Nâng cao hiệu quả sử dụng thiết chế văn hóa cơ sở

Năm 2020, Hà Nam là 1 trong 4 tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM). Ngay sau đó, Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM kiểu mẫu ở các xã. Trong các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu, tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa tiếp tục được quan tâm.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 91/91 trung tâm văn hóa – thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL); 590/590 thôn có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, TDTT của nhân dân, trong đó có trên 300 nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH,TT&DL. Các thiết chế văn hóa cơ sở đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư, là nơi cung cấp thông tin về mọi mặt thông qua các hình thức sinh hoạt cộng đồng tự nguyện của nhân dân, là nơi hội họp của chi bộ và các hội đoàn thể, nơi vui chơi thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng… nhà văn hóa cơ sở tuy đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, không còn là những thiết chế chỉ dùng vào việc hội họp như trước, nhiều hình thức sinh hoạt nhà văn hóa đã được mở ra, nhưng những hoạt động thiết thực mà các thiết chế trên cần thực hiện lại chưa được quan tâm đúng mức.

Đầu tiên đó là hoạt động thông tin tuyên truyền, cổ động. Nhiệm vụ chủ yếu của hoạt động này là phổ biến rộng rãi trong công chúng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Trung ương và địa phương, nêu gương người tốt việc tốt, phê phán thói hư tật xấu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở. Phương thức của hoạt động này gắn với các hình thức, phương tiện, như: hệ thống loa truyền thanh, bảng tin, trang trí pa nô, khẩu hiệu, thông tin cổ động, văn nghệ quần chúng, tuyên truyền văn hóa…

Nâng cao hiệu quả sử dụng thiết chế văn hóa cơ sở
Nhà văn hóa Thôn 3, xã Vũ Bản (Bình Lục) được xây dựng khang trang, là điểm sinh hoạt của nhân dân trong thôn. Ảnh: Bình Nguyên

Hoạt động thư viện, phòng đọc sách báo có thể coi là một trong những hoạt động quan trọng trong việc khai thác lợi thế thiết chế nhà văn hóa cơ sở. Hằng năm, Thư viện tỉnh thường có hoạt động luân chuyển sách báo đến các xã xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu, nhưng nguồn sách không nhiều, không đa dạng đã hạn chế rất nhiều đến hoạt động này. Nhiều địa phương từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cũng bước đầu hình thành được hoạt động đọc sách, nhưng do sách cũ, không có giá trị thiết thực đến đời sống, không phục vụ nhu cầu đa dạng của đối tượng đọc nên hình thành một thời gian rồi dừng lại. Hiện tại, hầu như các nhà văn hóa thôn và nhiều nhà văn hóa cấp xã, phường đều không tổ chức được hoạt động này.

Hoạt động văn nghệ quần chúng là hoạt động hấp dẫn ở cơ sở. Ở tỉnh ta có hàng trăm câu lạc bộ, điểm, nhóm văn hóa văn nghệ. Vào dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm, kỳ việc làng, hay phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, những hoạt động này diễn ra sôi nổi. Những hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ sở chủ yếu là các câu lạc bộ dân ca và chèo, đã góp phần lưu giữ và truyền bá những giá trị văn nghệ dân gian truyền thống, nhưng thiếu đi sự phong phú và đa dạng của các loại hình biểu diễn khác. Mặt khác, các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ tuy nhiều nhưng không hoạt động thường xuyên và chỉ nằm trong một số điểm, nhóm ít người.

Thiết chế văn hóa cơ sở cũng có thể là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống. Những thiết chế này nên có phòng truyền thống hoặc góc truyền thống trưng bày các hình ảnh, bằng khen, bằng công nhận di tích, kỷ vật chiến tranh, truyền thống cách mạng của quê hương, tinh hoa làng nghề… góp phần giáo dục truyền thống. Các hoạt động có tính phong trào, như “Uống nước nhớ nguồn”, “Đi tìm địa chỉ đỏ”, “Đền ơn đáp nghĩa”, hay tổ chức những ngày hội truyền thống cũng có ý nghĩa giáo dục truyền thống. Việc công nhận và xây dựng các di tích lịch sử văn hóa, tổ chức các lễ hội gắn liền di tích cũng là nhằm giáo dục văn hóa, lịch sử hiệu quả.

Các thiết chế văn hóa cơ sở và hoạt động của thiết chế này còn có tác dụng hình thành nếp sống văn hóa mới, hạn chế, khắc phục những tiêu cực của nếp sống lạc hậu. Một số nhà văn hóa đã có những hoạt động, như sao chép, in, phổ biến, giới thiệu những tiêu chí trong việc bình xét công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, tiêu chí nông thôn mới, quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tổ chức các hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, bình xét gia đình văn hóa và đăng ký xây dựng gia đình văn hóa.

Một trong những hoạt động khai thác tốt giá trị nhà văn hóa cơ sở, đó là hoạt động TDTT, vui chơi, giải trí. Nhiều nhà văn hóa có sân rộng, lắp đặt bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời, có hệ thống chiếu sáng và khuôn viên đẹp là địa điểm để người dân thư giãn, tập luyện TDTT nâng cao sức khỏe, cải thiện cuộc sống tinh thần. Tuy nhiên, nhiều nơi do xây dựng từ trước nên nhà văn hóa có diện tích nhỏ, khuôn viên hẹp, việc bố trí các hoạt động trên không thuận lợi. Nhiều nhà văn hóa vừa làm hội trường, vừa làm sân chơi thể thao gây một số bất tiện trong sử dụng thiết chế.

 Chủ trương cải tạo, mở rộng, xây mới nhà văn hóa đáp ứng quy định đạt chuẩn và sau việc sát nhập thôn, tổ phố cũng được nhiều địa phương triển khai. Đồng thời, những nhà văn hóa có diện tích nhỏ vẫn chủ trương được giữ lại, vì vậy để không lãng phí cần tổ chức nhiều hoạt động phù hợp, hiệu quả gắn với các thiết chế này; các địa phương nêu cao trách nhiệm, sự sáng tạo của cán bộ, cộng tác viên văn hóa và sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp, ngành có liên quan.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy