Năm học 2021 - 2022, cùng với các địa phương trong tỉnh, ngành giáo dục TP Phủ Lý tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với các lớp 1, 2, 6 và đang tích cực chuẩn bị các điều kiện thực hiện Chương trình này đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 ở năm học 2022 - 2023.
Cô giáo Phạm Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: Việc thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo quy định của Chương trình GDPT 2018 đã được giáo viên nhà trường triển khai có nền nếp.
Qua gần 2 năm học, nhà trường xác định phải thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên đáp ứng theo yêu cầu mới.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có sự cân đối về đội ngũ, dự kiến phân công 8 giáo viên tham gia dạy học theo chương trình mới lớp 3 của năm học 2022 - 2023.
Các giáo viên được lựa chọn thực hiện giảng dạy chương trình mới lớp 3 năm học tới vì vậy được quan tâm, tạo mọi điều kiện để tự bồi dưỡng và tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn…
Cùng với Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn cũng chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng và tham gia bồi dưỡng giáo viên phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị.
Nếu trước đây, việc tập huấn các nội dung của chương trình được thực hiện theo cách tập huấn đại diện thì nay tất cả cán bộ quản lý và giáo viên được chọn thực hiện dạy học theo chương trình mới đã được tập huấn, bồi dưỡng đồng loạt.
Theo ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT TP Phủ Lý, các hoạt động bồi dưỡng giáo viên cấp tiểu học và THCS được Sở GD&ĐT triển khai đúng kế hoạch, tiến độ theo hai hình thức trực tuyến các mô-đun do Bộ GD&ĐT triển khai trên hệ thống LMS và trực tiếp các hoạt động sinh hoạt chuyên môn các môn học.
Phòng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thành lập đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán triển khai Chương trình GDPT 2018; phân công đội ngũ cốt cán phụ trách và hỗ trợ các trường kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, duy trì, tổ chức thường xuyên các cuộc hội thảo dạy học, sinh hoạt chuyên môn và hỗ trợ giáo viên tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả.
Theo dự kiến, ngành giáo dục và các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Phủ Lý có khoảng 120 giáo viên được lựa chọn tham gia dạy chương trình mới lớp 3 và khoảng 230 giáo viên dạy lớp 7.
Ở tất cả các nội dung học tập, tập huấn, giáo viên được nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa để xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt. Đối với những đơn vị còn khó khăn về đội ngũ, Phòng GD&ĐT thành phố thường xuyên kiểm tra nền nếp chuyên môn, nắm bắt việc giảng dạy của giáo viên, có sự nhận xét, hỗ trợ cho giáo viên khắc phục những hạn chế để thích ứng tốt hơn với yêu cầu đổi mới.
Về phía giáo viên, với nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm đối với việc thực hiện chương trình, khi được lựa chọn dạy học lớp 3, lớp 7 trong năm học 2022 - 2023, hầu hết giáo viên đều chủ động nghiên cứu tài liệu, các phương pháp dạy học tích cực, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Ngoài các đợt tập huấn các mô-đun đối với từng cấp học, nhiều giáo viên cũng chú trọng tự bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng sư phạm qua tài liệu số, sách giáo khoa số, đáp ứng yêu cầu đặt ra của chương trình mới. Thông qua việc được tập huấn các nội dung theo chương trình mới, giáo viên sẽ nắm bắt các yêu cầu đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học để từ đó vận dụng phù hợp vào thực tế dạy học…
Đến nay đã có 100% cán bộ quản lý, giáo viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn các mô-đun của chương trình mới đạt kết quả hoàn thành. Cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông tham gia khóa bồi dưỡng với tinh thần tích cực, chủ động nghiên cứu, trao đổi với đồng nghiệp về các nội dung còn vướng mắc trong quá trình bồi dưỡng. Hầu hết các nhà trường và đội ngũ giáo viên của thành phố đều đã xác định rõ được tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng chuyên môn, có tâm thế tốt thực hiện chương trình mới.
Thanh Hà