Tục thờ cúng thành hoàng độc đáo ở đình Lãm

Đình Lãm (tổ dân phố Lãm, thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm) tọa lạc phía Đông của tổ phố, mặt quay hướng Đông Nam nhìn ra cánh đồng rộng thoáng, trên thế đất “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”. Phía Đông đình có sông Kinh Thủy bắt nguồn từ hồ Bầu Cừu chảy uốn lượn qua trước đình, phía Tây đình có núi Hang, núi Tháp; phía Bắc là núi Cõi, núi Đò. Theo các nguồn tư liệu hiện còn lưu giữ tại di tích và Bảo tàng tỉnh cũng như qua lời kể của các vị cao tuổi tại địa phương thì tổ dân phố Lãm lập thờ 5 vị thần bao gồm: 3 vị thờ tại đình làng là Đức Bình Thiên Đại vương; Hồng Mai Công chúa; Đức Bản Cảnh và 2 vị thờ ở miếu là Sơn Tinh Công chúa (miếu Cửa Hang), Bạch Hoa Công chúa (miếu Cửa Chùa). Đây đều là những vị thần có công với dân với nước thời kỳ đầu dựng nước.

Đình Lãm được xây dựng khá quy mô, bề thế với bố cục bằng theo kiểu chữ nhị gồm 2 tòa 8 gian. Mặc dù đã trải qua nhiều lần tu bổ xong công trình kiến trúc hiện nay vẫn giữ được nguyên vẹn phong cách cổ truyền của dân tộc. Đình còn lưu giữ nhiều đồ thờ hiện vật có giá trị, có niên đại hàng trăm năm, góp phần bổ sung nâng cao giá trị cho di tích. Không chỉ mang những giá trị về vật thể, các nét văn hóa phi vật thể ở đây cũng rất phong phú, đa dạng có giá trị cao cho công tác nghiên cứu về đời sống văn hóa tâm linh của vùng. Điều đó thể hiện đậm nét trong lễ hội đình Lãm và phong tục thờ cúng các vị thành hoàng làng.

Tục thờ cúng thành hoàng độc đáo ở đình Lãm
Nơi đặt lăng mộ Đức Bình Thiên Đại vương. Ảnh: Bình Chu

Hằng năm tại đình tổ chức nhiều kỳ lễ theo các tiết âm lịch trong năm, tuy nhiên có ba kỳ lễ dân làng đặc biệt chú trọng là kỳ lễ ngày mùng 4 tháng Giêng là ngày sinh của hai vị công chúa; kỳ lễ ngày mùng 2 tháng 3 - ngày hóa của Bình Thiên Đại vương và kỳ lễ ngày 24 tháng 6 – ngày hóa của Hồng Mai Công chúa. Theo lệ làng, trong các kỳ giỗ kỵ của ba vị thần hoàng làng đều tổ chức tế lễ hết sức nghiêm cẩn. Đồ lễ trong các kỳ hội cơ bản là như nhau, trong mỗi kỳ đồ lễ đều phải chuẩn bị làm hai loại là Trai bàn và Diêm bàn, sắp xếp theo nguyên tắc “Thượng trai bàn, hạ diêm bàn”. Đồ lễ chay gọi là “trai bàn” dùng để dâng cúng thành hoàng trong ban hậu cung, còn đồ mặn gọi là “diêm bàn” sẽ đặt ở ban công đồng. Trong kỳ hội tháng Giêng, đồ trai bàn có thêm món dưa muối từ cây khoai nước và chè củ ấu.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ dân phố Lãm cho biết: Theo định lệ, trước đây làng bỏ ra 5 mẫu, 5 sào ruộng công gọi là ruộng thần điền để canh tác lấy hoa lợi hàng năm phục vụ việc hương khói thường niên và dùng vào việc tế lễ, nếu thiếu thì các đầu đinh sẽ đóng góp thêm, thừa thì tích góp để tu sửa đình miếu. Luân phiên nhau mỗi năm làng cử ra một người trên 40 tuổi yêu cầu gia đình phải đủ trai gái làm “đầu giai” để lo việc cúng lễ và quán xuyến chuẩn bị đồ lễ. Các đồ lễ mặn thì tương đối phổ biến như các lễ hội khác trong vùng, nhưng với đồ chay ngoài xôi, oản, quả… người dân nơi đây có chuẩn bị thêm món rất đặc biệt đó là món dưa muối từ cây khoai nước. Cây khoai nước được trồng quanh năm và rất phổ biến trong vùng, với đặc tính là rất ngứa nên khi dùng để muối dâng thánh sẽ cần những yêu cầu như: khoai phải được trồng trên phần ruộng công điền, cây khoai phải có tuổi từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng và chỉ thu hoạch vào đầu năm mới ăn được. Cây khoai mang về sẽ được tước vỏ, chẻ dọc bằng một dây thép nhỏ kéo căng trên chạc gỗ, sau đó phơi cho tái. Khi thân khoai đã tái, cắt khúc cho vào vại sành, đổ nước, cho muối vừa ăn cùng riềng vàng giã nhỏ sau đó nén lại bằng phên tre. Khoảng 5 đến 7 ngày sau thấy dưa có màu ngả vàng, có vị chua thanh, dai, giòn là đạt yêu cầu dâng lên cúng thánh. Ngoài món dưa muối trên thì món chính trong trai bàn là món chè củ ấu. Theo lệ làng để ra 2 sào ao để thả cây củ ấu và chè củ ấu chỉ được dùng từ ao này để dâng thánh. Cây củ ấu thường được thả vào tháng 6 hằng năm, đến mùa tháng Chạp sẽ được thu hoạch. Vì củ ấu có gai nên việc thu hoạch khá cẩn thận. Người ta phải ngồi trên thuyền khéo léo vớt những cây ấu lên và hái củ (quả). Có người sợ bị gai ấu đâm thì dùng thân cây chuối khua mạnh cho củ ấu cắm và thân chuối rồi hái từng củ. Củ ấu hái về ngâm vào nước rửa sạch bùn đất sau đó tiến hành chọn kỹ từng củ một và phơi khô.

