Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Kim Bảng hiện có hơn 22 nghìn hội viên, sinh hoạt tại 18 cơ sở hội. Thời gian qua, hội đã thực hiện tốt công tác ủy thác nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, từ đó giúp nhiều hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình chị Đoàn Thị Huyên, thôn Thọ Lão 1, xã Hoàng Tây (Kim Bảng) đã có khu trang trại VAC trị giá hàng tỷ đồng. Chia sẻ về thành công trong chăn nuôi, chị Huyên cho biết: Trước đây, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Năm 2000, chị được Hội LHPN xã Hoàng Tây cho vay nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị mạnh dạn đầu tư mở rộng phát triển trang trại chăn nuôi tổng hợp. Hiện tại, trang trại của gia đình chị có quy mô gần 2 mẫu, thường xuyên duy trì hơn 1 nghìn vịt đẻ, hơn 1 nghìn ngan và gần 200 con lợn… với tổng doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng.
Cùng ý tưởng chăn nuôi như chị Huyên, chị Nguyễn Thị Thu, thôn Tân Lang, xã Tân Sơn (Kim Bảng) được Hội LHPN xã cho vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, để đầu tư vào chăn nuôi theo hình thức công nghiệp. Với diện tích chỉ hơn 200m2 gia đình chị thường xuyên duy trì gần 2 nghìn vịt Super, hằng năm trừ chi phí cho thu nhập ổn định.
Nói về hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội do hội quản lý, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kim Bảng cho biết: Xác định công tác vay vốn là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, hằng năm, Hội LHPN huyện đã chủ động, tập trung triển khai việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên, quán triệt hội viên thực hiện trách nhiệm vay trả theo đúng quy định. Hằng tháng, duy trì sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn, đôn đốc thu lãi thu gốc vốn vay, kiểm tra sử dụng vốn vay đúng mục đích đạt hiệu quả, định kỳ kiểm tra 100% hộ vay vốn.
Bên cạnh đó, hội đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội phụ trách hoạt động ủy thác và tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát, hướng dẫn các đối tượng sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả đồng vốn, bảo toàn nguồn vốn. Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, không để xảy ra hiện tượng lợi dụng vốn tín dụng chính sách trong quá trình thực hiện.
Tính đến hết tháng 5/2023, hơn 3 nghìn hội viên phụ nữ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội LHPN huyện quản lý, với tổng dư nợ trên 188 tỷ đồng, bao gồm: Cho vay hộ nghèo, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn… Cùng với việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, từ đầu năm 2023 đến nay, Hội LHPN các cấp còn phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về gieo sạ, kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi... cho hơn 10 nghìn hội viên phụ nữ. Xây dựng và duy trì các mô hình “Tổ phụ nữ thu gom phế thải tiết kiệm giúp phụ nữ và trẻ em nghèo”; mô hình “Tổ phụ nữ tiết kiệm giúp nhau mua BHYT”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”, tổ chức thăm tặng quà 62 phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 20 triệu đồng. Nhờ những chính sách ưu đãi, sự giúp đỡ quan tâm của hội, số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đã giảm dần qua các năm. Chỉ tính từ năm 2022 trở lại đây, hội đã giúp đỡ được hằng trăm hộ phụ nữ thoát nghèo bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kim Bảng cho biết thêm, thời gian qua, hoạt động ủy thác cho vay vốn tại Hội LHPN huyện đã tác động tích cực trong việc tạo nguồn vốn giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững. Các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy được hiệu quả nguồn vốn vay, từ đó không chỉ tạo điều kiện giải quyết việc làm cho hội viên mà còn làm cơ sở thu hút, tập hợp chị em vào tổ chức hội, hăng hái tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.
Thời gian tới, hội tiếp tục triển khai, khai thác, quản lý tốt nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ làm chủ hộ giảm nghèo bền vững. Chú trọng xây dựng các mô hình mới do phụ nữ làm chủ, nhân rộng các mô hình tổ liên kết sản xuất, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân; khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Xuân Tuân