Thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ giáo dục, trong đó có huy động trẻ mầm non trong độ tuổi ra lớp, ngay từ đầu mỗi năm học, ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn tỉnh đã tập trung xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của GDMN và sự cần thiết cho trẻ ra lớp đúng độ tuổi.
Trong công tác huy động trẻ mầm non ra lớp của các nhà trường, công tác điều tra số liệu nói chung, điều tra trẻ trong độ tuổi mầm non nói riêng là việc làm quan trọng, cần thiết, được thực hiện bài bản, chính xác. Theo đó, trong dịp hè, trước mỗi năm học, các nhà trường đều phân công giáo viên về từng địa bàn dân cư làm công tác điều tra trẻ. Tất cả giáo viên khi đi điều tra phải đến từng hộ gia đình, gặp gỡ bố mẹ trẻ để lấy số liệu thật chính xác thông qua sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của trẻ; gặp cán bộ phụ trách dân số, cán bộ ở thôn để đối chiếu, so sánh kết quả và tổng hợp ghi vào biểu mẫu. Đồng thời, chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng của từng cha mẹ trẻ kết hợp tuyên truyền về GDMN hiện nay và vận động trẻ ra lớp.
Trên cơ sở số liệu tổng hợp về số trẻ ở từng độ tuổi, từng thôn, tổ phố trên địa bàn các khu dân cư, số trẻ đăng ký đi học trong năm học, số gia đình thuộc diện đối tượng chính sách, hộ nghèo và lý do của những gia đình chưa muốn cho trẻ đến trường… các nhà trường xây dựng kế hoạch năm học, kế hoạch dài hạn một cách đầy đủ chính xác; xác định phương pháp vận động trẻ đến trường một cách hiệu quả nhất. Theo đó, các nhà trường tập trung phối hợp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cộng đồng đưa trẻ mầm non đến trường thông qua các văn bản trên hệ thống thông tin của xã, phường, thị trấn; thông qua các đoàn thể xã hội; đến từng hộ gia đình để tuyên truyền; thông qua các buổi họp phụ huynh và thông qua dự giờ, thăm lớp của ban đại diện phụ huynh.
Các trường mầm non đã thường xuyên cập nhật và báo cáo với lãnh đạo UBND địa phương nơi đứng chân về những chủ trương lớn, nhiệm vụ trọng tâm của ngành, cấp học và công tác huy động trẻ mầm non đến trường trong từng năm học; trao đổi kế hoạch cụ thể về công tác huy động trẻ đến trường đối với trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo để lãnh đạo địa phương nắm bắt và quan tâm chỉ đạo, giúp nhà trường triển khai trong các hội nghị quan trọng. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các đoàn thể của địa phương tuyên truyền kế hoạch, nhiệm vụ huy động trẻ mầm non đến trường trong mỗi năm học ở từng khu dân cư về số lượng trẻ và tỉ lệ cần đạt… để nhắc nhở, động viên các gia đình có con, cháu trong độ tuổi cần đưa trẻ đến trường.
Trong công tác tuyên truyền, vận động, các nhà trường tập trung hướng tới đối tượng là những bậc cha mẹ có con trong độ tuổi ra lớp, có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp để người dân hiểu rõ sự cần thiết phải đưa trẻ đến trường mầm non, từ đó sẵn sàng đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi quy định, bảo đảm tỉ lệ huy động.
Cô giáo Đặng Thị Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý cho biết: Trước mỗi năm học, nhà trường thường xuyên rà soát danh sách ở từng tổ dân phố, từng nhóm lớp, so với kế hoạch, chỉ tiêu đề ra trong năm học; lập danh sách những cháu chưa đến trường và bố trí sắp xếp thời gian, phân công cán bộ, giáo viên tìm hiểu, xác định chính xác nguyên nhân để động viên, phân tích, thuyết phục các gia đình đưa trẻ đến trường. Tuỳ theo từng trường hợp, từng gia đình cụ thể, nhà trường có cách vận động tuyên truyền, thuyết phục khác nhau; phối hợp với các đoàn thể của tổ dân phố cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động. Nhiều năm trở lại đây, tỉ lệ huy động trẻ các độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo của nhà trường luôn ở mức cao, đặc biệt tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp thường xuyên đạt 100%, thực hiện huy động được trên 99% trẻ 3-4 tuổi và trên 50% trẻ nhà trẻ ra lớp.
Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp tuyên truyền, vận động, các cơ sở GDMN còn triển khai có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ; xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; tổ chức thường xuyên các hoạt động giáo dục cho trẻ có sự tham gia của đông đảo cha mẹ trẻ; mời ban đại diện phụ huynh đến dự giờ, thăm lớp để có thể được chứng kiến tất cả các hoạt động, từ đón trẻ, điểm danh, chấm ăn, đến hoạt động chung, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, đến hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh và hoạt động chiều của trẻ… Khi thấy trẻ được chăm sóc chu đáo, cẩn thận, cha mẹ trẻ có sự tin tưởng, giúp công tác vận động, tuyên truyền đưa trẻ đến trường có nhiều thuận lợi hơn.
Bên cạnh việc tập trung thực hiện công tác tuyển sinh, ngành giáo dục và các cơ sở GDMN còn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; thực hiện rà soát thiết bị, đồ dùng, đồ chơi; huy động nguồn lực, nhân lực để đầu tư, cải tạo phòng học, phòng chức năng, bếp ăn. Đến nay, toàn tỉnh có 113/113 trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia, các trường được quan tâm đầu tư xây dựng đầy đủ phòng học, phòng chức năng, công trình phụ trợ; được đầu tư, bổ sung từng bước hoàn thiện về trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, đáp ứng cơ bản nhu cầu chăm sóc, giáo dục, tạo môi trường học tập thân thiện cho trẻ.
Chỉ còn 1 tháng nữa các cấp học chính thức bước vào năm học 2024- 2025. Đối với cấp học mầm non, bên cạnh việc chuẩn bị chu đáo điều kiện cho năm học mới, đến thời điểm này, các nhà trường cũng bắt đầu triển khai công tác tuyển sinh trẻ mới. Theo đó, năm học 2024-2025, toàn cấp phấn đấu tăng tỉ lệ huy động trẻ đến các cơ sở GDMN ở tất cả các độ tuổi, trong đó, phấn đấu tỉ lệ huy động đạt 51% trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, 99,9% trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, duy trì 100% trẻ 5 tuổi đến trường và được học 2 buổi/ngày.
Thanh Hà