Gần 100 trường học đang nỗ lực đạt chuẩn quốc gia

Xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG) là một yêu cầu tất yếu của sự nghiệp phát triển và đổi mới giáo dục, đào tạo. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, phong trào xây dựng trường học đạt CQG của Hà Nam nhiều năm qua không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục mà đã được các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội quan tâm

Theo thống kê, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã có 286/380 trường học được công nhận đạt CQG. Các trường chưa được công nhận cũng đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn trong thời gian sớm nhất…

Khu nhà 3 tầng mới được đưa vào sử dụng giúp Trường THPT B Phủ Lý đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Cách đây khoảng 5-6 năm, Trường THPT B Phủ Lý được coi là ngôi trường "chống trượt" của nhiều học sinh có học lực yếu kém ở Phủ Lý. Nguyên nhân chính là do nhà trường nằm ở phường Thanh Châu - một địa bàn tương đối phức tạp về an ninh trật tự, lại có cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục còn hạn chế. Việc xây dựng trường chuẩn đối với nhà trường thời gian này thực sự xa vời… Đứng trước sự đổi mới nhanh, mạnh của nền giáo dục cả nước nói chung, hệ thống các trường học trên địa bàn tỉnh nói riêng, việc "dậm chân tại chỗ" về cả cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục đã khiến nhà trường gặp nhiều bất lợi và bắt buộc phải giải nhanh "bài toán" tự đổi mới.

Bắt đầu bằng sự thay đổi về tư duy, phong cách quản lý của đội ngũ lãnh đạo nhà trường theo hướng tranh thủ sự quan tâm của tỉnh và của ngành, năng động tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới… Từ đó, Trường THPT B Phủ Lý đã từng bước tự khẳng định mình. Đó là chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao trên cả hai mặt: giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được củng cố về số lượng cũng như chất lượng, bảo đảm đáp ứng tốt các nhiệm vụ đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng được sửa chữa, nâng cấp, trang thiết bị giảng dạy cũng được đầu tư đầy đủ và đồng bộ hơn, không chỉ giúp khắc phục tình trạng dạy chay, học chay kém hiệu quả mà còn rút ngắn hơn một bước tiến độ xây dựng trường CQG.

Đến năm học 2016-2017, nhà trường đã có thêm một công trình xây mới khang trang với 9 phòng học bộ môn, cơ bản đủ các phòng học và phòng chức năng phục vụ yêu cầu dạy và học của nhà trường. Theo tiêu chí trường đạt chuẩn, hiện trường vẫn còn thiếu một khu hiệu bộ, phòng điều hành, nhà đa năng mới đủ điều kiện để được công nhận đạt chuẩn. Khó khăn là vậy, song nhà trường vẫn xây dựng kế hoạch, kêu gọi sự đầu tư, hỗ trợ từ nhiều phía để phấn đấu trở thành trường CQG vào năm học 2018-2019, có môi trường giáo dục thân thiện, có chất lượng, tạo được lòng tin của toàn xã hội…

Cũng như Trường THPT B Phủ Lý, hầu hết các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã và đang vượt qua nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để xây dựng trường CQG. Đến nay, quy mô trường lớp các cấp học của tỉnh được củng cố và giữ vững, đáp ứng cao nhu cầu học tập thực tế. Đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc xây dựng trường CQG để nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác xây dựng trường CQG nhận được sự quan tâm, đồng thuận từ nhiều phía…

Cùng với số lượng các trường được công nhận đạt chuẩn tăng, chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục chung cũng phát triển mạnh. Theo đó, ở các trường đạt chuẩn, đội ngũ cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu với 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn ở các cấp học đạt cao, có phẩm chất và năng lực chuyên môn tốt. Trong nhiều năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện của các trường đạt chuẩn có nhiều chuyển biến tích cực. Ở các trường mầm non đạt chuẩn, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 5%, bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần.

Đối với các cấp học phổ thông, tỉ lệ học sinh giỏi của các trường đạt chuẩn luôn đạt mức cao, khoảng 85% ở cấp tiểu học, 45% ở cấp THCS và THPT. Chất lượng học sinh giỏi, điểm thi bình quân vào các trường THPT của học sinh các trường đạt chuẩn luôn cao hơn mức chung. Do có sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nên học sinh tại các trường đạt chuẩn thuận lợi hơn khi học các tiết học thực hành, tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong các môn học, từ đó giúp hình thành năng lực và phẩm chất học sinh theo yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục…

Từ hiệu quả thực tế và những đòi hỏi của quá trình đổi mới giáo dục, việc xây dựng trường học đạt CQG vẫn được coi là vấn đề cấp bách của ngành giáo dục. Toàn ngành phấn đấu đến năm 2020, sẽ có 105/116 trường mầm non đạt chuẩn (trong đó, có 35 trường đạt chuẩn mức 2), 50% số trường tiểu học đạt chuẩn mức 2, 102/116 trường THCS và 19/23 THPT đạt chuẩn. Đến năm 2025, dự kiến xây dựng được 100% trường học các cấp trên địa bàn đạt chuẩn…

Để có thể thực hiện được các chỉ tiêu này, cùng với việc bảo đảm nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục, có kế hoạch củng cố và duy trì kết quả việc xây dựng các trường đã đạt chuẩn sau 5 năm như: tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bồi dưỡng đội ngũ… của ngành giáo dục, còn cần quan tâm giải quyết những khó khăn về kinh phí, quỹ đất dành cho xây dựng trường chuẩn ở các địa phương, ổn định chỉ tiêu về sỹ số học sinh/lớp đối với từng cấp học, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục…

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy