Nâng cao ý thức khi tham gia mạng xã hội

Có lẽ chưa bao giờ mạng xã hội lại được nhiều người quan tâm và sử dụng thường xuyên như hiện nay. Từ mạng xã hội người ta có thể nắm bắt được thông tin trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng… đến các vấn đề nhỏ của đời sống thường ngày như mâu thuẫn trong gia đình, chuyện làng xóm, việc học hành, thi cử…

Từ sự nhanh nhạy của mạng xã hội mà các tổ chức, cá nhân nhanh chóng cập nhật mọi thông tin, đưa quan điểm của bản thân về một vấn đề nào đó để mọi người tham khảo, trao đổi, nhận xét, mua bán… Tuy nhiên, trên mạng xã hội không phải thông tin nào cũng trung thực, khách quan và không phải ai cũng cập nhật, chia sẻ những thông tin tích cực, có văn hóa lên mạng xã hội. Từ những thông tin, những hành động thiếu trung thực, phản văn hóa tạo nên “rác” mạng, ảnh hưởng đến mọi người, mọi nhà, mọi thế hệ. Từ “rác” mạng xã hội “ảo” mà có thể dẫn tới những mâu thuẫn “thực” ở ngoài đời, thậm chí nó còn lấy đi tính mạng, danh dự, tài sản của người tham gia. Chính vì vậy, đòi hỏi mỗi người cần nâng cao ý thức, văn hóa, không nên tạo “rác”, “khuếch tán rác” khi tham gia mạng xã hội. 

Nâng cao ý thức khi tham gia mạng xã hội
Mọi người cần nêu cao ý thức trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội.

Nói về việc tham gia mạng xã hội, chị Lưu Thị Thúy Liên (trú tại Phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý) chia sẻ: “Nhà mình ai cũng vào mạng. Như cha mẹ mình đều đã trên dưới tám mươi tuổi cũng thường xuyên lên mạng xem thông tin, lướt các kênh để tìm kiếm những nội dung mà các cụ yêu thích. Hay cháu nhà mình năm nay mới 5 tuổi cũng thường vào kênh Youtube để xem các video dành cho trẻ nhỏ. Bản thân vợ chồng mình thì vào Zalo, Facebook để nói chuyện, trao đổi thông tin với bạn bè. Hầu như ngày nào cả gia đình mình ai cũng phải một đến vài lần lên mạng, thấy thông tin gì hay thì chia sẻ. Ông xã mình hay chia sẻ các cách chăm sóc lan, mẹo sửa chữa, làm mới các đồ dùng như máy giặt, bình nóng lạnh, còn mình chia sẻ các thông tin về làm đẹp, giảm cân, cách nuôi dạy con… Tuy vậy, khi lướt mạng mình thấy nhiều thông tin “độc hại”. Cụ thể nhiều người livestream công kích, nói xấu nhau, hoặc cũng có người bình phẩm thiếu văn hóa khi có người chia sẻ ảnh của bản thân và người khác. Thậm chí nhiều người còn chia sẻ những clip, livestream đánh ghen... Hầu như “rác mạng” mình thường xuyên gặp ở những biểu hiện khác nhau khi thì công khai, khi thì ở trong nhóm kín. 

Anh Trần Văn Công làm việc tại KCN Đồng Văn IV (Kim Bảng) cho biết, ngoài giờ làm việc lúc rảnh rỗi là anh thường lên mạng. Ở trên đó có rất nhiều thông tin, nhất là những vấn đề “nóng”. Anh thành thật chia sẻ: Rất nhiều vấn đề mà mọi người quan tâm như cãi vã, tố chửi nhau trên mạng hay lộ các “clip nóng” của diễn viên anh cũng tò mò vào xem hoặc được bạn chia sẻ cho xem qua nhóm kín. Nhiều người vào bình luận, có người cổ vũ cho việc “đá xéo”, “bóc phốt”… nhau trên mạng và tham gia các nhóm ủng hộ, không ủng hộ, phản bác một người nào đó. Rồi sau đó quay ra tranh luận, bình phẩm nhau ở ngoài đời thường. 

Không chỉ thế hệ trẻ quan tâm và theo dõi các vấn đề trên mạng mà cả những người cao tuổi cũng dễ dàng tiếp cận các vấn đề và “rác” mạng. Bác Lê Văn Định (Đồng Văn, Duy Tiên) chia sẻ: Lên mạng tôi dễ dàng bắt gặp cảnh giang hồ người đầy xăm trổ lên “chém gió”, nói tục chửi bậy. Những hình ảnh thanh, thiếu niên vừa chơi điện tử vừa gác chân hút thuốc lá và chửi tục. Còn có người đeo đầy trang sức livestream khoe của và thể hiện cái tôi mà được nhiều người tung hô, ủng hộ. Có những người thường xuyên theo dõi, cập nhật các buổi chửi bới, livestream phản cảm, chống đối người thi hành công vụ hoặc để “bóc phốt” người khác và hùa theo. Tôi thấy mạng ảo nhưng lại có sức “sát thương” người khác vô cùng lớn. Nó không những làm tổn hại danh dự của bản thân người lên mạng mà cả gia đình của người khác nếu vô tình bị cộng đồng mạng "chửi, vùi dập hội đồng"…

Phải khẳng định rằng: Trên mạng lan truyền rất nhiều những thông tin tích cực, lời hay ý đẹp, lối sống văn hóa, những việc làm nhân văn, ý nghĩa, song môi trường mạng cũng đang ô nhiễm bởi những hành động bêu riếu, xúc phạm nhau, thậm chí cả lừa đảo, thách thức lẫn nhau…  

Chị Lê Thanh Huyền (Phường Minh Khai, TP Phủ Lý) cho rằng: Các hiện tượng, vấn đề “lệch chuẩn”, “thiếu văn hóa” trên không gian mạng đang xảy ra không chỉ làm tức giận, đau lòng những người trong cuộc mà còn làm ảnh hưởng tới mọi người, đến tâm lý xã hội; gây mất niềm tin và hoang mang của người trẻ, những người thiếu kinh nghiệm, hiểu biết. Đây là vấn đề chung cần sự chung tay của mọi người để cùng giải quyết, chứ không phải của cá nhân ai. 

Cùng với sự hiểu biết, có kinh nghiệm khi lựa chọn các thông tin và tham gia mạng xã hội thì để góp phần làm cho môi trường mạng trong lành, tạo năng lượng tích cực cho cuộc sống, điều trước tiên chính là chúng ta cần nhận thức đầy đủ về những tác hại của các tương tác, tranh luận, video độc hại trên môi trường này. Chúng ta cần tuân thủ đúng bộ quy tắc ứng xử, tuân thủ pháp luật trong môi trường mạng. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần ý thức nhiều hơn nữa về hình ảnh, uy tín và vai trò làm gương của mình đối với con em, người thân và bạn bè, cộng đồng mạng. Mặt khác, các cấp, ngành, nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền về những quy định, luật pháp, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia mạng xã hội; tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, văn hóa cho các tầng lớp người dân, đặc biệt là đối với thanh, thiếu niên- những chủ nhân tương lai của đất nước, qua đó góp phần xây dựng mạng xã hội “an toàn và trong sạch”. 

Nguyễn Hằng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy