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề; được hoạt động thực hành làm mô hình, hoạt động nhóm, hoạt động tập thể và rèn cho học sinh năng lực tư duy, sáng tạo, tranh luận, phản biện tích cực. Nếu được triển khai tốt, giáo dục STEM thực sự phát huy được tính hiệu quả trong nhà trường.

Sau 2 mô hình điểm, đến năm học 2020-2021, giáo dục STEM đã được Phòng GD&ĐT thành phố triển khai tới 100% các trường THCS đạt chuẩn. Theo bà Nguyễn Thị Huyền, chuyên viên Tổ THCS (Phòng GD&ĐT thành phố), song song với các phương pháp giáo dục truyền thống, giáo dục hiện hành, việc thực hiện dạy và học theo phương pháp giáo dục STEM đã mang tới cho giáo viên và học sinh nhiều trải nghiệm hiệu quả. Trong hầu hết hoạt động giáo dục được tổ chức như: học lý thuyết trên lớp, học thực hành, hoạt động sáng tạo ngoại khóa… yếu tố thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tiễn đã được phát huy tích cực. Theo đó, nhiều học sinh có cơ hội thể hiện ưu thế nổi bật về kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học, khả năng sáng tạo, tư duy logic. Đối với đội ngũ giáo viên, trong quá trình giảng dạy đã trở thành người thiết kế hoạt động phù hợp với học sinh, có khả năng tích hợp, lồng ghép các kiến thức có liên quan để học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng, thực hành, tạo ra được những sản phẩm hữu ích… 

Quá trình tổ chức triển khai đưa giáo dục STEM vào giảng dạy, các trường THCS trên địa bàn thành phố được định hướng không triển khai tràn lan ở 6 môn học khoa tự nhiên, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học mà cần lựa chọn những môn, tổ hợp môn thế mạnh để nghiên cứu xây dựng các chủ đề, tạo điểm nhấn về chất lượng. Hiện nay, việc xây dựng chủ đề, dạy và học theo định hướng giáo dục  STEM ở thành phố mới áp dụng ở phạm vi nội môn, các môn học liên môn còn hạn chế nhưng đây vẫn được khẳng định là một cách học tổng hòa nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, vừa giúp học sinh có thái độ học tập tích cực, vừa có thể tạo ra khá nhiều tác dụng tích cực tới việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Một điểm mạnh khi áp dụng STEM vào giảng dạy là giáo viên đã trao quyền chủ động tổ chức các tiết học cho học sinh, tiệm cận từng bước tới mục tiêu học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình. Tất cả những yếu tố này hoàn toàn phù hợp khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thực hiện đối với cấp THCS vào năm học 2021-2022. 

Như vậy, các trường THCS ở thành phố Phủ Lý trong điều kiện thực tế đang có sự bắt nhịp dần với giáo dục STEM. Tuy nhiên, việc triển khai cũng đặt ra cho các nhà trường và các cấp, ngành một số vấn đề cần quan tâm. Việc chọn triển khai phương pháp giáo dục STEM với các môn học trên nền tảng công nghệ thông tin như khoa học máy tính, robotics, khoa học dữ liệu… nhưng không phải cơ sở giáo dục nào cũng được trang bị đầy đủ hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ quá trình nghiên cứu, thực hành của giáo viên và học sinh. Cùng với đó, do sĩ số học sinh các lớp học hiện khá đông; không gian lớp học, thậm chí không gian trường học ở nhiều nơi còn quá chật chội không bảo đảm cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo định hướng STEM.

Về phía đội ngũ, việc đổi mới mang tới cho giáo viên không ít khó khăn, vất vả nên sẽ không phù hợp với một bộ phận giáo viên chậm, ngại đổi mới. Ngay cả với các giáo viên có tinh thần đổi mới cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là với giáo viên chỉ được đào tạo là giáo viên đơn môn. 

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy