Khó khăn trong dạy tích hợp liên môn

Dạy tích hợp liên môn (THLM) không phải là một nội dung mới đối với các nhà trường và các cấp học. THLM nhằm hướng tới mục tiêu dạy học phát triển năng lực học sinh, tăng cường việc vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tuy việc triển khai dạy THLM gắn với sự thay đổi tích cực về cơ cấu và thời lượng các môn học, giảm tải nội dung tiết học cho học sinh, nhưng khi thực hiện trong thực tế, dạy THLM còn khá nhiều khó khăn.

Theo quan điểm giáo dục, dạy học tích hợp là đưa nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học các môn và dạy học liên môn chính là việc xác định nội dung, kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học để dạy học, tránh việc học sinh phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau.

Tại Trường THPT B Phủ Lý, ngay từ những năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương đưa nội dung THLM vào giảng dạy, nhà trường đã tích cực vận dụng, triển khai. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hằng năm, bên cạnh khung nghiệp vụ chung, trong kế hoạch công tác chuyên môn, nhà trường có sự phân bố theo hướng ưu tiên tới nội dung và chủ đề THLM dựa theo các nội dung chuyên môn mà giáo viên đã đăng ký. Để đạt hiệu quả trong việc dạy THLM, nhà trường lựa chọn các môn có khả năng tích hợp tốt nhất để triển khai áp dụng trước; thường xuyên tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề, dạy thử nội dung dạy THLM của từng bộ môn; lãnh đạo nhà trường thực hiện nghiêm quy định trực tiếp dạy tối thiểu 2 tiết học đổi mới/năm học cho giáo viên dự giờ và rút kinh nghiệm. Đồng thời, tạo điều kiện để giáo viên chủ động tiếp cận dần dần với viêc dạy THLM giúp giáo viên không quá bị áp lực và từng bước khắc phục tâm lý ngại đổi mới trong giáo viên.

Được biết, cùng với sự chỉ đạo sát sao về chuyên môn, làm tốt công tác tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên, học sinh nên đến nay việc dạy THLM ở Trường THPT B Phủ Lý đã khá nền nếp, nhiều giáo viên có các chủ đề dạy học tích cực, nhà trường có số lượng chủ đề dạy THLM được đăng tải trên hệ thống trường học kết nối của nhà trường luôn đứng ở tốp đầu các trường THPT.

Tuy có nhiều khó khăn nhưng việc dạy và học các môn tích hợp liên môn của Trường THCS Châu Sơn (TP Phủ Lý) đã từng bước đi vào nền nếp. Ảnh: Trần Hà

Thực hiện dạy học THLM theo định hướng giáo dục STEM được Trường THPT chuyên Biên Hòa thực hiện nhằm hình thành năng lực cho học sinh trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học. Theo đó, việc thực hiện dạy học THLM theo định hướng STEM mang tới cho học sinh nhiều hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Trong quá trình dạy, giáo viên đã trở thành người thiết kế hoạt động phù hợp với học sinh; có khả năng tích hợp, lồng ghép các kiến thức có liên quan để học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý, mà còn có thể áp dụng, thực hành, tạo ra được những sản phẩm hữu ích. Trên thực tế, phương pháp giáo dục này đã thể hiện rõ được các ưu thế nổi bật, như: kiến thức khoa học, kỹ thuât, công nghệ, toán học; khả năng sáng tạo, tư duy logic, có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện.

Với học sinh THPT, khi được học nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, không chỉ giúp học sinh có thái độ thích thú với quá trình học tập, mà còn tạo ra khá nhiều tác dụng tích cực tới việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Thông qua giáo dục STEM, giáo viên đã gợi mở cho học sinh nhiều cách học, thực hành hiệu quả; giáo viên đã trao quyền chủ động tổ chức các tiết học cho học sinh, tiệm cận từng bước tới mục tiêu học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình. 

Song, cũng cần nhận thấy, mặc dù bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện dạy THLM vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết. Trong điều kiện thực tế hiện nay, nhiều nhà trường còn gặp khó khăn và gần như chưa đáp ứng được yêu cầu giáo viên dạy liên môn, dạy tích hợp. Với một đơn vị kiến thức liên môn, đa phần giáo viên đều chưa đáp ứng được, hiện giáo viên chủ yếu vẫn dạy đơn môn, giáo viên bộ môn nào vẫn dạy môn đó.

Dạy THLM có nhiều chủ đề, việc phân công giáo viên nào đảm trách dạy các chủ đề và kiến thức, trình độ của giáo viên có bảo đảm cho việc dạy các chủ đề của THLM hay không… cũng khiến nhiều nhà trường lúng túng. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa có sự thống nhất các môn học với nhau, nhiều đơn vị kiến thức còn rời rạc, thiếu tính liên kết, bổ trợ lẫn nhau; giáo viên dạy THLM phải mất khá nhiều thời gian cho việc tập hợp, kết nối kiến thức và xây dựng thành các chủ đề dạy học.

Ngay như giữa yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học với yêu cầu kiểm tra, thi cử, đánh giá còn có độ vênh, học một đằng, thi một nẻo khiến cho cả người dạy cũng như người học khó tránh khỏi tâm lý e dè khi tiếp cận. Ngoài ra, cũng phải kể đến những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn cho giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học THLM hay cao hơn là giáo dục theo định hướng STEM còn hạn chế.

Dạy học THLM góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh đổi mới giáo dục theo hướng căn bản, toàn diện. Nhưng do quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn nên cùng với sự tự đổi mới, bắt nhịp với yêu cầu giáo dục hiện đại, các nhà trường phổ thông rất cần sự quan tâm từ nhiều phía trong việc nhận diện và giải quyết những vướng mắc đặt ra trong thực tế.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy