Những năm gần đây, hoạt động xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại thôn, tổ phố trong tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm phối hợp, chỉ đạo triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tự quản, giữ gìn, phát huy phong tục tập quán văn hóa truyền thống, hỗ trợ hoạt động quản lý nhà nước, giữ vững ổn định an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Hiện nay, nhiều thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai, xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước bảo đảm phù hợp với nội dung quy định tại Quyết định 22/2018/QĐ-TTg ngày 8/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước và các văn bản có liên quan.
Để xây dựng hương ước, quy ước thôn, tổ phố, trước tiên, ban soạn thảo hương ước, quy ước của thôn, tổ phố họp bàn, xây dựng bố cục cũng như những quy định chung nhất của hương ước, quy ước. Sau đó, đưa ra thảo luận trước nhân dân để thu thập, bổ sung nội dung theo những ý kiến đóng góp phù hợp, sát thực.
Sau khi tổng hợp, sửa đổi, bản hương ước, quy ước được UBND cấp huyện thẩm định và ban soạn thảo, cộng đồng dân cư tiếp tục hoàn chỉnh, phổ biến sâu rộng đến mọi người dân thông qua các cuộc họp chi bộ, ban công tác mặt trận, các đoàn thể, trên hệ thống truyền thanh cơ sở và các buổi sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời được in ấn, đặt trong tủ sách pháp luật để nhân dân tiện nghiên cứu, vận dụng thực hiện và theo dõi thực hiện.
Thông thường, bản hương ước, quy ước thôn, tổ phố có 3 phần chính. Phần thứ nhất: Lời nói đầu, thể hiện lịch sử, vị trí địa lý, đặc điểm dân cư của đơn vị thôn, tổ phố. Phần hai là những quy định cụ thể, tập trung vào một số vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động tự quản của thôn, tổ phố như: quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; quy định trong quan hệ gia đình, xã hội; chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự… Phần thứ ba là những quy định về tổ chức thực hiện, khen thưởng, xử lý vi phạm.
Là một công cụ tự quản của cộng đồng ở cơ sở, hương ước, quy ước góp phần khắc phục, bổ sung cho vai trò quản lý của Nhà nước ở thôn, tổ phố. Nói cách khác, đó là sự cụ thể hóa hơn những điều khoản của pháp luật nhà nước cho phù hợp với điều kiện ở cộng đồng dân cư cơ sở. Vì vậy, dùng hương ước, quy ước là công cụ quản lý gián tiếp của Nhà nước ở cộng đồng dân cư cơ sở là điều cần chú trọng phát huy, bởi sự hữu ích, phù hợp và thực tế. Việc xây dựng hương ước, quy ước mới hầu hết đều dựa trên những điểm tích cực, tiến bộ, đồng thời xóa bỏ những hạn chế, lạc hậu của những hương ước, quy ước cũ.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, công chức Văn hóa - Xã hội, Tôn giáo xã Thanh Tân (Thanh Liêm) cho biết: Qua tổng hợp, những bản hương ước của thôn trên địa bàn xã đều có nhiều nội dung quy định mới, tiến bộ, thay đổi phù hợp với quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn; quy hoạch nghĩa trang; tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội… Đặc biệt, việc phối hợp thực hiện hương ước trong thực thi các quy định nhà nước còn được thể hiện rõ nét: khi đăng ký kết hôn tại xã, các cặp đôi được tuyên truyền, hướng dẫn làm bản cam kết không vi phạm những quy định về tổ chức đám cưới trong hương ước và được hướng dẫn thực hiện. Nếu trong quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất có phát hiện những sai phạm so với hương ước sẽ được kịp thời nhắc nhở, hoặc đưa ra kiểm điểm trước cộng đồng dân cư, áp dụng theo các chỉ tiêu thi đua cuối năm của thôn.
Tuy phát huy được nhiều giá trị tích cực, song trong quá trình triển khai thực hiện hương ước, quy ước thôn, tổ phố vẫn còn một số hạn chế cần quan tâm chấn chỉnh, khắc phục. Theo ông Trần Hữu Bình, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cán bộ công tác văn hóa ở địa phương do phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nên đôi khi chưa sát sao trong triển khai xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thôn, tổ phố. Do vậy ở một số khu dân cư, việc xây dựng hương ước, quy ước còn mang tính hình thức, nội dung chưa cụ thể, sát hợp thực tế, dẫn đến việc áp dụng thực hiện chưa mang lại hiệu quả thiết thực.
Mặt khác, do việc sáp nhập thôn, tổ phố, nhiều tục lệ của các thôn, làng có sự khác biệt dẫn đến phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong việc thống nhất nội dung hương ước, quy ước. Một trong những vướng mắc nữa là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có số lượng rất lớn, thường xuyên có sự thay đổi, sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, việc xây dựng các quy định trong hương ước, quy ước cũng phải thường xuyên thay đổi, cập nhật cho phù hợp với các quy định của Nhà nước, dẫn đến thiếu tính ổn định, khó phát huy được giá trị của hương ước, quy ước trong đời sống dân cư.
Thực tế cho thấy, hầu hết hương ước, quy ước thôn, tổ phố trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng dân cư, đặc biệt là ý thức tự giác, tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, phát huy; quan hệ gia đình, làng xóm, tổ phố ngày càng được gắn bó. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương được giữ vững, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thông qua thực hiện hương ước, quy ước tại các thôn, tổ phố đã góp phần nâng cao chất lượng danh hiệu văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Do vậy, việc tiếp tục hoàn thiện bổ sung nội dung, nâng cao hiệu quả áp dụng, đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, vướng mắc của hương ước, quy ước là rất cần thiết và rất cần sự quan tâm, chú trọng của các cấp, ngành hữu quan.
Nguyễn Khánh