Hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng

Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) được thành lập tại các xã, phường, thị trấn, hoạt động theo nguyên tắc vì dân, do dân, của dân, phục vụ nhu cầu học tập của nhân dân. Những năm qua, các trung tâm HTCĐ trên địa bàn tỉnh đã trở thành nòng cốt trong tham gia xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người dân học tập suốt đời…

Cuối tháng 3/2023, tại Trung tâm HTCĐ thị trấn Kiện Khê, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thanh Liêm đã tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề “Kỹ năng nuôi dạy con thời hiện đại” với sự tham gia của đông đảo đại biểu là lãnh đạo Sở GD&ĐT; lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện; lãnh đạo và đại diện trung tâm HTCĐ các xã, thị trấn và nhất là sự có mặt của cha mẹ học sinh có con đang học tại các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thị trấn Kiện Khê. Tại đây, các đại biểu đã được nghe các nội dung tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, hiểu về thời đại 4.0 và những ảnh hưởng tới lứa tuổi học sinh, ảnh hưởng của các tệ nạn xã hội tới thế hệ trẻ; được cung cấp  kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con trong thời hiện đại. Đồng thời, tham gia hoạt động giao lưu, trao đổi các biện pháp phối hợp trong giáo dục trẻ và cách xử lý tình huống liên quan tới việc nuôi dạy con…

Bà Trần Thị Phương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Liêm cho biết, chuyên đề được tổ chức nhằm tăng cường phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục thế hệ trẻ sống có trách nhiệm, tự tin, năng động; nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh về tầm quan trọng của việc giáo dục đúng hướng đối với lứa tuổi học sinh tiểu học và THCS, giúp họ có thêm những kiến thức, kĩ năng, phương pháp nuôi dạy con phù hợp. Hoạt động này cũng làm phong phú hơn các chuyên đề được triển khai tại Trung tâm HTCĐ thị trấn Kiện Khê nói riêng và hệ thống các trung tâm HTCĐ trong toàn huyện nói chung, giúp cho trung tâm HTCĐ ngày càng khẳng định được vai trò trong việc cung cấp kiến thức toàn diện, nơi giao lưu trao đổi, chia sẻ mọi vấn đề của đời sống xã hội cho người dân ở các địa phương.

Hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng
Do có nội dung, hình thức tổ chức phong phú nên các trung tâm HTCĐ luôn thu hút đông đảo người dân có nhu cầu học tập, tìm hiểu kiến thức. Ảnh: Trần Hà

Trên thực tế, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động của các trung tâm HTCĐ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các trung tâm HTCĐ phối hợp với trường mầm non, tiểu học, THCS tổ chức tuyên truyền cho cha mẹ học sinh về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục; văn hóa đọc. Hiện nay, 116 trung tâm HTCĐ ở các địa phương được duy trì hoạt động thường xuyên, đều khắp, chất lượng hoạt động được đánh giá hiệu quả, không có trung tâm yếu kém, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân và cơ bản theo sát yêu cầu học tập của người học, giúp người học cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ với 5 chương trình: giáo dục pháp luật, giáo dục văn hóa - xã hội, giáo dục bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe,  phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, hầu hết các trung tâm đã phát huy và khai thác tốt sự phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của địa phương xây dựng các chuyên đề phù hợp với nguyện vọng học tập của nhân dân. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các vấn đề về kỹ thuật chăn nuôi, gieo trồng thâm canh, các buổi nói chuyện về thời sự chính trị, văn nghệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phối hợp với trường mầm non, tiểu học, THCS tổ chức tuyên truyền cho cha mẹ học sinh về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục; văn hóa đọc. Hình thức, thời gian tổ chức lớp học theo chuyên đề cũng được cải tiến, tạo sự hấp dẫn, thu hút nhiều người dân tham gia.

Đáp ứng nhu cầu “cần gì học nấy” của người dân, những năm qua, các trung tâm HTCĐ đã phát huy được vai trò, trở thành nơi sinh hoạt hữu ích và tạo nên phong trào học tập sâu rộng cho nhân dân địa phương. Trong điều kiện thực tế người dân đã và đang có nhiều sự lựa chọn học nghề, học văn hóa tại nhiều cơ sở đào tạo, sức hút của các trung tâm HTCĐ cũng bị ảnh hưởng nhiều. Song, với quan điểm tập trung nghiên cứu, tìm tòi và mở các lớp học đúng với nhu cầu của người dân, ban giám đốc các trung tâm vừa tổ chức tuyên truyền, vận động, vừa tiến hành khảo sát nhu cầu học thực tế trong nhân dân, phối hợp mở các lớp học nghề, tập huấn các kiến thức theo chuyên đề một cách sát thực và hiệu quả. Trong công tác tuyên truyền, thông qua hệ thống loa phát thanh, các trung tâm đọc phát đều đặn các bài viết nói về vai trò, hoạt động của mô hình trung tâm HTCĐ, phổ biến thường xuyên các kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cùng nhiều kiến thức quan trọng về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Từ đó, tạo thói quen nghe thông tin và khẳng định tầm quan trọng của trung tâm HTCĐ trong đời sống xã hội.

Được biết, với nhiệm vụ tạo cơ hội cho người dân được học tập suốt đời, các trung tâm HTCĐ đã đa dạng hóa các loại hình học tập. Trước khi tổ chức một lớp học, cán bộ các trung tâm về các khu dân cư gặp gỡ, hướng dẫn và tư vấn giúp người dân hiểu được ý nghĩa, mục đích của lớp học, từ đó đăng ký theo học. Căn cứ vào kết quả khảo sát nhu cầu học tập trong nhân dân, xác định chương trình hoạt động và xây dựng được kế hoạch học tập theo từng tháng, từng quý, cả năm; chủ động phối hợp, vận động hỗ trợ mở các lớp tập huấn cho người dân. Tham gia các lớp tập huấn, người dân địa phương không những được trang bị nhiều kiến thức liên quan tới lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo cách hướng dẫn trực tiếp, mà còn được giới thiệu các nguồn, kênh vay vốn để phát triển kinh tế nên rất phấn khởi. Hay như trong việc tham gia thực hiện các chỉ tiêu phát triển giáo dục, hằng năm, các trung tâm HTCĐ phối hợp với các trường học 3 cấp trên địa bàn tổ chức nhiều chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm, như: dạy nghề cho học sinh lớp 8, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9, đổi mới phương pháp nuôi dạy trẻ mầm non, động viên học sinh bỏ học ra lớp, dạy bổ túc cho người chưa biết chữ…, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

 Bên cạnh đó, việc hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời được các trung tâm HTCĐ tổ chức thường niên cũng là dịp để người dân tham gia vào các hoạt động giao lưu, cuộc thi, tọa đàm, trưng bày sách báo. Cũng trong tuần lễ này, đã có hàng loạt các hoạt động mang tính chuyên môn được tổ chức, như: bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân, nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ và công chức cấp xã, bồi dưỡng và tập huấn cho cán bộ trung tâm HTCĐ… Trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2023, toàn tỉnh có khoảng hơn 400 lớp chuyên đề về các lĩnh vực giáo dục, kỹ năng sống, dạy nghề cho lao động nông thôn, kỹ thuật nông nghiệp chuyển giao công nghệ... được tổ chức tại các trung tâm HTCĐ, thu hút hàng trăm nghìn lượt người tham gia học tập.

Với sự cố gắng, nỗ lực vì mục tiêu hướng đến cộng đồng, mang tới cho người dân nhiều kiến thức phong phú, đa dạng về mọi lĩnh vực theo nhu cầu học tập, tìm hiểu, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, ban giám đốc các trung tâm HTCĐ  đã tích cực kêu gọi xã hội hóa tạo kinh phí tổ chức các hoạt động, các chuyên đề học tập. Đồng thời, thường xuyên bàn bạc, thống nhất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng trong nhân dân; từng bước thể hiện được vai trò của mình trong tham gia xây dựng xã hội học tập, xây dựng trung tâm HTCĐ trở thành địa chỉ học tập được nhân dân tin tưởng.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy