Mạch nguồn văn hóa Liễu Đôi

Lần tìm đến Liễu Đôi cách đây 10 năm cũng vào một buổi chiều đông giá lạnh đã làm cho tôi khó có thể quên vùng đất và con người nơi này. Từ những con đường dài sâu thẳm vươn qua những cánh đồng, nối làng nọ với làng kia, những ngôi đền nhỏ, ngôi mộ cổ nằm dưới những tán cây già che khuất, ngõ làng xanh rêu phủ bóng tre… Người đồng hành trong chuyến đi ấy là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Cường, ông vừa đi vừa kể một cách thông thuộc về vùng đất này. Lạ rồi quen, bởi trong chính trái tim và nhận thức của tôi, Liễu Đôi chứa đựng những điều kỳ vĩ, vừa nhìn thấy được, vừa không nhìn thấy. Nó là mạch nguồn văn hóa nghìn năm chảy trong đất, trong nước, trong đời sống tinh thần và khát vọng của con người.

Ngọn đèn trong đêm trường lịch sử

Không có những cuốn sách như “Khảo sát văn hóa Liễu Đôi” (2 tập), “Trăn trở nghìn năm”, “Hoàn Vương ca tích”, “Truyện cổ Liễu Đôi” chắc chắn không ai biết Liễu Đôi là gì? Tại sao lại gọi là Liễu Đôi? Trải qua những đêm dài lịch sử, vùng đất được kể đến bắt đầu từ núi Cõi, xã Liêm Cần, xuống phía Nam gần giáp với huyện Ý Yên, uốn quanh với điểm cuối là núi Trà Châu, xã Thanh Tâm, tạo thành một vòng cung lớn ngoảnh mặt về phía đông, ôm lấy đồng chiêm trũng chính là Liễu Đôi. Trong lòng Liễu Đôi là những xóm làng cổ kính, trầm mặc, những phong tục tập quán, hội hè, sinh hoạt văn hóa truyền thống đậm màu dân tộc. Hiểu theo nghĩa Hán văn, Liễu Đôi là đống cây liễu. Sử sách ghi lại, đại bộ phận đất đai vùng này trước kia đều chìm sâu dưới nước, chỉ có một số gò đống nổi lên giữa đồng, được con người tiếp tục bồi thêm, mở rộng thành nơi ở. Những làng xóm đầu tiên đều bắt đầu cắm chốt, trụ bám trên những đống cao ấy nên bây giờ sau những biến đổi của lịch sử, nhiều xóm làng ở đây vẫn mang những cái tên có tiếng “đống”, như: Đống Thượng, Đống Cầu, Đống Sấu.

Mạch nguồn văn hóa Liễu Đôi
Ông Bùi Văn Cường (bên trái) trong hành trình nghiên cứu văn hóa Liễu Đôi đã gặp ông Nguyễn Văn Điềm (bên phải - đã mất tháng 2/2022), người dân thị trấn Tân Thanh còn lưu giữ bộ sách Lê Vương quý giá mà ông cha để lại.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Cường tường tận vùng đất này, từ lịch sử đến văn hóa, tập quán sinh hoạt, tính cách của người dân. Ông cho biết, Liễu Đôi trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một xã, diện tích chưa quá 1,5 km2 gồm 5 làng, thôn cách nhau từng quãng đồng sâu như làng Đông, làng Sấu, làng Tháp và hai thôn Đống Cầu, Đống Thượng, thuộc tổng Mỹ Xá, huyện Thanh Liêm. Đến cuối thế kỷ XX, Liễu Đôi là một thôn có khoảng 550 nóc nhà với 1.800 nhân khẩu thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm. Nhưng nói về vùng văn hóa Liễu Đôi thì rộng hơn, Liêm Túc là trung tâm hội tụ các giá trị của cả vùng gồm bốn xã: Liêm Túc, Liêm Sơn, Liêm Thuận, Liêm Cần, huyện Thanh Liêm. Khi nghiên cứu về vùng đất này, bắt đầu từ thập niên 60 thế kỷ XX, ông Bùi Văn Cường bắt gặp những điều rất quý giá, rất thực tế, cho ông hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Cường cho biết: “Chưa ở đâu như Liễu Đôi, mỗi tên xóm, tên làng, mỗi tên cồn, tên đống, tên một cánh đồng, một khoảnh mạ, một con đường đều có sự tích, đều ít nhiều gắn với một câu chuyện về quá khứ chiến đấu oanh liệt của quê hương”.

Đây đúng là một vùng đất cổ, có nhiều đền miếu với những cái tên rất ban sơ, như đền Ông, đền Bà, đền Ông Bảy, đền Ông Mổ Bụng, đền Ông Rút Sườn, đền Bà Đống Giải, đền Áo The thờ những anh hùng có công trừ ác, cứu nạn, hy sinh chiến đấu chống giặc xâm lăng, giữ nước, giữ làng. Ông Bùi Văn Cường chắc chắn về những kết quả nghiên cứu của mình và đồng sự: “Những di chỉ, di tích, di vật này là những chứng tích lịch sử cho văn hóa Liễu Đôi, sẽ giúp chúng ta giải thích những đặc điểm lớn, những nét khác lạ trong văn hóa Liễu Đôi”. Bởi, chỉ nói riêng về mặt sưu tầm văn học dân gian của vùng này, chúng tôi đã thâu lượm được một số lượng đáng kể gần 2.000 tư liệu với đủ các mặt thể loại và cả binh thư, binh pháp cổ… rất độc đáo, rất bản địa. Đặc biệt, hầu như đại bộ phận di sản văn hóa của vùng đất này đều hướng vào một mũi nhọn: chống giặc xâm lược phương Bắc.

Đến đâu ở vùng đất này cũng có truyện cổ và ca dao, có nghĩa là, ở đây trong hành trình lịch sử dài nghìn năm, từ cuộc sống và những biến thiên bất diệt đã tạo dệt nên những câu chuyện đó. Mỗi người dân Liễu Đôi giống như một người “chép sử” theo cách riêng của mình, ghi lại sự việc diễn ra trong lịch sử bằng huyền tích, truyền thuyết, ca dao. Nhóm nghiên cứu văn hóa của ông Bùi Văn Cường cho biết, họ đã thu hoạch ở xã Thanh Bình (nay thuộc thị trấn Tân Thanh) được vài chục truyền thuyết và truyện cổ, gần trăm bài ca dao, vè và một số phương ngôn, tục ngữ có quan hệ về lịch sử thời Đinh – Lê. Ông Bùi Văn Cường cho biết: “Những huyền thoại, truyền thuyết này như muốn rọi một ngọn đèn nhỏ vào đêm dài lịch sử đầy vẻ mơ hồ, bí ẩn của ngàn năm trước, dù không làm tách bạch trắng đen mọi nhẽ thì nó cũng giúp hình dung ra những mảng tối, sáng của thời cuộc, cái dữ dằn khốc liệt, cái hào hùng oanh liệt của một thời xa xôi của đất nước vào thế kỷ thứ X”.

Những trăn trở ngàn năm còn mãi

Một khung cảnh quá đỗi cổ tích hiện về trong ký ức tôi, ấy là chiếc xe ngựa chạy trên con đường đất giữa cánh đồng nối hai xã Liêm Túc và Liêm Sơn (đều thuộc vùng Liễu Đôi) trong chiều tà đông lạnh. Gió chạy vòng quanh trên cánh đồng, bụi đường theo bánh xe ngựa cuộn tròn mù tít. Ông Bùi Văn Cường dẫn cả đoàn vào đền thờ chàng trai họ Đoàn, ông tổ của hội Vật Liễu Đôi. Tôi đã từng đọc cuốn Truyện cổ Liễu Đôi, với những câu chuyện về ông đánh chiêng, ông chiềng lệnh, ông Thần Điểu, ông Ba Lềnh, chàng trai họ Đoàn… Xuyên suốt Truyện cổ Liễu Đôi là tình yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, đấu tranh vì chính nghĩa và những trăn trở về sự tồn vong, an nguy của quê hương, đất nước trong tâm hồn người Liễu Đôi. Vùng đất này là vùng đất thượng võ, coi võ vật là tiêu chuẩn cao nhất của cái đẹp, là bản lĩnh không thể thiếu được của con người nơi đây. Vì thế mà thánh Liễu Đôi, hay những nhân vật được người dân Liễu Đôi tôn thờ làm Thánh trước hết phải là những người võ vật. Như, ông Mổ Bụng, ông Rút Sườn, nàng Liên Nương, chàng trai họ Đoàn… 

Mạch nguồn văn hóa Liễu Đôi
Vật Liễu Đôi, xã Liêm Túc (Thanh Liêm). Ảnh: Thế Tuân

Vì sao có võ vật, có tinh thần thượng võ ấy, ông Bùi Văn Cường giải thích: Liễu Đôi có câu tục ngữ “Võ vật khởi chưng nan/ Võ vật khởi chưng hàn/ Võ vật khởi chưng nạn”, nghĩa là võ vật khởi đầu do khó khăn, đói rét và tai họa. Đất Liễu Đôi xưa chiêm khê mùa thối tránh sao khỏi cái đói rét, thiếu thốn. Lại thêm đất nước luôn phải trải qua những lần thiên tai dịch họa, nạn ngoại xâm nên vật võ phát triển, được chú trọng là để con người đương đầu số phận, đánh giặc cứu nước…

Câu chuyện về chàng trai họ Đoàn kể rằng ở cánh đồng Nương Cửi, một hôm có một ngọn lửa lạ bốc ngút trời. Người ta ra đó xem thì thấy một thanh gươm báu đang phát hỏa. Lửa tắt, các trai tài, gái giỏi cả vùng không ai nhấc nổi gươm. Bấy giờ, ở Liễu Đôi có chàng trai họ Đoàn và cô gái họ Bùi là hai người có tài võ vật nhấc bổng gươm lên được. Họ kết thành đôi. Không bao lâu, giặc Tàu kéo sang xâm chiếm đất nước, cả hai cùng nhau đi đánh giặc. Họ thắng nhiều trận. Nhưng rồi trong một trận, chàng bị quân giặc hóa thành “con quỷ đỏ mỏ” bay che trước mặt nên bị trúng giáo giặc mà ngã ngựa hy sinh. Nữ tướng họ Bùi cũng uất lên mà chết. Dân nhớ ơn tôn thờ chàng là Thánh và nàng là Tiên, hằng năm mở hội võ vật kỷ niệm, gọi là Hội Thánh Tiên. Họ lập đền thờ gọi tên là đền Ông, đền Thánh Tiên thờ võ tướng họ Đoàn. Ngôi đền quay mặt về hướng Bắc, vì khi tử trận, vị tướng họ Đoàn không chịu nhắm mắt, cứ trừng trừng quay nhìn về phương Bắc, hướng quân thù xâm lược kéo tới. Vì thế, làm đền theo hướng này người dân Liễu Đôi mong muốn oai linh của vị tướng luôn trấn trị những âm mưu đen tối của bọn xâm lược!

Mạch nguồn văn hóa Liễu Đôi
Đền thờ chàng trai họ Đoàn, hay còn gọi là Ngài Thánh Tiên, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm.

Chúng tôi thắp nén nhang trước ban thờ Ngài Thánh Tiên, cảm động rưng rưng về câu chuyện của nghìn năm. Bước chân ra ngoài cửa đền, nhìn về xa xa cánh đồng chiều, ông Bùi Văn Cường nói: “Nhân dân vốn yêu cái đẹp, hướng về cái đẹp. Sự hy sinh của những người con yêu quý quê mình cho đất nước là cái đẹp cao cả. Sự thật lịch sử có thể đến một mức độ nào đó, nhưng rồi lòng tự tôn, tự hào về quê hương, cộng với óc sáng tạo kỳ diệu, người dân đã tô điểm cho nó thành lung linh, đẹp đẽ…”.  Hội vật võ Liễu Đôi có một sức sống bền bỉ, tồn tại cùng với rất nhiều tục đẹp như tục chạy hồi loan (chạy vào lúc nửa đêm rằm tháng Hai, đèn nến phải tắt hết. Các trai làng ba thôn Đông, Sấu, Tháp rước bát hương đình làng về chùa Ba Chạ để tế lễ. Làng nào mang được bát hương về trước, nổi trống trước thì làng ấy cả năm sẽ an khang, thịnh vượng); tục thi vè nối đêm; tục thi nấu ăn (Chẳng về hội Vật thì thôi/Về thì đích phải xơi nồi lươn bung…).

Liễu Đôi vẫn chứa đựng một trầm tích văn hóa khó ai có thể hiểu hết, biết hết. Nhưng là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn con người, bồi đắp nhân cách và ý thức cho nhân dân trước cuộc sống hiện tại và tương lai dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Người Liễu Đôi vẫn luôn chăm chỉ, cần cù, mạnh mẽ và khao khát cái đẹp, khao khát tự do, yêu hòa bình./.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy