Ngôi trường đặc biệt của những trẻ đặc biệt

Để đáp ứng nhu cầu thực tế, hiện các cơ sở mầm non chuyên biệt Ánh Dương đã được phát triển, với 3 cơ sở (ở TP Phủ Lý, Duy Tiên và Lý Nhân), mỗi năm học tiếp nhận hơn 500 lượt trẻ đặc biệt tới học. Đây là những địa chỉ chuyên tiếp nhận trẻ mắc các dạng tật cần được giáo dục như: chậm nói đơn thuần, tự kỉ, chậm phát triển trí tuệ, tăng động kém tập trung, khiếm thính… và hỗ trợ hòa nhập mầm non, tiểu học.

Tại các cơ sở có lớp học dành cho trẻ khiếm khuyết có nhiều độ tuổi khác nhau. Những lớp học không giống trong trường mầm non, trường tiểu học bởi trẻ học tại đây đều có khiếm khuyết về trí tuệ, bé thì khóc, bé thì cười, la hét, chạy lung tung. Vậy nhưng khi cô giáo đưa ra hiệu lệnh, yêu cầu thực hành các con đều răm rắp nghe theo, hầu như bé nào cũng nhớ và thực hiện đúng động tác. Các giáo viên cho biết, hầu hết các trẻ chỉ vài lần hướng dẫn các con đã thuộc và nhớ cách thực hiện yêu cầu đơn giản, còn đối với các trẻ mắc các dạng tật về trí tuệ công việc này phải mất rất nhiều thời gian, thực sự công phu mới có thể giúp các con biết và ghi nhớ. Mỗi trẻ vào học tại các cơ sở có một hoàn cảnh, hành vi và cảm nhận khác nhau. Thậm chí với nhiều trẻ, những xúc cảm, nhận thức gần như không có.

Ngôi trường đặc biệt của những trẻ đặc biệt
Một giờ học của cô và trò cơ sở Mầm non chuyên biệt Ánh Dương (TP Phủ Lý). Ảnh: Trần Thanh

Từ kinh nghiệm qua hơn 10 năm gắn bó với Mầm non chuyên biệt Ánh Dương Phủ Lý của cô Vũ Thị Dệt chia sẻ: Việc tiếp nhận và dạy dỗ trẻ với mục tiêu giúp trẻ từng bước cải thiện nhận thức, hành vi, có thể hòa nhập, buộc giáo viên phải tự tìm hiểu đặc điểm từng trẻ, tự tìm ra cách thức và phương pháp tiếp cận không hề đơn giản. Quan trọng nhất của giáo dục hòa nhập chính là can thiệp tích cực cho trẻ mắc các dạng tật ở “giai đoạn vàng”, chính là thời điểm phát hiện sớm dạng tật của trẻ. Trong khi cơ thể trẻ phát triển nhanh theo thời gian nhưng trí tuệ lại không có sự phát triển tương ứng nên việc giáo dục và hỗ trợ của giáo viên gặp rất nhiều áp lực. Nếu không có sự đồng cảm, tình thương, tính kiên trì và không ngừng học hỏi thì người làm nghề giáo dục chuyên biệt sẽ không thể gắn bó lâu với môi trường làm việc này.

Cùng với đó, các cơ sở còn thực hiện chức năng hỗ trợ đánh giá năng lực học tập sớm cho trẻ ở thời kỳ tiền học đường từ 4-7 tuổi. Đối với những trẻ có nhu cầu, hoạt động chuyên môn này giúp phát hiện những khó khăn trong học tập cho trẻ; giúp cha mẹ trẻ biết được con mình đang thiếu, yếu gì và có các biện pháp can thiệp, ngăn ngừa, cải thiện để trẻ tiến bộ, tự tin hơn. Theo đó, các cơ sở thực hiện việc đánh giá nhận thức chung như: khả năng đọc, viết, làm toán, nói… phát hiện những rối nhiễu trẻ có thể gặp phải trong quá trình học tập; đánh giá năng lực nhận thức ở các chỉ số về từ vựng, trí nhớ ngôn ngữ, tư duy linh hoạt, tốc độ xử lý vấn đề.

Với quy mô phát triển hiện nay, các cơ mầm non chuyên biệt Ánh Dương đang tiếp nhận cả trẻ can thiệp bán trú và trẻ can thiệp theo giờ. Khi có nhu cầu gửi con tại đây, phụ huynh sẽ được cán bộ, giáo viên tư vấn đầy đủ, kỹ lưỡng về nhận thức, kỹ năng, phương pháp dạy con tại nhà vì gia đình có trẻ điển hình nếu không duy trì hiệu quả phương pháp giáo dục 2 phía sẽ rất chậm tiến. Có trường hợp trẻ chưa có nhận thức, hạn chế về tương tác nhưng yêu cầu của phụ huynh lại cao cũng làm cho việc hòa nhập của trẻ trở nên khó hơn các trẻ khác rất nhiều. Chính vì thế, bên cạnh việc giáo dục, hỗ trợ trẻ tại lớp, các giáo viên còn thường xuyên phối hợp với cha mẹ trẻ trong việc cung cấp thông tin về sự tiến bộ của trẻ, chia sẻ tài liệu, phương pháp để cha mẹ hỗ trợ con tiến bộ tại nhà. Có những trường hợp trẻ khi tiếp nhận nói rất ngọng, khả năng diễn đạt thấp và không hợp tác trong quá trình học nhưng với sự kiên trì, nhẫn nại, áp dụng phương pháp như: dạy phát âm, tạo tình huống để trẻ tăng cường ngôn ngữ diễn đạt, hướng dẫn cha mẹ trẻ giao tiếp với trẻ đúng cách… chỉ sau một thời gian, trẻ đã có sự tiến bộ rõ ràng, đỡ nói ngọng, khả năng giao tiếp được cải thiện.

 Theo phương pháp giáo dục mà các cơ sở đang triển khai, dựa trên việc đánh giá điểm mạnh, hạn chế của trẻ giáo viên đề ra những quy định về hành vi và tác động đúng hướng tới nhận thức của trẻ, trẻ tiếp nhận được đến đâu thì dạy ở mức đó. Kế hoạch tuần cũng như giáo án của giáo viên không thể áp dụng theo thời gian nhất định mà có sự điều chỉnh thường xuyên, thậm chí lặp đi, lặp lại nhiều ngày. Bởi vậy, không có một giáo án chung nào dành cho việc giáo dục những trẻ đặc biệt này. Tuy trước khi vào làm việc tại đây, các giáo viên đều phải trải qua thời gian thử việc, thực hiện các yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt kỹ năng về lý thuyết và thực hành, chịu sự theo dõi về độ tiến bộ trong việc tiếp cận, tiếp xúc và giáo dục trẻ. Trong môi trường giáo dục đặc biệt, học sinh đặc biệt, yêu cầu lớn nhất đối với giáo viên chính là phải chấp nhận trẻ, có trách nhiệm và thái độ đồng cảm với trẻ, đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe của công việc, được phụ huynh tin tưởng.

Trong các cơ sở hiện duy trì hai dạng giáo dục hòa nhập: giáo dục nhóm và giáo dục cá nhân. Với giáo dục nhóm, cứ mỗi nhóm có 2 giáo viên phụ trách, bảo đảm việc dạy số lượng trẻ nhất định và trẻ trong các nhóm cũng được tham gia các tiết dạy can thiệp cá nhân 1 cô - 1 trò trong khoảng từ 1-2 giờ/ngày. Với giáo dục cá nhân, theo yêu cầu phụ huynh sẽ có chế độ 1 cô -1 trò và yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm đạt 70% sự tiến bộ về kĩ năng. Để thực hiện tốt được công việc này, bên cạnh đội ngũ hiện có, các cơ sở cũng thường xuyên thực hiện tuyển dụng bổ sung đội ngũ, trong đó, ưu tiên các giáo viên tốt nghiệp sư phạm giáo dục đặc biệt, tâm lý giáo dục, công tác xã hội, giáo dục mầm non… Đội ngũ giáo viên làm việc tại đây đều được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và quan trọng nhất là có môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo và có tinh thần gắn bó lâu dài mong muốn mang tới cho trẻ khuyết tật cơ hội hòa nhập, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy