Hoạt động trải nghiệm STEM trong Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành

Thời gian qua, giáo dục STEM đang là một xu hướng dạy học tích cực ngày càng được quan tâm và chú trọng phát triển. Việc dạy học các chủ đề STEM góp phần đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và góp phần phát triển toàn diện năng lực của học sinh.

STEM là từ viết tắt của Science (khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Mathematics (Toán học). Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên môn và đề cao tính ứng dụng, kết hợp học đi đôi với hành. 

Cụ thể, các khái niệm học thuật về Toán, Công nghệ… sẽ được lồng ghép giảng dạy trong các bài học, ví dụ thực tế. Học sinh sẽ áp dụng lý thuyết để giải quyết các bài toán cụ thể và tự rút ra những kinh nghiệm, bài học cho mình. Kiến thức theo đó sẽ được ghi nhớ sâu và lâu hơn, có tính xâu chuỗi thay vì tiếp thu rời rạc. 
 

Hoạt động trải nghiệm Stem trong Trường THCS  THPT Nguyễn Tất Thành
Học sinh Lớp 8C (Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành Hà Nam) hào hứng với những trải nghiệm trong tiết học STEM

Mô hình trường học STEM đang được nhân rộng trên thế giới. Tại Việt Nam, ngay từ năm học 2020 – 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn các hình thức tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục STEM trong trường trung học. Theo đó, tùy thuộc vào đặc thù từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục STEM.

Ngay từ những năm đầu thành lập, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã đưa STEM như một môn học chính khoá trong các khối cấp 2. Theo đó, mỗi một chủ đề STEM được bố trí từ 5-8 tiết/học kỳ. Nhờ đó, giáo viên và học sinh có thể chủ động nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu để tiếp nhận, vận dụng kiến thức thông qua thực hành thiết kế, chế tạo, thử nghiệm mẫu thiết kế... Việc sắp xếp thời khoá biểu cũng trở nên linh hoạt và thuận tiện hơn.

Tại đây, các em HS khối lớp 6, 7, 8 được thực hành STEM với nhiều chủ đề hấp dẫn, đa dạng như: Chế tạo cốc nhiều lớp màu, Chế tạo kem đánh răng con voi, Quá trình lên men tự nhiên, Vẽ tranh bảo vệ môi trường từ lá cây, Chế tạo tên lửa, … Với không gian và thời gian học tập được sắp xếp linh hoạt, dù tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp nhưng các em HS vẫn được trải nghiệm hết mình cùng STEM với các tiết học bổ ích, thú vị.

Hoạt động trải nghiệm Stem trong Trường THCS  THPT Nguyễn Tất Thành
Chủ đề: “Chế tạo cốc nhiều lớp màu”, học sinh Khối 8

Với HS trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, dịch bệnh hay học tập trực tuyến không hề là rào cản trong con đường chinh phục tri thức, mà còn là cơ hội để các em phát huy sức sáng tạo của mình.  

Dạy các môn khoa học theo bài học STEM tức là tổ chức các hoạt động trải nghiệm và nghiên cứu KHKT, kết nối kiến thức liên môn Toán, Khoa học, Công nghệ, Kỹ Thuật trong các tiết học của từng môn học. Với hình thức này, giáo viên sẽ thiết kế các bài học STEM để triển khai trong quá trình dạy học liên môn tích hợp. Nội dung bài học STEM bám sát nội dung chương trình của các môn học nhằm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo thời lượng quy định của các môn.

Môn Sinh học vốn đã hấp dẫn với các em học sinh bởi sự gần gũi, sinh động từ những màu sắc thiên nhiên mà nó đem lại thì nay lại càng trở nên thú vị và độc đáo hơn khi các em là người được trực tiếp tạo nên một phần của sự sống đó. Việc lồng ghép các hoạt động STEM trong các tiết Sinh học được tiến hành thường xuyên trong các khối lớp. Các chủ đề như: Làm tranh từ lá cây; Vẽ tranh tuyên truyền bảo vệ môi trường; Làm mô hình tế bào động vật, thực vật và các bào quan trong tế bào nhân thực từ nguyên liệu tái chế;…. được các em hào hứng thực hiện. Từ việc lên ý tưởng, thảo luận, thống nhất cách làm, phân công nhiệm vụ, các em đã hình thành và rèn luyện cho mình được nhiều kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lắng nghe tích cực, … Cũng chính nhờ vào các tiết học trải nghiệm STEM, các kiến thức hàn lâm về cấu tạo tế bào, cơ thể động thực vật và các quá trình sinh lý, sinh hoá diễn ra bên trong trở nên sinh động và dễ hiểu hơn.

Hoạt động trải nghiệm Stem trong Trường THCS  THPT Nguyễn Tất Thành
HS Phạm Ngọc Bảo lớp 9A cùng video thí nghiệm chứng minh khả năng hấp thụ màu của các chất hóa học và sản phẩm STEM thiết kế bảng tuần hoàn của HS lớp 9A

Môn Công nghệ thường được biết đến là một môn học nhàm chán, khó đem lại sự thăng hoa cho người dạy cũng như sự hào hứng từ phía người học. Thế nhưng tại trường THCS& THPT Nguyễn Tất Thành, sự nhìn nhận đó đã thay đổi. Học sinh luôn đón nhận những nhiệm vụ mới từ giáo viên, còn thầy/cô lại luôn chờ đợi những điều bất ngờ, những cảm xúc hạnh phúc từ sản phẩm của các cô cậu học trò đáng yêu gửi đến. Bài kiểm tra lúc này không phải là những trang giấy viết loằng ngoằng đầy áp lực mà là những hình ảnh hay video ngắn mà các bạn học sinh tự tạo ra.

Với những chủ đề STEM thú vị như: Dự án Tết sum vầy: Làm mứt, ô mai; Trồng cây trong dung dịch; Thiết kế hệ thống tưới nước tự động bằng dây chuyền dịch; Thiết kế giá thể trồng rau tại nhà;… học sinh được rèn luyện những đức tính đáng quý, sự kiên trì trong nghiên cứu khoa học, sự yêu thương, gắn kết, quan tâm đến những người thân trong gia đình, thoả sức với những đam mê, sáng tạo của mình.

Các hình thức tổ chức STEM chủ yếu trong nhà trường không thể không nhắc tới hoạt động trải nghiệm STEM, đó là việc tổ chức các buổi trải nghiệm thực tế. Nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học, ngày 16-17/1/2021, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM tại Khu trang trại giáo dục Steamland (Huyện Hoài Đức – Hà Nội).

Với chủ đề: “Trải nghiệm STEM và khả năng sinh tồn” Trại sinh là 234 học sinh bậc THCS của trường được tham gia khóa tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng sinh tồn từ các hoạt động làm việc nhóm như: làm lán trại; cách chế tạo lửa từ pin khi không có diêm hoặc bật lửa; cách chưng cất nước mặn thành nước ngọt; chế tạo nước rửa tay khô; chế tạo tên lửa nước. Các Trại sinh được tham quan trải nghiệm vườn rau hữu cơ để nhận biết một số loại rau, củ, quả khác nhau và giá trị dinh dưỡng, vai trò của rau, củ, quả trong bữa ăn hàng ngày. Đồng thời, các em được tìm hiểu về quy trình trồng rau hữu cơ – một mô hình nông nghiệp công nghệ cao, góp phần bảo vệ môi trường và cung cấp nguồn rau sạch cho bữa ăn của gia đình.

Bên cạnh đó, các em còn được tham gia các hoạt động rèn luyện, các trò chơi tập thể teambuilding ngoài trời vừa hài hước, vui nhộn vừa mang tính trí tuệ, gắn kết như: đua xe f1, nhảy bao bố, đấu khiên xe, thiết kế trang phục thân thiện với môi trường. 

Hoạt động trải nghiệm Stem trong Trường THCS  THPT Nguyễn Tất Thành

Hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật là một trong các hình thức tổ chức STEM được tiến hành từ lâu trong các nhà trường, thu hút nhiều lứa tuổi học sinh tham gia. Hoạt động này khuyến khích những học sinh có năng lực, sở thích và hứng thú với các hoạt động tìm tòi, khám phá khoa học, kĩ thuật giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thông qua quá trình tổ chức các hoạt động này, nhà trường sẽ phát hiện ra những học sinh có năng khiếu để bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia nghiên cứu khoa học, kĩ thuật.

Nhằm phát huy niềm say mê sáng tạo khoa học kĩ thuật của học sinh, từng bước đẩy mạnh tiếp cận phương pháp giáo dục STEM trong đội ngũ giáo viên, trường Nguyễn Tất Thành sẽ tổ chức cuộc thi “SÁNG TẠO STEM” cấp trường vào tháng 04 năm 2022. Sau cuộc thi, nhà trường sẽ chọn dự án triển khai thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh năm học 2022 – 2023.

Hoạt động trải nghiệm Stem trong Trường THCS  THPT Nguyễn Tất Thành

Có thể nói, sau hơn 3 năm tiến hành tích hợp các hoạt động trải nghiệm STEM trong các môn học, trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành đã đạt được những thành công lớn trong việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Thế hệ trẻ của trường là các em học sinh đã được trang bị đầy đủ hành trang cả về tri thức, kỹ năng sống và sự sáng tạo, tự tin đón chờ những thử thách mới khi đứng trước ngưỡng cửa của Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ tư. 

Trần Thị Tuyết, Cao Thị Dung, Đỗ Minh Đức
(Tổ KHTN – Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành)

.

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy