Cậu con trai học lớp 4 của chị Thêm chạy từ nhà hàng xóm về kể với mẹ: Con sang nhà chị Lan, chị ấy lấy ipad mở cho chúng con xem phim người lớn đấy. Chị hỏi con xem được những gì, cậu bé ngây thơ kể cho chị những gì nó đã được nhìn thấy làm chị tá hỏa.
Lấy giọng hết sức bình tĩnh, chị giải thích với con rằng xem như thế là hư, trẻ con không được xem những phim như thế. Cậu bé “thanh minh”: Chị ấy định mở xem hoạt hình “Cô bé siêu quậy và chú gấu xiếc” nhưng tự nhiên nó lại hiện ra như vậy và hỏi như thế sao lại hư…
Thay vì giải thích cho cậu bé hiểu, chị bắt đầu đe nẹt cậu bé: Xem như thế là xấu, sẽ bị công an bắt, bị bỏ tù... Và cuối cùng là cấm cậu bé không được sang đấy chơi nữa, sang là sẽ bị ăn đòn. Vốn nóng tính, chị còn định sang nói cho gia đình nhà hàng xóm “biết đường” để “kín đáo” và dạy con, con bé bên đấy mới học lớp 5, có một đứa em trai học lớp 2 thế mà đã biết những chuyện “tày trời ấy” nhưng chị đã kìm lại được. Chị vẫn nghĩ con mình còn bé, trẻ con mau nhớ mau quên nên sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Bẵng đi một thời gian, chị thấy cậu bé có những hành động lạ và thỉnh thoảng nói những từ rất “bậy”. Tìm hiểu, chị biết những gì cậu bé đã xem, nó không quên. Không những thế, một số bạn trong lớp học của con cũng vì bố mẹ “bất cẩn” con cái biết được hoặc nghe người lớn trò chuyện đã đến lớp kể cho nhau nghe. Chị quát tháo và đã đánh cậu bé khi mỗi lần nghe thấy con nói “bậy”, và lại rất nhiều từ “cấm” được đưa ra. Không những vậy, chị còn quay sang trách cứ cô giáo, nhà trường đã dạy thế nào để các cháu học sinh bây giờ “mới nứt mắt ra” đã “biết hết” như thế.
Giáo viên Trường THCS Liêm Chính, TP. Phủ Lý phát tờ rơi và trao đổi với học sinh về chăm sóc sức khỏe, giới tính.
Khác với gia đình chị Thêm, gia đình chị Nguyệt có 2 cô con gái. Nghe nhiều chuyện trẻ em gái bị xâm hại tình dục, rồi nữ sinh mới lớp 7, lớp 8 đã mang bầu… chị rất lo cho con mình.
Không như chị Thêm chỉ biết đe nẹt con, chị Nguyệt dạy cho con một số cách phòng vệ, đi học dù nhà gần trường chị cũng chở con đi, đón con về. Chị còn cho con xem một số clip trên mạng hoặc các vụ án trong chương trình “Tòa tuyên án” để con thêm hiểu biết. Những vụ xâm hại trẻ em đều đa phần do người quen và thân cận nên chị cũng dặn con gái cách nhận biết và đề phòng.
Không biết con chị hiểu đến đâu nhưng các cháu đi học về đến nhà là khóa cửa ở trong nhà, không ra ngoài chơi cũng chẳng tiếp xúc với ai. Có lẽ cách dạy quá cẩn thận của chị Nguyệt đã làm con cái mình sợ và nghi ngờ tất cả mọi chuyện.
Rất nhiều những câu chuyện xâm hại, quấy rối tình dục trẻ em, trẻ em vị thành niên quan hệ tình dục mang bầu sớm… đã và đang đặt ra yêu cầu bức thiết là phải giáo dục giới tính cho trẻ, giáo dục kỹ năng sống để các em hiểu và biết cách xử lý với những tình huống không mong muốn.
Có nhiều ý kiến cho rằng phải giáo dục giới tính cho trẻ em ngay từ lứa tuổi mầm non, có người cho rằng, lên cấp THCS lúc ấy trẻ bắt đầu dậy thì mới nên giáo dục về giới tính…Và trách nhiệm này ngoài bố mẹ, gia đình còn do các thầy cô giáo và nhà trường, trong đó sách giáo khoa phải đưa nội dung giáo dục giới tính vào giảng dạy…
Đã có rất nhiều cuộc thảo luận, bàn luận, nhưng những kiểu giáo dục con như gia đình chị Thêm, chị Nguyệt vẫn khá phổ biến. Thực ra, chính những người làm cha, làm mẹ họ cũng không được dạy về giới tính, lớn mới tự tìm hiểu, tự biết, các chị cũng không biết cách truyền đạt cho con mình thế nào, tuổi nào thì nên dạy cho các cháu và dạy ở mức độ nào và dạy cách nào để không “vẽ đường cho hươu chạy”.
Giáo dục giới tính một cách cởi mở là sự cần thiết để giảm các hành động có nguy cơ vi phạm đạo đức, pháp luật và trang bị kiến thức cho trẻ em để các em tự tin khi bước vào đời.
Chu Bình
Chu Bình