Bảo đảm an toàn trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non

Thực hiện Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non (GDMN); xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, môi trường “học bằng chơi” cho trẻ tại trường, lớp mầm non… việc bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ đã được cấp học mầm non và các cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều biện pháp tích cực và coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu quyết định đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Hằng năm, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan về công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em tại cơ sở GDMN, Sở GD&ĐT đã yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở GDMN, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an toàn cho trẻ. Đồng thời, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ; thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm nhắc nhở, đôn đốc và hướng dẫn các cơ sở GDMN thực hiện nghiêm túc việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ… Do đó, hầu hết các cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh đã chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện; trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được đầu tư đồng bộ, phù hợp độ tuổi, thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng bảo đảm an toàn cho trẻ khi tham gia các hoạt động tại trường, lớp mầm non.

Trường Mầm non Hòa Mạc (Duy Tiên) luôn thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn trường học cho trẻ. Ảnh: Trần Hà

Thời gian qua, trong giờ học của Trường Mầm non Phù Vân (TP Phủ Lý), giáo viên các nhóm, lớp đã tập trung dạy để giúp trẻ nhận biết hành động nguy hiểm cần tránh như: không đi, làm theo yêu cầu của người lạ; không tự mở cửa cho người lạ vào nhà; không nhận quà hoặc đồ chơi, bánh kẹo, sách truyện… từ người không quen biết; nhận biết tình huống nguy hiểm và kêu cứu khi bị người lạ kéo đi, bị đánh, bị bế lên xe; không trả lời người lạ khi bị dò hỏi tên, số điện thoại của bố mẹ… Ngoài ra, trẻ được chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục nhận thức một số hành vi trong ăn uống, thao tác vệ sinh cá nhân. Từ thực tế dạy học, cô Nguyễn Thị Hằng Thiện, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phù Vân cho rằng: Ở lứa tuổi này, trẻ rất nhạy cảm với cái mới, sớm hình thành và phát triển những hiểu biết, kỹ năng nhận biết đúng sai nên nhà trường định hướng cho giáo viên các nhóm, lớp xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn lớp học, trường học và dạy trẻ biết cách giữ an toàn cho bản thân… Giáo dục bảo đảm an toàn cho trẻ diễn ra thuận lợi nhất ở giai đoạn mẫu giáo. Điều này giúp trẻ hình thành và củng cố kỹ năng nhận biết, phòng tránh những nguy cơ không an toàn với bản thân.

Với nhiều cách làm, việc giáo dục bảo đảm an toàn cho trẻ ở trường mầm non có thể được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau như: lồng ghép trong hoạt động học tập, thông qua chế độ sinh hoạt hằng ngày, hoạt động vui chơi… Qua các năm học, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục, triển khai tốt nội dung của chương trình GDMN, cấp học mầm non toàn tỉnh xác định phải thường xuyên tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn cho trẻ khi đến trường, lớp; đẩy mạnh công tác an toàn, an ninh trường học và phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục thực hiện tốt chủ đề năm học “Trường mầm non xanh - An toàn - Hạnh phúc”; triển khai hiệu quả phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách nhà giáo và trẻ em theo quy định nhằm đạt mục tiêu 100% trẻ em mầm non đến các cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh đều được bảo đảm an toàn về thể chất và tinh thần.

Cùng với đó, ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn công tác chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh và kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn trong các cơ sở GDMN để tổ chức tốt bữa ăn bán trú cho trẻ tại trường. 100% các cơ sở GDMN thực hiện hợp đồng thực phẩm với những đơn vị cung ứng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng; các bếp ăn được bố trí theo nguyên tắc một chiều, bảo đảm chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định… Được biết, trong nhiều năm qua, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra sự cố nào liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Sự ứng biến của các nhà trường cho bảo đảm nguồn thực phẩm tương đối linh hoạt, chặt chẽ, kiểm soát tương đối triệt để về mức độ an toàn của thực phẩm và quá trình nuôi ăn đối với trẻ mầm non, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý với độ tuổi, thể trạng của trẻ em nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ về công tác bảo đảm an toàn được các cấp quản lý giáo dục thường xuyên quan tâm. Nội dung chăm sóc nuôi dưỡng, kỹ năng xử lý các tình huống sơ cấp cứu, phòng tránh tai nạn thương tích, phòng tránh một số bệnh thường gặp đối với trẻ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... được đưa vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn chuyên đề hằng năm của ngành Giáo dục tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kĩ năng chăm sóc, giáo dục trẻ, phòng tránh tai nạn thương tích cho người chăm sóc trẻ, cha mẹ trẻ và cộng đồng.

Mặc dù vẫn còn những khó khăn nhất định trong việc duy trì và bảo đảm chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, song ngành Giáo dục và các cơ sở GDMN đã nỗ lực xây dựng, giữ gìn môi trường tốt để trẻ mầm non đến lớp an toàn.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy