Tri ân Chúa Nguyễn 'khai sinh' chiếc áo dài

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa phối hợp với Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc tổ chức húy kỵ và tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát tại lăng Trường Thái và Triệu Tổ Miếu (Thừa Thiên - Huế).

Tri ân Chúa Nguyễn khai sinh chiếc áo dài
Đoàn hành lễ dâng hoa tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát.

Tại lăng Trường Thái (làng La Khê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), tức lăng Thế Tôn Hiếu Vũ Hoàng Đế Nguyễn Phúc Khoát, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã thành kính dâng hương, dâng hoa tri ân, tưởng nhớ đến Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát.

Tiếp đó, tại Hoàng thành Huế, trên 300 người mặc áo dài tham gia Đoàn hành lễ rước hoa qua Ngọ Môn, cửa Hiển Nhơn vào Triệu Tổ Miếu để làm lễ dâng hoa tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát - người “khai sinh” ra chiếc áo dài. Sau đó, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc Tộc tiếp tục đứng lễ, tổ chức húy kỵ Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát theo nghi thức truyền thống.

Tri ân Chúa Nguyễn khai sinh chiếc áo dài
Đoàn hành lễ dâng hoa tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát. 

Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765), húy là Hiểu, hiệu Vũ Vương, là vị chúa Nguyễn thứ tám trị vì Đàng Trong từ năm 1738 đến 1765. Thời chúa trị vì, đất đai, điền thổ được mở mang, góp phần hoàn thành công cuộc Nam tiến của dân tộc. Lãnh thổ Việt Nam đến thời điểm này về cơ bản đã được định hình xong.

Nhiều cải cách được ban hành trong thời chúa Nguyễn Phúc Khoát trị vì như: phủ đổi thành điện, những gì trình lên vua gọi là tấu, Thân quân gọi là Vũ lâm quân, Văn chức đổi là Hàn lâm viện. Bộ máy hành chính chia làm 6 bộ, gồm: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình và Công.

Đặc biệt, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành quy định nhằm định chế lại chế độ y quan trong triều chính, quy định lại chiếc áo dài của cả nam lẫn nữ nhằm phân biệt y phục giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Vì vậy, áo dài được hình thành từ đời chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát là người có công lao to lớn trong việc đề xuất chủ trương, thực thi cải tổ triều phục, cải cách trang phục trong lịch sử. Vấn đề cải cách trang phục dưới thời Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát không chỉ dừng lại ở hình thức mà còn phản ảnh tinh thần thống nhất, tự chủ về văn hóa. Từ đó, áo dài đã trở thành trang phục chính thức của mọi tầng lớp trong xã hội, mang đậm bản sắc văn hóa và trở thành quốc phục dân tộc Việt Nam.

Tri ân Chúa Nguyễn khai sinh chiếc áo dài
Đoàn hành lễ tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát.

Nhà thiết kế áo dài Trần Thiện Khánh (Thừa Thiên - Huế) cho biết, bản thân rất vinh dự được tham gia vào buổi lễ, qua đó thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ đến công lao to lớn của Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Trong buổi lễ, cùng với những trang phục áo dài truyền thống Cung đình Huế, nhà thiết kế cũng giới thiệu đến các du khách và người xem những bộ áo dài mang hơi hướng Cung đình bên cạnh nét trẻ trung, hiện đại.

“Điểm nhấn của các bộ áo dài là màu sắc, chất liệu gấm lụa và họa tiết đều được lấy cảm hứng từ Long Bào, trang phục Nhật Bình của các Vua Chúa, Hoàng hậu xưa” - Nhà thiết kế Trần Thiện Khánh chia sẻ.

Cũng như nhà thiết kế Trần Thiện Khánh, tại lễ húy kỵ và tri ân Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát, gần 40 bộ áo dài của các nhà thiết kế áo dài tại Thừa Thiên - Huế cũng được giới thiệu, thể hiện sự tri ân đến vị Chúa Nguyễn khai sinh quốc phục của dân tộc.

Mai Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.