Với xu hướng hội nhập, khi Việt Nam nói chung, Hà Nam nói riêng trở thành một trong những điểm đến đầu tư, đối tác tin cậy của các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia thì việc thông thạo một hoặc đa ngoại ngữ sẽ giúp mọi người nắm bắt tốt hơn những cơ hội mới. Với những bạn trẻ năng động, ngoại ngữ không chỉ là công cụ, mà còn là “tấm vé” cho tương lai.
“Ngoại ngữ là công cụ để kết nối mọi người, để toàn cầu hóa chính bản thân mỗi người” là quan điểm của nhiều bạn học sinh, sinh viên. Mỗi người chúng ta có thể khác nhau về sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, nhưng chỉ cần biết một ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ, bạn đã có thể mở rộng giao tiếp, giao lưu với những người nói thứ tiếng ấy. Và nhất là khi bạn biết sử dụng ngôn ngữ thông dụng trên thế giới thì vấn đề giao lưu hội nhập đã không còn là vấn đề lớn. Bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu, khám phá nhiều hơn tri thức, đất nước, con người, văn hóa ở cách bạn rất xa, cũng như được trải nghiệm qua những sự kiện thú vị hiếm có.
Em Lại Đan Phương, học sinh lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Biên Hòa bộc bạch: Bố mẹ định hướng cho em học môn Văn từ cấp trung học cơ sở, tuy nhiên, em thấy hứng thú với việc tìm hiểu một ngôn ngữ mới hơn nên đã quyết tâm đến với tiếng Anh. Hiện nay, tiếng Anh trong thế giới toàn cầu hóa được gọi là “Globish” (Global English), đóng vai trò là thứ ngôn ngữ quốc tế được sử dụng trong mọi lĩnh vực, hoạt động. Vì vậy, em cho rằng, nếu làm chủ tiếng Anh, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để trải nghiệm những hoạt động thú vị và rộng mở nhiều cơ hội hơn trong học tập và việc làm tương lai. Với trình độ tiếng Anh đạt IELTS 7.5, Lại Đan Phương là 1 trong 100 bạn tình nguyện viên tham gia hỗ trợ ban tổ chức, sẵn sàng chào đón các đội Futsal tham sự SEA Games 31 tại Hà Nam.
Với Phương và các bạn tình nguyện viên khác, đây là cơ hội hiếm có để giao lưu, thử thách khả năng đối thoại, giao tiếp với bạn bè đến từ đa quốc gia, đa văn hóa cũng sử dụng tiếng Anh. Bạn Nguyễn Ngọc Anh, lớp 12 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Biên Hòa (cũng là 1 trong 30 học sinh của trường tham gia vào đội tình nguyện viên) hào hứng chia sẻ: Em cảm thấy may mắn khi được sử dụng vốn ngoại ngữ của mình tham gia vào sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Hy vọng em sẽ truyền tải được nhiều thông tin về văn hóa, ẩm thực, mảnh đất, con người Hà Nam đến bạn bè quốc tế; đồng thời tranh thủ giao lưu và tìm hiểu thêm thông tin về các nước bạn trong cộng đồng ASEAN.
Ngoại ngữ cũng giúp người học dễ dàng tiếp cận với tri thức nhân loại. Hiện nay internet và thiết bị thông minh đã phổ cập gần như đến mọi miền, nhưng phần lớn nguồn tri thức khổng lồ của thế giới lại được viết bằng Tiếng Anh, không có cách nào hiệu quả hơn là bạn phải đầu tư thời gian học tiếng Anh mỗi ngày. Là một học sinh với khả năng hùng biện tốt và được đánh giá học đều các môn, bạn Nguyễn Hương Giang (học sinh lớp 10B Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, phân hiệu Hà Nam) bày tỏ: tiếng Anh giúp ích rất nhiều trong cuộc sống, bên cạnh kiến thức học trên lớp, em có thể dùng tiếng Anh để tìm một số tài liệu liên quan đến các môn học khác, trau dồi thêm vốn kiến thức. Quá trình tìm tài liệu như vậy, vốn từ vựng của em cũng dày dặn thêm với nhiều từ chuyên ngành, có thể học được nhiều hơn một môn học, ví dụ như học tiếng Anh theo tư duy toán, học tiếng Anh theo tư duy hóa chẳng hạn.
Các bạn trẻ ngày nay không chỉ thụ động tiếp thu kiến thức ở trường lớp, việc học ngoại ngữ đã chủ động hơn với nhiều phương pháp mới. Sự đổi mới về phương pháp giảng dạy của nhà trường cũng như việc dễ dàng tiếp cận thông tin từ internet đã giúp việc học ngoại ngữ nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều. Tại Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, phân hiệu Hà Nam, chất lượng việc dạy - học ngoại ngữ không ngừng được nâng cao, cải thiện toàn diện bởi những nỗ lực thực hành chủ trương đổi mới của nhà trường, theo định hướng của ngành giáo dục - đào tạo các cấp. Nổi bật có thể kể đến việc thí điểm xã hội hóa dạy học ngoại ngữ, liên kết với các bên cung ứng phần mềm dạy và học tiếng Anh như Elsa, English for Kids, NearPot, ClassKick… Ngoài ra, học sinh còn chủ động tự học tại nhà thông qua các kênh luyện nghe Potcard, tham gia các nhóm giúp nhau học ngoại ngữ trên facebook, kết nối bạn bè quốc tế để tự tin hơn khi sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp. Những thay đổi căn bản về phương pháp học đã giúp học sinh phát triển đầy đủ cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, chứ không chỉ nặng phần ngữ pháp.
Bên cạnh ngôn ngữ thông dụng như tiếng Anh, trong một thế giới đa chiều, không ít bạn trẻ muốn hướng đến học thêm một hoặc nhiều hơn các ngôn ngữ khác. Cô giáo Đoàn Thanh Hường, Tổ phó Tổ khoa học – xã hội, Nhóm Tiếng Anh Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, phân hiệu Hà Nam chia sẻ: Là một giáo viên cũng là người làm mẹ, khi các bạn học sinh bày tỏ mong muốn theo học nhiều hơn một loại ngoại ngữ, tôi cảm thấy rất vui và luôn sẵn sàng ủng hộ các bạn. Một số bạn chia sẻ muốn xem một bộ phim, video âm nhạc tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung nhưng chưa có phụ đề hoặc thuyết minh, điều này đã kích thích sự tò mò và mong muốn được hiểu biết của các bạn. Một số bạn khác lại thấy những trải nghiệm mới khi học ngoại ngữ “hiếm” như tiếng Ý, Đức, Ả Rập… vì yêu thích phim ảnh, văn hóa đất nước đó. Bên cạnh đó, học một thứ gì đó khác cũng giúp bộ não được “thổi một làn gió mới”. Dù học vì lý do gì, chỉ cần hăng say và biết cách học tự thân, các bạn trẻ sẽ trưởng thành và phát triển khả năng của mình tốt hơn, đồng thời nhân đôi cơ hội việc làm trong tương lai.
Với xu thế hợp tác, quốc tế hóa, Hà Nam là điểm đến đầu tư tin cậy của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia. Việc đón đầu xu hướng học ngoại ngữ của các bạn trẻ không chỉ tăng cơ hội làm việc với các công ty lớn, chuyên nghiệp của chính các bạn, mà còn tạo nguồn lao động chất lượng cao, tạo thế mạnh cho tỉnh thu hút các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và phát triển du lịch trong giai đoạn mới.
Thanh Vân