Xác định thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ), các cấp công đoàn trong tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở (CĐCS) thương lượng với chủ doanh nghiệp (DN) ký kết và thực hiện tốt thỏa ước tại DN. Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ CĐCS về kỹ năng thương lượng, ký kết, giám sát thực hiện TƯLĐTT và đối thoại tại nơi làm việc. Nhờ đó, đã chăm lo tốt hơn đời sống, việc làm của NLĐ, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN.
Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, KCN Đồng Văn II (Duy Tiên) là một trong các DN thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ NLĐ qua TƯLĐTT. Nhờ vậy, NLĐ được hưởng các quyền lợi cao hơn so với quy định của pháp luật, còn DN cũng xây dựng được đội ngũ NLĐ chuyên nghiệp, trách nhiệm, đoàn kết và ổn định.
Chủ tịch CĐCS Công ty Đỗ Thanh Bình cho hay: Vấn đề cốt lõi khi thương lượng, ký kết TƯLĐTT là phải hài hòa được lợi ích giữa DN và NLĐ. Muốn thương lượng có thực chất, phải hiểu được DN và NLĐ cần gì. Trước khi thương lượng, ký kết thỏa ước, CĐCS tổ chức lấy ý kiến của tập thể lao động làm cơ sở thương lượng.
Đầu năm 2020, công đoàn cùng với DN đã ký bản TƯLĐTT có thời hạn 3 năm với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ cao hơn luật về lương, phụ cấp lương, thưởng, an toàn vệ sinh lao động. Ngoài ra, là các phúc lợi về bữa ăn ca, bữa ăn phụ khi làm thêm giờ, nghỉ mát, hiếu hỷ, ốm đau, thai sản, tham gia kỳ thi ở nước ngoài, thi Olympic… Căn cứ tình hình thực tế tại DN, công đoàn sẽ thương lượng để bổ sung các điều khoản cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi của NLĐ.
Từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nhưng nhiều CĐCS vẫn nỗ lực thương lượng, ký kết các bản TƯLĐTT với chủ DN những nội dung có lợi cao hơn luật quy định đối với NLĐ.
Điển hình như tại Công ty TNHH Anam Electronics, KCN Đồng Văn IV (Kim Bảng), vào cuối tháng 4 vừa qua, công đoàn cùng với công ty đã thống nhất ký kết bản TƯLĐTT gồm 3 chương và 17 điều. Theo đó, DN phải bảo đảm việc làm cho NLĐ trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng, hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được quy định cụ thể, cả sáng và chiều, NLĐ được nghỉ giữa giờ 10 phút.
Ngoài quy định nâng lương định kỳ hằng năm, công ty sẽ xét nâng lương trước thời hạn cho NLĐ trong một số trường hợp như có sáng kiến nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu từ 200 triệu đồng trở lên; phối hợp cùng công ty giải quyết kịp thời những khó khăn, sự cố trong sản xuất làm giảm thiệt hại cho DN; hoàn thành xuất sắc công việc… NLĐ được thưởng hằng tháng, Tết Nguyên đán, thưởng sáng kiến, thưởng thành tích, được bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
Để động viên NLĐ gắn bó với đơn vị, công ty có chính sách trợ cấp đi lại, trợ cấp thâm niên và khoản hỗ trợ đời sống tùy theo chức vụ, cấp bậc vị trí của từng người và được ghi rõ trong hợp đồng lao động. DN phải tạo điều kiện cho CĐCS hoạt động, hỗ trợ kinh phí để CĐCS tổ chức và khen thưởng các phong trào thi đua… Những nội dung trên được DN thực hiện dưới sự giám sát của CĐCS, nhờ đó quyền lợi và môi trường làm việc của NLĐ luôn được bảo đảm.
Theo đánh giá của Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ Lao động, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bùi Trung Hiếu, việc thực hiện tốt công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT tại các DN có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao quyền lợi, phúc lợi của NLĐ. Có nhiều bản thỏa ước có những quy định có lợi cho NLĐ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, tiền thưởng, bảo đảm việc làm, nâng cao kỹ năng tay nghề, an toàn vệ sinh lao động; thực hiện chính sách lao động nữ; bảo đảm chất lượng bữa ăn ca, hỗ trợ đào tạo nghề…
Thực tế cho thấy, ở những DN có ký kết TƯLĐTT với nhiều nội dung có lợi cho NLĐ, CĐCS hoạt động tốt, đời sống NLĐ được quan tâm, quan hệ lao động rất ổn định và tiến bộ. 6 tháng đầu năm 2021, có 55 bản TƯLĐTT được ký mới và bổ sung, nâng tổng số bản thỏa ước toàn tỉnh lên 359/463 DN có tổ chức công đoàn, đạt tỷ lệ 77,5%. Trong số 256 bản thỏa ước được chấm điểm xếp loại có 15 bản loại A, 119 bản loại B, 94 bản loại C, 28 bản loại D.
Dù đạt được những kết quả tích cực, song theo đánh giá của LĐLĐ tỉnh, việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT vẫn còn tồn tại, hạn chế. Số bản TƯLĐTT được thương lượng, ký kết chưa theo đúng trình tự, quy định của pháp luật lao động còn nhiều dẫn đến TƯLĐTT vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất.
Chất lượng các bản TƯLĐTT tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ. Còn không ít TƯLĐTT sao chép các quy định của pháp luật, không có điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. Số bản TƯLĐTT có nhiều nội dung có lợi cho NLĐ, đặc biệt về tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động còn ít, chủ yếu vẫn tập trung vào các nội dung liên quan đến phúc lợi cho NLĐ.
Nguyên nhân của tình trạng này là do đội ngũ cán bộ CĐCS đều kiêm nhiệm, ít có thời gian nghiên cứu các văn bản luật cũng như nắm bắt nguyện vọng của NLĐ, tình hình DN để có thể đưa ra thương lượng, đàm phán với chủ DN những chính sách thực sự có lợi cho NLĐ.
Để bảo đảm quyền lợi lâu dài của NLĐ, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các CĐCS tổ chức tốt thương lượng nhằm nâng cao số lượng và chất lượng các bản TƯLĐTT. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện những nội dung đã ký kết của DN đối với NLĐ.
Để có những bản TƯLĐTT thực sự vì quyền lợi của NLĐ, tổ chức CĐCS cần phải khẳng định vai trò đại diện của mình. Cán bộ CĐCS cần tích cực học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, tham khảo những bản thỏa ước tiên tiến từ bên ngoài để tư vấn, hướng dẫn NLĐ đưa ra những điều khoản thương lượng mang tính tích cực. Chủ động tham mưu để chủ sử dụng lao động thường xuyên có những thay đổi, bổ sung phù hợp thực tế vào thỏa ước. Công đoàn cấp trên cơ sở cũng cần chú trọng hơn nữa công tác tập huấn kỹ năng thương lượng, kiến thức pháp luật giúp cán bộ công đoàn tự tin đàm phán với chủ DN để có thể đưa ra những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ.
Hải Yến