kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Luật Thanh niên cần hướng tới khơi dậy tiềm năng của tuổi trẻ

Luật Thanh niên cần hướng tới khơi dậy tiềm năng của tuổi trẻ

Theo chị Nguyễn Thị Phương Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, trên cơ sở xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, vai trò sứ mệnh lịch sử của thanh niên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Luật Thanh niên cần hướng tới khơi dậy tối đa tiềm năng của tuổi trẻ.

Luật Thanh niên được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng, thế mạnh của thanh niên. Bên cạnh đó, có nhiều tác động tích cực đối với công tác đoàn và phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên và chức năng quản lý nhà nước về thanh niên. Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải sửa đổi nhằm hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Tỉnh đoàn tổng hợp những ý kiến đóng góp của đoàn viên thanh niên vào Dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi.

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 6 chương và 62 điều; tăng 26 điều so với Luật Thanh niên năm 2005; trong đó đã bổ sung một số nội dung mới. 

Cụ thể: quy định về đối thoại với thanh niên (định kỳ người đứng đầu chính quyền các cấp có trách nhiệm trực tiếp đối thoại với thanh niên nhằm giải đáp và tháo gỡ các vấn đề có liên quan đến thanh niên); bổ sung quy định về Tháng Thanh niên, bảo đảm nguồn lực (cụ thể hóa chủ trương của Đảng, thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành) thực hiện chính sách phát triển thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; quy định về trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên và đối với một số nhóm thanh niên cụ thể; quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên; quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên; quy định về trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đối với thanh niên.

Thời gian qua, việc đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi đã được Tỉnh đoàn Hà Nam triển khai sâu rộng tới 100% tổ chức đoàn, đoàn viên, thanh niên. Tháng 12/2018, Tỉnh đoàn ban hành kế hoạch triển khai việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo tới các huyện, thành đoàn và các đoàn trực thuộc. 

Theo đó, các chi đoàn đã tổ chức sinh hoạt lồng ghép tìm hiểu nội dung Dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi, từ đó đưa ra ý kiến đóng góp sát với tình hình và nhu cầu, tiềm năng thực tế của thanh niên tại cơ sở. Mạng xã hội đã được phát huy tối đa lợi thế trong việc truyền tải thông tin dự thảo, những nội dung tập trung lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến đóng góp. Việc tham khảo ý kiến nguyên cán bộ đoàn, chuyên gia, nhà giáo dục, bậc phụ huynh cũng được quan tâm, nhằm ghi nhận những đánh giá toàn diện dưới nhiều góc nhìn. Cùng với đó, các cấp bộ đoàn từ tỉnh đến cơ sở triển khai hội nghị cán bộ đoàn chủ chốt nhằm tập trung đóng góp, tổng hợp ý kiến xây dựng dự thảo.

Đa số các ý kiến đều thống nhất với việc cần thiết phải ban hành Luật Thanh niên sửa đổi nhằm bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước, góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng và phát triển thanh niên, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên. Tuy nhiên, luật cần tập trung sửa đổi, bổ sung, tách bạch làm rõ quyền của thanh niên và nghĩa vụ của thanh niên. Điều này giúp cho thanh niên xác định rõ đâu là quyền lợi được hưởng, đâu là nghĩa vụ phải được thực hiện trong các lĩnh vực để nâng cao trách nhiệm với bản thân, với địa phương và đối với đất nước. 

Cần thể chế hóa quyền và nghĩa vụ của thanh niên theo các quyền, nghĩa vụ của công dân vì Hiến pháp 2013 ghi nhận quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong khi Luật Thanh niên hiện hành chỉ quy định 8 nhóm quyền, nghĩa vụ của thanh niên. Cùng với đó, Luật sửa đổi cũng cần bổ sung một số nội dung mà Luật Thanh niên 2005 chưa đề cập đến: Quyền phản biện của thanh niên, đối thoại với thanh niên; chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên…

Đối với những nội dung cụ thể, các ý kiến đóng góp cũng cho rằng: Trong chính sách của Nhà nước đối với nhóm thanh niên đặc thù (bao gồm: thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng, thanh niên khuyết tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma túy, thanh niên sau cải tạo, thanh niên di cư): Khi sửa đổi cần được cụ thể hơn để xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc thực hiện quyền của nhóm thanh niên đặc thù trên các lĩnh vực đời sống xã hội, làm cơ sở để các cơ quan của Chính phủ thể chế thành chính sách; đồng thời xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Trong hoạt động quản lý nhà nước về công tác thanh niên (nội dung, tổ chức bộ máy ở các cấp); trách nhiệm của chủ thể thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thanh niên: Cần được hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương các cấp đối với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; xác định cơ chế phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc chủ trì, phối hợp để tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Luật Thanh niên. Đây là yếu tố nòng cốt trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm sự thống nhất từ trung ương đến địa phương về công tác thanh niên, khắc phục được tình trạng khó khăn, lúng túng trong việc hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Luật Thanh niên.

Theo chị Nguyễn Thị Phương Quỳnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, trên cơ sở xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, vai trò sứ mệnh lịch sử của thanh niên trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Luật Thanh niên cần hướng tới khơi dậy tối đa tiềm năng của tuổi trẻ. Về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, cần nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan khởi nghiệp, sáng tạo để khuyến khích, thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp; cơ chế hỗ trợ thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Việc lấy ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi vẫn đang được triển khai rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân và đặc biệt trong đoàn viên, thanh niên. Qua đó nhằm phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức đoàn tham gia góp ý, xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chính sách liên quan đến thanh niên và công tác thanh niên.

Nguyễn Khánh

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy