Nhà truyền thống Bình Lục góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước

Thực hiện Đề án “Phát huy giá trị văn hóa đồng chiêm trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025”, năm 2022 Nhà truyền thống huyện Bình Lục được khởi công xây dựng. Đến tháng 10/2023, Nhà truyền thống huyện khánh thành và đưa vào sử dụng.

Công trình gồm 2 tầng, tầng 2 là hội trường đa năng, tầng dưới gồm có một phòng chiếu phim, một phòng trưng bày chuyên đề “Bình Lục hương sắc đồng chiêm” và phần lớn còn lại là phòng trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật về văn hóa, lịch sử địa phương; truyền thống cách mạng; thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bình Lục trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

Trung tâm của phòng trưng bày là biểu tượng trống đồng Ngọc Lũ I (Bảo vật quốc gia - niềm tự hào của nhân dân Bình Lục, Hà Nam và của cả nước), bên trên là núi Quế (còn gọi là núi An Lão, núi Nguyệt Hằng), phía dưới là sông Ninh biểu trưng gắn liền với mảnh đất và con người Bình Lục. Chính giữa là bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường đắp đập Cát Tường ngày 14/01/1958. Người đến tận nơi, khen ngợi, động viên tinh thần cán bộ, nhân dân đang lao động trên công trường cố gắng hoàn thành con đập để kịp thời đưa nước về cấy hết diện tích. Với tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ, quân và dân huyện Bình Lục đã hoàn thành việc đắp đập Cát Tường trong thời gian chưa đến 5 ngày. Con đập chắn ngang sông Sắt đưa nước vào đồng, cứu hàng nghìn mẫu lúa chiêm đang bị khô hạn. Hai bên là hình ảnh cổng và Từ đường Nguyễn Khuyến - biểu thị sự hiếu học của người dân Bình Lục; đình Triều Hội - nơi diễn ra cuộc mít tinh biểu tình của nông dân Bình Lục ngày 20/10/1930, hình ảnh Bác Hồ xem trống đồng Ngọc Lũ I tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và hình ảnh Bác Hồ trao lá cờ "Chống hạn khá nhất" cho huyện Bình Lục.

Khách tham quan tìm hiểu tư liệu tại gian trưng bày theo chủ đề.

Bình Lục là huyện có địa hình thấp, bằng phẳng, màu mỡ nên ngay từ thời Văn Lang - Âu Lạc, Bình Lục đã trở thành một khu vực quần cư quan trọng. Do có địa hình thấp hơn với các huyện trong tỉnh và vùng đồng bằng sông Hồng, địa hình Bình Lục được chia thành hai vùng rõ rệt: vùng đồng chiêm trũng cấy lúa và vùng đất bồi ven sông Châu trồng rau màu, cây ăn quả và cây công nghiệp. Chính bởi điều kiện tự nhiên đó nên nét nổi bật của huyện là hệ thống sông ngòi dày đặc. Ngay đầu bên trái phòng trưng bày là hình ảnh những dòng sông huyền thoại của huyện như: sông Châu, sông Ninh, sông Sắt, sông Biên Hòa, sông Luyện, sông Dương... Tiếp theo là hình ảnh núi Quế thuộc xã An Lão, Bình Lục - nơi phát hiện nhiều hiện vật thuộc nền văn hóa Hòa Bình và nền văn hóa Đông Sơn như những công cụ bằng đá và trống đồng An Lão. Cùng với đó là hình ảnh những lễ hội truyền thống ở Bình Lục. Nhiều lễ hội bảo lưu nhiều phong tục tập quán, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa giàu bản sắc của vùng quê trồng lúa nước như tục cướp cầu ở La Cầu, Tràng An; đánh đu ở Đồng Du, La Hào hoặc những đêm hát trống quân ở Trần Bái, Vị Hạ, các chiếu chèo sân đình nổi tiếng một thời và những làn điệu dân ca giao duyên vùng ngã ba sông Móng đằm thắm, trữ tình.

Nói đến Bình Lục không thể không nói đến truyền thống hiếu học, khoa bảng. Là huyện dẫn đầu tỉnh về số người đỗ đạt thời kỳ phong kiến (31 người), phòng trưng bày giới thiệu hình ảnh về các di tích thờ các vị đại khoa như Lý Công, Bùi Tử Kiến, Bùi Tử Lâm, Trần Văn Bảo, Đông Các Đại học sĩ tế tửu quốc tử giám Nguyễn Kỳ… Nhiều dòng họ nhiều đời có người đỗ đạt cao như Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến và dòng họ Trần Hữu ở Văn Ấp, xã Bồ Đề… Từ khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, truyền thống giáo dục khoa bảng của huyện Bình Lục tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Tính đến năm 2020, huyện Bình Lục có hơn 200 người có học vị tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư đang làm việc ở nhiều lĩnh vực trên mọi miền đất nước, góp công sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phần hai của phòng trưng bày mang chủ đề “Bình Lục trong thời kỳ cách mạng kháng chiến”. Tại đây có hình ảnh đình Cổ Viễn, xã Hưng Công, nơi Tỉnh ủy họp quyết định tổ chức mít tinh biểu tình ngày 20/10/1930; đình Hoàng Xá, xã Bồ Đề, nơi cắm cờ Đảng đêm 19/10/1930 cổ vũ cho cuộc mít tinh, tuần hành của nông dân ngày 20/10/1930; đình Triều Hội, xã Bồ Đề, nơi nổi lên hồi trống mở đầu cho cuộc mít tinh, biểu tình ngày 20/10/1930 của nông dân huyện Bình Lục. Nổi bật nhất là bức tranh khắc họa cuộc mít tinh biểu tình của nông dân Bình Lục năm 1930 của họa sỹ Đỗ Kích với tên gọi "Tiếng trống Bồ Đề năm 1930". Tại đây còn có hình ảnh những anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của Bình Lục như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Trần Văn Chuông quê xã Bình Nghĩa; AHLLVTND Cao Kỳ Vân (Nguyễn Thị Được) quê xã An Ninh; AHLLVTND Trần Phú Cương quê xã Vũ Bản; AHLLVTND Trần Ngọc Bái (Trần Sỹ Hùng, Tư Hùng) quê xã Vũ Bản; thiếu tướng Trần Tử Bình (quê Tiêu Động), nhà tình báo huyền thoại Mười Hương- Trần Quốc Hương (xã Vũ Bản).

Nhằm phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, Mỹ đã leo thang bắn phá miền Bắc. Hà Nam là một hướng chiến lược quan trọng với một hệ thống đường sắt, đường bộ và đường thủy, huyết mạch giao thông quan trọng chi viện cho chiến trường miền Nam, mà Bình Lục - nơi có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua nên đây là một nơi giặc Mỹ đánh phá. Hình ảnh cầu Họ - địa điểm máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, làm sập cầu đường bộ, cắt đứt cầu đường sắt trong ngày 18/8/1966; cầu Ghéo, cầu Sắt hay ga Bình Lục tan hoang bởi máy bay Mỹ bắn phá nhiều lần trong chiến tranh phá hoại của chúng. Bên cạnh là những hình ảnh dân quân địa phương tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương; hình ảnh thanh niên huyện Bình Lục nô nức lên đường làm nhiệm vụ giải phóng miền Nam; nhân dân La Sơn hăng hái nhập lương thực cho nhà nước trong ngày hội giao lương do huyện phát động năm 1960.

Với chủ đề ba “Bình Lục trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển” là những hình ảnh về quá trình xây dựng nông thôn mới  của Bình Lục. Năm 2019, huyện Bình Lục đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, làm việc tại Bình Lục và những phần thưởng cao quý Đảng, Nhà nước tặng thưởng cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Lục trong công cuộc đổi mới.

Trong khoảng hơn 500 hình ảnh, tư liệu, hiện vật trưng bày tại Nhà truyền thống thì phòng trưng bày chuyên đề “Bình Lục hương sắc đồng chiêm” có gần 100 hiện vật gợi nhớ đến đời sống, sinh hoạt của người dân Bình Lục một thời. Trong đó có chiếc thuyền nan, phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân Bình Lục “sáu tháng đi tay, sáu tháng đi chân”; là những cái cày, cái bừa, gàu tát nước; là nơm, đó, giỏ, rọ, nong, nia, dần, sàng… hay chiếc hòm quạt thóc, máy tuốt lúa, cối đập lúa, trục lăn lúa… những vật dụng gắn bó với người dân vùng đồng chiêm trũng. Đây là những hiện vật sưu tầm được ở làng quê Bình Lục hoặc được người dân trao tặng cho phòng trưng bày.

Nhà truyền thống huyện Bình Lục khá phong phú hình ảnh, hiện vật và phương pháp trưng bày khoa học, hấp dẫn nhưng hiện đại. Phòng truyền thống hiện mới chỉ mở cửa khi có những cuộc họp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức huyện Bình Lục tại phòng họp tầng trên. Nhân dân và khách tham quan chưa tiếp cận được bởi Nhà truyền thống hiện nằm trong khuôn viên Huyện ủy, UBND huyện Bình Lục. Được biết, sau khi Khu đô thị Bắc Bình Mỹ hoàn thành, UBND huyện sẽ cho xây một con đường dẫn vào Nhà truyền thống (phía sau Nhà truyền thống hiện tại) để người dân trong và ngoài huyện thuận tiện hơn trong việc tham quan, tìm hiểu về Bình Lục qua các không gian trưng bày. Đồng thời phát huy hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình yêu quê hương và niềm tự hào xứ sở, nhất là cho thế hệ trẻ.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy