Những năm qua, hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều hội nghị giám sát, phản biện xã hội. Qua đó, không chỉ thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định của pháp luật, mà còn thực hiện chức năng đại diện cho các tầng lớp phụ nữ theo Điều lệ hội, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao vai trò, trách nhiệm của hội trong tham gia quản lý nhà nước.
Hằng năm, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thành phố Phủ Lý đều xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Trung bình mỗi năm, Hội LHPN thành phố tổ chức được 1- 2 cuộc giám sát về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như: chế độ nuôi ăn bán trú; công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; chế độ chính sách đối với phụ nữ khuyết tật, phụ nữ cao tuổi và trẻ mồ côi...
Bà Trần Thị Tám, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Phủ Lý cho biết: Thực hiện các quyết định, quy định, hướng dẫn của cấp trên về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội những năm qua, Hội LHPN thành phố đã tổ chức triển khai, quán triệt các nội dung, hướng dẫn về công tác này tới 100% hội LHPN các cấp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện trong toàn hội. Hội LHPN thành phố cũng thành lập ban kiểm tra thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, Điều lệ hội, kiểm tra các nguồn vốn vay ngân hàng, nắm bắt tư tưởng, đời sống của hội viên phụ nữ trên địa bàn và chỉ đạo hội LHPN các xã, phường tổ chức kiểm tra đối với 143 chi hội, bảo đảm các cơ sở đều thực hiện các chính sách vốn vay kịp thời, đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách…
Theo báo cáo công tác hội và phong trào phụ nữ nửa nhiệm kỳ 2021 - 2026, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn chuyên đề về kỹ năng, phương pháp giám sát theo Quyết định số 217- QĐ/TW ngày 12/2/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội và Quyết định 218 - QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thông qua hình thức trực tuyến cho 1.236 cán bộ hội cấp huyện, thị xã, thành phố và cơ sở; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, quán triệt nội dung Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 06/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho 240 cán bộ hội cấp tỉnh, huyện và cơ sở. Hội LHPN tỉnh chủ trì tổ chức 3 cuộc giám sát phản biện thông qua hình thức lấy ý kiến tham gia bằng văn bản đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh; tổ chức hội nghị phản biện dự thảo Nghị quyết quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế mà không phải là dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Hội LHPN cấp huyện, thị xã, thành phố tổ chức 28 hội nghị giám sát, phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp tham gia giám sát 40 cuộc; 100% cơ sở hội tổ chức thực hiện 245 hội nghị giám sát. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu, phối hợp tổ chức thành công hội nghị đối thoại giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh với cán bộ, đoàn viên, hội viên phụ nữ; hội nghị đối thoại giữa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh với cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân xã Đồng Du (Bình Lục). Cùng với đó, chỉ đạo hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp tổ chức thành công hội nghị đối thoại giữa bí thư, chủ tịch cấp huyện với cán bộ hội viên phụ nữ và nhân dân. Các cấp hội cơ sở tham mưu cấp ủy, chính quyền, phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp tổ chức 67 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với cán bộ, hội viên các đoàn thể. Tại các buổi đối thoại, cán bộ, hội viên phụ nữ đã đưa ra nhiều ý kiến về các lĩnh vực giao thông xây dựng, tài nguyên môi trường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thực hiện một số dự án trên địa bàn huyện; các chính sách xã hội; công tác cán bộ, tài chính - ngân sách, các lĩnh vực vệ sinh môi trường, văn hóa văn nghệ; việc chi trả qua thẻ ngân hàng cho các đối tượng chính sách; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; công tác thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao…
Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng công tác giám sát và phản biện xã hội được các cấp hội phụ nữ triển khai, thực hiện trong thời gian qua đã góp phần quan trọng để chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương nhanh chóng đi vào thực tế đời sống và phát huy hiệu quả thiết thực. Qua đó, kịp thời phát hiện và đề xuất nhiều giải pháp quan trọng với các cấp, ngành có thẩm quyền xử lý những vấn đề bức xúc trong dư luận.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực giám sát, phản biện cho cán bộ hội các cấp. Hằng năm, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền phối hợp với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hội. Chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ, các đoàn thể liên quan thực hiện giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo kế hoạch; theo dõi, giám sát việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của các tổ chức, cá nhân sau giám sát, phản biện và góp ý.
Xuân Tuân