Mưa phùn lất phất giữa tiết trời se lạnh vương trên chùm quất căng mọng và những cành đào nụ đơm ken dày, báo hiệu một mùa Xuân mới đã về khiến lòng người xốn xang, rộn rã. Ai cũng muốn sớm hoàn tất công việc để được đón Tết cổ truyền bên gia đình với tâm thế thoải mái nhất, mong muốn ấy in sâu trong tiềm thức bao thế hệ người Việt, thôi thúc những người con xa quê trở về.
Dù xưa hay nay, công đoạn chuẩn bị Tết cũng được dự định từ rất sớm, bởi với người Việt, Tết đã bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp, ngày “ông Táo lên chầu trời” hay còn gọi là Tết Táo quân. Phong tục từ xưa truyền lại, Táo quân là vị thần bảo vệ gia đình, có nhiệm vụ báo cáo mọi việc tốt, xấu của gia chủ trong một năm qua với Ngọc hoàng. Chính vì vậy, dù giàu, nghèo, gia đình nào vào những ngày này cũng đều chuẩn bị mâm cơm cúng cẩn thận, đầy đủ và không thể thiếu ba bộ mã giấy. Kể cả ngày nay khi cuộc sống bận rộn hơn, một số thủ tục lễ nghi được đơn giản hóa thì văn hóa tiễn ông Táo về chầu trời vẫn rất được chú trọng.
Đa số các gia đình sẽ tổ chức lễ cúng ông Táo trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, bởi dân gian quan niệm sau 12 giờ trưa ông Táo lên chầu trời không nhận được lễ vật nữa. Nhưng vài năm gần đây, ngay sau rằm tháng Chạp, người dân đã bắt đầu cúng ông Công ông Táo, việc chuẩn bị cỗ cúng cũng đỡ vất vả hơn nhờ sự xuất hiện ngày càng nhiều dịch vụ tiện ích. Cùng với đó, một số công đoạn cũng được tối giản để có thể sắp xếp thêm thời gian bao sái lại bàn thờ gia tiên và thảnh thơi sắm sửa một cái Tết viên mãn, đủ đầy. Một năm mở đầu bằng Tết Nguyên đán và kết thúc bằng Tết ông Táo vào 23 tháng Chạp. Tiễn ông Táo về chầu trời, chia tay mọi vất vả, muộn phiền của năm cũ, tâm hồn của mỗi người cũng trở nên thanh thản, nhẹ nhõm hơn để sẵn sàng tâm thế bước vào một năm mới với những mong cầu bình an, hạnh phúc.
Nhớ Tết xưa, từ khoảng 25 tháng Chạp trở đi, các nhà đã tất bật chuẩn bị gạo, đỗ, thịt hành, lá dong… gói bánh chưng. Bánh chưng là món không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên những ngày Tết. Quang cảnh mọi người trong nhà vui vẻ cùng nhau rửa lá dong, tước lá, chẻ lạt, ngâm gạo, đỗ, ngồi canh nồi bánh bên bếp lửa hun đỏ… mới thật sự gợi lên không khí Tết đã đến rất gần. Tết nay đã vơi dần cái cảnh giết gà, mổ lợn, giã giò, gói bánh, nhất là ở nơi đô thị, thành phố. Công việc, học tập dồn dập những ngày cuối năm thành thử việc mua sắm Tết thường phải lui tới tận hai chín, ba mươi. Chỉ cần vài vòng xe ngoài chợ, hoặc đơn giản hơn là dạo qua các quầy trong siêu thị đã đủ để sắm mọi thứ, từ bánh kẹo, hoa quả, mứt, bia rượu đến thịt cá, rau củ, bánh chưng, xôi, gà…
Chưa kể, thay vì chú trọng “ăn” Tết như trước, Tết nay còn là dịp nghỉ ngơi hiếm hoi của những người bận rộn. Một số gia đình đã biến ngày nghỉ lễ dài này thành kỳ nghỉ dưỡng, để thăm thú, trải nghiệm một nền văn hóa mới, một miền đất mới. Và như vậy, những lễ lạt quà cáp, những chúc tụng thăm hỏi… đều trở nên giản tiện nhất có thể. Nhưng dẫu sự chuẩn bị cho Tết có tối giản hơn, phong vị đặc trưng của Tết cổ truyền vẫn đậm đà theo nét riêng của nó, vì dù văn hóa vốn dĩ luôn động và có tính mở cao, thì văn hóa Tết vẫn luôn là những giá trị tinh hoa nhất của một dân tộc.
Một trong những thứ quan trọng nhất của Tết Nguyên đán trong quan niệm người Việt là cúng cỗ tất niên và mâm cúng đêm giao thừa. Bữa cơm tất niên là bữa cơm họp mặt cuối năm để mọi người trong gia đình cùng ôn lại vui buồn của năm qua, chuẩn bị bước sang năm mới tràn đầy hy vọng mọi sự sẽ tốt đẹp hơn. Vì lẽ đó, dù công việc có bận rộn đến nhường nào thì đêm 30 Tết ai cũng mong mình được ở bên gia đình, bên những người thân thương để cùng đón giao thừa. Trong thời khắc chuyển giao thiêng liêng ấy lòng người như chùng xuống, thấy trân trọng biết bao sự đầm ấm của gia đình.
Với mâm cúng giao thừa, đồ cúng phải được chuẩn bị trước từ chiều tối ngày ba mươi, để đến đúng không giờ ngày mồng một, giây phút giao thừa thiêng liêng nhất, là thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, trời đất giao hòa làm một, khi các thành phố, đô thị bắn pháo hoa, nhà thờ, nhà chùa ngân vang tiếng chuông, các gia đình bắt đầu thắp tuần hương mới cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc. Mọi lễ vật, đồ thờ cúng, mâm ngũ quả cũng luôn được các gia đình bày biện tươm tất để những ngày Tết luôn ấm áp hương khói, thành kính tưởng nhớ tổ tiên, mong cầu no ấm, yên vui, xua đi những điều không may mắn của năm cũ.
Tết còn rất nhiều phong tục, nếp sống đã hằn in trong nhận thức của bao thế hệ. Với nhiều gia đình, gần như đã trở thành truyền thống trong dòng tộc, vào ngày Tết, mọi người cùng nhau lên chùa cầu may, chúc Tết bố mẹ, ông bà, lì xì mừng tuổi con cháu; đi thăm hỏi, chúc Tết bạn bè, láng giềng; quây quần bên mâm cơm đoàn viên…
Ngoài ra, dịp Tết còn có những giờ khắc đẹp nhất để các bạn học sinh, sinh viên, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ… khai bút; những người nông dân, kinh doanh, sản xuất xuống đồng, mở hàng; các tổ chức đoàn thể xã hội và gia đình chuẩn bị lễ mừng thọ các bậc cao niên, tổ chức lễ hội, trò chơi dân gian… Tết cũng là mùa lễ hội lớn nhất trong năm, người người, nhà nhà tìm đến lễ hội để được tham gia vào những trò chơi dân gian, được hòa mình vào không khí Xuân vui tươi đầm ấm, để được gần nhau hơn, thấy tâm hồn dịu lại, quên đi những lo toan thường nhật, khơi gợi trong mỗi con người một ý thức sống đẹp, sống có văn hóa và trách nhiệm.
Tết xưa, Tết nay, cách đón Tết mỗi thời có thay đổi nhưng tâm hồn con người khi Xuân sang có lẽ chẳng mấy đổi thay. Bởi Tết cổ truyền với ý nghĩa to lớn và những giá trị không thể thay thế đã và sẽ luôn là một phần quan trọng sâu kín, trường tồn trong tiềm thức mỗi người, là nét đẹp văn hóa dân tộc mà chúng ta luôn gìn giữ, vun đắp, trao truyền, tiếp nối./.
Thanh Vân