Theo các vị cao niên củ ấu ngon có kích thước vừa, vỏ khô và có bề mặt hơi xù xì, khi cầm lên cảm thấy chắc tay và khi lắc không phát ra tiếng kêu bên trong, đó là những củ ấu đặc thịt, vị rất ngọt và mát. Sau khi chọn xong củ ấu sẽ được cho vào nồi luộc trong khoảng gần nửa tiếng. Để củ ấu giữ được vị ngọt, người ta chỉ đổ nước vừa phải không đầy quá và cho thêm một ít hạt muối cho đậm vị. Khi ấu chín lột sạch lớp vỏ cứng bên ngoài, lấy phần nhân bên trong cho vào cán nhuyễn thành bột dẻo. Khi bột đã dẻo, cho thêm mật với tỉ lệ một thìa mật bốn thìa ấu cho vào nồi đổ nước ngang tầm đun lửa nhỏ. Trong quá trình đun phải liên tục quấy đều để món chè không bị bén vào nồi. Đun ước trừng 15 phút chè sánh lại là đạt. Chè chín sẽ được chia đều ra các bát đợi nguội dâng lên cúng thánh.

Tục thờ cúng thành hoàng độc đáo ở đình Lãm
Đình Lãm, thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm. Ảnh: Bình Nguyên

Trong kỳ lễ đầu năm làng còn tổ chức tục săn cuốc vào buổi sáng sớm ngày mồng 4 với ước mong xua đuổi đi những vận đen để làng có một năm sinh cơ thuận lợi. Tham gia săn là những trai làng mạnh khỏe, họ tiến hành giăng một cái lưới lớn sát nền đất ruộng ngoài cánh đồng làng. Khi trong đình chiêng trống nổi lên, trong làng mâm, nồi, thúng, mẹt… gõ inh ỏi, hội đuổi cuốc bắt đầu diễn ra. Họ đem que, gậy tìm cuốc ở bờ tre, bụi cây rồi sau đó dàn hàng ngang dồn cuốc về tấm lưới đã giăng. Tục này hằng năm chỉ mang tính tượng trưng vì có thể bắt được cuốc có thể không. Tục săn cuốc đầu năm là nét văn hóa dân gian độc đáo của một vùng quê, thể hiện mong ước của người dân nông nghiệp cho một năm mới có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Các kỳ hội hằng năm tại đình Lãm đều thu hút đông đảo bà con dân làng cũng như khách thập phương về dự. Đây là nét văn hóa truyền thống đã được duy trì từ lâu đời ở nơi đây. Nội dung trong các kỳ lễ hội thể hiện đời sống tâm linh phong phú, đa dạng bởi ở đó các vị thành hoàng, thánh mẫu đều được tôn vinh một cách trang trọng và nghiêm cẩn nhất trong ngày hội. Với những giá trị vật thể và phi vật thể độc đáo đình Lãm đang được cơ quan chuyên môn lập hồ sơ di tích đề nghị Hội đồng xét duyệt hồ sơ xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật và lịch sử cấp tỉnh, tạo cơ sở pháp lý để địa phương bảo tồn và phát huy giá trị của di tích ngày một tốt hơn.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy